Sự nguy hiểm của bệnh thông thường

04/10/2015 19:34 GMT+7

(TNTS) Khởi đầu chỉ là những biểu hiện rất “vặt vãnh” như ho, sốt nhưng sau đó có thể là những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt với trẻ nhỏ sức đề kháng yếu.

(TNTS) Khởi đầu chỉ là những biểu hiện rất “vặt vãnh” như ho, sốt nhưng sau đó có thể là những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt với trẻ nhỏ sức đề kháng yếu.

Cẩn trọng với bệnh... lặt vặt
Bé trai Quốc V., 8 tháng tuổi ở Nam Định được gia đình đưa vào điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ông ngoại của bé cho biết, trước khi nhập viện, cháu có ho, sốt như một vài lần ốm trước đó. Sau khoảng 3 ngày thì gia đình đưa cháu đi khám và được điều trị viêm phổi tại một bệnh viện (BV) địa phương. Nhưng nhận thấy bé rất mệt mỏi nên gia đình tự chuyển viện.
Vào BV Bạch Mai, bệnh nhi tiếp tục được theo dõi điều trị viêm phổi nhưng cháu trong tình trạng kém hơn mức bình thường với diễn biến bệnh viêm phổi. “Với kinh nghiệm điều trị, chúng tôi nghĩ đến viêm não/màng não nên cho cháu chọc dịch não tủy xét nghiệm. Lúc này dịch não tủy đã đục như nước dừa. Hình ảnh chụp MRI cho thấy màng não đã bị dày cứng. Các kết quả đó cho phép chúng tôi xác định cháu bị viêm màng não mủ”, GS-TS Nguyễn Tiến Dũng, công tác tại Khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết.
Chuyên gia chia sẻ, nếu viêm màng não chẩn đoán được trong vòng 3 ngày đầu thì việc điều trị không khó khăn, nhưng sau thời điểm này, tỷ lệ di chứng cao. Nếu chẩn đoán, điều trị muộn (từ sau 7 ngày) thì chắc chắn bị di chứng (thiểu năng trí tuệ, liệt). Với bệnh nhi này, cháu đến muộn, đã qua 9 - 10 ngày sốt, điều trị ở tuyến trước nên rất đáng lo ngại về di chứng do viêm màng não mủ.
Phác đồ đặc biệt
Theo TS Dũng, ngay khi xác định bệnh, bé V., được điều trị kháng sinh đặc hiệu và liều dùng cao hơn gấp hai so với liều thông thường. Thay vì tiêm, thuốc được dùng đường tĩnh mạch, truyền chậm trong 3 giờ. Phương pháp này đảm bảo kháng sinh có thời gian tiếp xúc lâu dài với vi khuẩn, “quét sạch” chúng.
Việc chẩn đoán đúng là vô cùng quan trọng để kê kháng sinh “trị” vi khuẩn, bởi vì không phải kháng sinh nào cũng có thể “thấm” được qua màng não đến nơi vi khuẩn đang được nhân lên nhanh chóng gây viêm mủ. “Với trường hợp bé V., quá trình điều trị cần kiểm soát nguy cơ ngộ độc do tăng liều thuốc”, bác sĩ Dũng nhấn mạnh. Do vi khuẩn đã bị kháng thuốc nên việc điều trị cho bé V. kéo dài đến 7 tuần, thay vì 2 tuần nếu được phát hiện sớm hơn. Và rất may bệnh nhi đã xuất viện không bị bất cứ di chứng nào.
TS Dũng lưu ý, các triệu chứng nghi ngờ viêm não/màng não là: sốt cao, đau đầu, co giật, li bì, tri giác lơ mơ; ở trẻ nhỏ có hiện tượng thóp phồng. Tuy nhiên, qua trường hợp của bé V., các gia đình nếu thấy con mệt mỏi, lừ đừ, mặc dù chỉ biểu hiện ho, sốt, tiêu chảy chứ không có triệu chứng điển hình của bệnh não/màng não vẫn nên đưa con đến cơ sở y tế để được chẩn đoán. Đặc biệt, gia đình không nên tự dùng kháng sinh điều trị cho trẻ. Việc dùng kháng sinh không đúng rất nguy hiểm do vi khuẩn có thể bị yếu đi, làm mất các triệu chứng rầm rộ, điển hình của bệnh trong khi thực tế bệnh vẫn diễn biến nặng lên do tác nhân gây bệnh chưa bị tiêu diệt.
Đặc biệt, theo TS Dũng, một số trẻ bị viêm phổi (mà khởi đầu có thể chỉ là ho, sốt thông thường) cũng có nguy cơ viêm màng não mủ bởi vì các bệnh này cùng do một loại vi khuẩn gây nên. Do đó, quá trình chăm sóc, điều trị rất cần theo dõi diễn biến bệnh để kịp thời có phác đồ điều trị hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.