Sự nguy hiểm của 'hạ sốt thuận tự nhiên'

Liên Châu
Liên Châu
17/09/2022 04:00 GMT+7

Hạ sốt thuận theo tự nhiên - 'để bé sốt cao rồi sẽ tự hết' là sai lầm khiến trẻ có thể chịu những biến cố nghiêm trọng về sức khỏe .

Trẻ sốt cao mà vẫn tỉnh táo - tuyệt đối không chủ quan

Gần đây trên mạng xã hội lan truyền những chia sẻ rằng “nếu trẻ sốt cao 39 - 39,5 độ mà vẫn tỉnh táo, thì không phải uống thuốc hạ sốt”.

Trao đổi với PV Thanh Niên, các chuyên gia khẳng định để trẻ sốt cao mà không hạ nhiệt kịp thời là một sai lầm.

Trước băn khoăn của một số cha mẹ về ứng xử với sốt ở trẻ em như thế nào là đúng cách nhất, bác sĩ (BS) Yên Lâm Phúc (Học viện Quân y) cho biết: “Câu trả lời phụ thuộc vào mức độ sốt của trẻ, nguyên nhân gây sốt và tình trạng bệnh tật trước đó”.

BS Phúc nói thêm: Thông thường, trước khi sốt, các em bé đều khỏe mạnh. Do vậy, yếu tố chủ yếu quyết định việc "làm thế nào" sẽ phụ thuộc vào mức độ sốt của trẻ. Nếu bé sốt dưới 38,5 độ C, bạn có thể để bé tự hạ sốt. Việc này không gây hại về mặt sức khỏe, phản ứng miễn dịch được tăng lên sau cơn sốt nhẹ và vừa. Việc dùng thuốc hạ sốt nhằm đẩy nhanh tốc độ giảm nhiệt độ cho "yên tâm" về mặt tâm lý của bố mẹ có thể đã tước bỏ đi "quyền được miễn dịch" của chính em bé.

Để trẻ sốt cao mà không hạ nhiệt kịp thời là sai lầm

shutterstock

Tuy nhiên, BS Phúc lưu ý: Nếu trẻ sốt từ 38,5 độ trở lên, bạn vẫn cứ nhất quyết không cho uống hạ sốt, thì đó là một quyết định sai lầm. Bởi vì khi đó, sốt không thu được lợi ích gì mà gây hại. Gây hại chính nhất là tổn hại đến tế bào thần kinh trung ương trên não bộ. Sốt quá cao, đến một lúc nào đó, làm mất đồng bộ và chức năng của tế bào não bộ, gây phóng điện kịch phát và không kiểm soát, sẽ gây ra co giật.

BS Phúc cảnh báo: “Nếu bạn cứ tiếp tục để sốt quá nhiều, quá lâu, hệ miễn dịch bị ức chế (thay vì được kích thích), sức miễn dịch của em bé sẽ bị suy giảm. Để sốt kéo dài và quá lâu (4 giờ không hạ được sốt) thì tác nhân gây sốt chính thức gây hại cho gan, thận, tim, cơ và nhiều bộ phận khác. Các tác nhân này chính là các chất hóa học của phản ứng viêm”.

Lời khuyên của BS Phúc là: “Chỉ trì hoãn dùng thuốc hạ sốt trong giai đoạn cho phép. Còn khi đã vượt qua giới hạn, thì cha mẹ cần cho bé dùng thuốc theo hướng dẫn của BS. BS của bé sẽ biết dùng thế nào là an toàn cho bé, tránh tác dụng phụ của thuốc”.

Chưa kể, sốt sẽ phức tạp hơn nếu em bé mắc các bệnh sẵn có, như tiền sử động kinh, co giật, tiền sử viêm gan vi rút hoặc đang bị viêm gan vi rút…, BS Phúc lưu ý. Trong các trường hợp như vậy, cha mẹ cần cho trẻ đi khám hoặc thông báo ngay với BS.

Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị sốt cao

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, khi thấy trẻ mệt mỏi, quấy khóc, dễ nổi cáu, ngủ lơ mơ, mặt đỏ hoặc tái, rùng mình, thân nhiệt tăng, đó thường là biểu hiện của trẻ đang lên cơn sốt.

