(TNTS) Sau thời kỳ đỉnh cao của chủ nghĩa tân hiện thực, những đạo diễn tài danh của nước Ý bước sang thời kỳ còn đặc sắc và độc đáo hơn nữa, thời kỳ mà các nhà phê bình của tạp chí Cahiers du Cinema gọi là điện ảnh tác gia.
Nếu Fellini theo đuổi thủ pháp dòng ý thức với cách dàn dựng đậm chất hài hước châm biếm, Antonioni đắm mình vào thế giới u sầu, rạn vỡ của xã hội thượng lưu Ý, thì Luchino Visconti, trụ cột ban đầu của tân hiện thực đã rẽ sang hướng thăm dò thế giới của tầng lớp quý tộc Đức với đời sống đau đớn và tráng lệ. Một trong những bộ phim nổi bật của Visconti ở giai đoạn này là Death In Venice được làm năm 1971. Bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Thomas Mann, nhưng nhân vật trong đây đã đổi khác đi nhiều, từ nhà văn đổi thành nhạc sĩ, một trường hợp kinh điển của việc chuyển dịch từ yếu tố tiểu thuyết - truyện kể sang điện ảnh - nghe nhìn.
Trong Death In Venice, với nhân vật Gustav von Aschenbach, không nghi ngờ nữa, Visconti rõ ràng muốn ám chỉ đến vị nhạc sĩ người Đức Gustav Mahler khi nhạc chủ đạo của bộ phim chính là chương 4 Adagietto Bản giao hưởng số 5 của ông, một tuyệt tác! Hình ảnh người nhạc sĩ đơn độc đầy mặc cảm với bi kịch nặng nề cõi lòng vì cái chết của cô con gái bé nhỏ đã không giành được sự công nhận đúng mức của giới phê bình. Ở tại không gian này, trong những ngày tháng tưởng chừng tuyệt vọng, Gustav von Aschenbach bắt gặp một hình hài của cái đẹp, một cậu chàng mới lớn, Tadzio, mang dáng vẻ thiên thần, và dường như lúc nào cũng tỏa ra thần thái của sự cứu rỗi. Đôi mắt Tadzio phảng phất nét buồn man mác, một nỗi buồn xa vắng được bao bọc bởi một bà mẹ quý phái. Người nhạc sĩ tài hoa rốt cuộc đã theo đuổi cậu bé bằng cái nhìn trìu mến, sự giao hòa kín đáo mà chỉ có chiếc máy quay với những cảnh dài luôn luôn lia từ người này sang người kia như truyền thông điệp mới làm ra được. Mối giao hòa ấy gần như không hề bộc lộ theo cách thông thường. Bởi lẽ, nó là cảm giác tiệm cận cái hoàn hảo, chỉ là tiệm cận thôi, khi Gustav von Aschenbach chăm chú nhìn Tadzio lướt trên sóng nước hay khi ông ta dõi theo con đường cổ kính ẩm ướt được tô điểm bằng những đốm vôi trắng được rắc để tẩy trần, và khi trái tim đành câm lặng trước những khát khao lên tiếng. Một cuộc thưởng lãm nghẹn ngào của người nhạc sĩ mà chỉ có âm nhạc mới diễn tả được. Giữa khúc giao hưởng buồn nguy nga của Mahler hay nói cách khác là giữa những khát khao giao hòa đấy vang lên một giai điệu gây ngỡ ngàng: Thư gửi Elise của Beethoven; Khán phòng trống vắng, cậu trai ngồi gõ từng nốt từng nốt chậm rãi, rụt rè, đúng như cái xúc cảm đầu đời tinh khôi và không dễ nắm bắt. Cậu gieo vào lòng Gustav von Aschenbach một thứ cảm xúc chộn rộn của đớn đau pha lẫn hoan lạc mà người ta chỉ có thể mơ hồ cảm nhận, đồng thời đẩy người ta vào địa hạt của những vùng sâu kín. Gustav von Aschenbach không đủ sức mạnh đối diện với cảm xúc thăng hoa, ông quay đi nơi khác. Cậu chàng đã hoàn toàn biến mất lúc ông quay trở lại bên chiếc đàn piano, thế nhưng, khúc nhạc vẫn còn vang vọng. Giai điệu tuyệt vời ấy bắt đầu khơi gợi trong ông những cảm xúc của ngày xa xưa, hoài niệm bất định không rõ không gian và thời gian, gợi nhớ khúc nhạc của cô gái nhà thổ chơi cho ông nghe năm nào trong một không gian huê tình. Và khi ông nhạc sĩ bước ra khỏi phòng, cô gái ngồi đó với ánh mắt hướng về ông, những nốt nhạc lại vang lên, đầy vẻ rã rời, tiếc nuối, nhớ nhung. Khúc điệp hoàn hảo ấy là một khúc vĩ thanh xoa nhuyễn tất cả khát vọng cái đẹp, mà cái đẹp thực sự đưa con người ta đến đâu - câu hỏi luôn luôn phải ghi nhớ? Đến cái chết. Death In Venice là cái chết rất đẹp, là cái chết vì cái đẹp. Đôi khi cái đẹp có thể cứu rỗi, và đôi khi cái đẹp cũng có thể hủy diệt, sự hủy diệt mang sắc thái của chùm pháo hoa nổ tung.
|
Cái đẹp đầy ẩn ý tiếp tục được Visconti chuyển hóa một cách mãnh liệt cháy bỏng và cụ thể - từ việc ám chỉ đến những nhân vật và sự kiện lịch sử - trong phim Ludwig 3 làm vào năm 1972. Ludwig là một vị vua trẻ khát khao cái đẹp hoành tráng và mãnh liệt, như chúng ta biết, chỉ có âm nhạc của R.Wagner mới làm ông thỏa mãn. Dễ dàng tìm được sự đồng điệu giữa Gustav von Aschenbach và Ludwig khi cả hai đều muốn đẩy ham muốn của mình đến chỗ bất khả. Phải chăng, với những người nghệ sĩ đa cảm ấy, chỉ có bất khả mới là cái đẹp? Vị vua trẻ tìm đến chỗ bất khả qua người cô của chàng, Elisabeth, nữ hoàng nước Áo, người đã nhóm lên trong trái tim cô đơn của chàng những cảm xúc trong sáng, ấm áp của tình thân rồi lại đùa cợt chàng bằng những mơn trớn của yêu đương, nguy hiểm và xa cách. Những niềm mơ ước cái đẹp của tuổi trẻ đầy hoài vọng bất thành đã khiến chàng trai trẻ rơi vào vòng xoáy khôn cùng của sự buông thả vô hình. Từ tro tàn của mơ mộng tuổi trẻ