Ở trẻ em, thân nhiệt bình thường nằm trong khoảng 37 - 37,5 độ C, khi lên đến 38 độ C là có sốt. Khi trẻ bị sốt có nghĩa là cơ thể bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn (vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng...) chủ yếu là các bệnh viêm amidan, viêm họng, viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy...

Với mức sốt vừa 38 - 38,5 độ C thì cơ thể trẻ có thể chịu đựng được nhưng khi trẻ bị sốt cao, đặc biệt ở nhiệt độ 39 - 40 độ C, trong thời gian dài không hạ sốt sẽ gây mất nước, rối loạn điện giải, rối loạn thần kinh, co giật, thiếu ô xy não, tổn thương các tế bào thần kinh, có thể dẫn đến hôn mê hoặc thậm chí tử vong...

Do đó, cách xử trí đúng và kịp thời khi trẻ bị sốt cao trước khi đưa được trẻ đến cơ sở y tế để BS khám xác định nguyên nhân và chỉ định dùng thuốc là quan trọng, giúp tránh được những hậu quả nặng nề, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng, khi trẻ có những dấu hiệu sốt cao do bất cứ nguyên nhân nào, cha mẹ hoặc người trông trẻ cần làm như sau:

Để trẻ nằm ở nơi thông thoáng khí, hạn chế nhiều người vây quanh trẻ. Cặp nhiệt độ (có thể đặt nhiệt kế ở dưới nách hoặc ở hậu môn của trẻ). Nhiệt kế phải được giữ trong nách ít nhất 3 phút, cánh tay của trẻ áp sát vào ngực. Nhiệt độ của trẻ sẽ là số hiện trên nhiệt kế cộng thêm khoảng 0,3 - 0,4 độ. Ví dụ, nhiệt kế ghi 38 độ C thì thân nhiệt thực sự của trẻ khoảng 38,3 - 38,4 độ C.

Nếu thân nhiệt của trẻ không quá 38 độ C: cởi bớt quần áo, không đắp chăn, chỉ mặc quần áo mỏng cho trẻ và theo dõi nhiệt độ của trẻ thường xuyên, khoảng 1 giờ đo 1 lần.

Nếu thân nhiệt của trẻ khoảng 38 - 38,5 độ C: cởi bớt quần áo, dùng phương pháp hạ sốt vật lý (chườm mát - lau người cho trẻ) và hạ sốt bằng thuốc hạ sốt thông thường. Phương pháp chườm: dùng khăn bông mềm, sạch, nhúng vào chậu nước, vắt hơi ráo rồi lau lên khắp mình trẻ, nhất là các vị trí như nách, bẹn, chờ bốc hơi thì lau tiếp cho tới khi thân nhiệt hạ xuống khoảng 37,5 độ C.

Nếu thân nhiệt của trẻ 38,5 độ C trở lên: cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt (paracetamol) theo đúng liều lượng, cân nặng và khoảng cách thời gian giữa 2 lần uống thuốc ghi trong hướng dẫn sử dụng.

Nếu em bé buồn nôn không uống được thuốc thì có thể dùng viên đặt hậu môn. Cho trẻ uống nhiều nước (nước đun sôi để nguội, nước đỗ, nước cam, chanh..., tốt nhất là nước oresol), nếu trẻ còn bú thì cho bú nhiều hơn. Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám tìm nguyên nhân gây sốt.

4 không khi trẻ sốt cao

1. Tránh mặc nhiều quần áo ấm hoặc đắp chăn khi thấy trẻ sốt cao.

2. Tuyệt đối không dùng nước đá để chườm cho trẻ sẽ khiến trẻ bị sốt cao hơn do cơ chế co mạch ngoại vi.

3. Không xát chanh hay đánh gió cho trẻ.

4. Không dùng nhiều loại thuốc có chung một thành phần để hạ sốt sẽ dẫn đến quá liều có thể gây ngộ độc.

(Nguồn: Bộ Y tế)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.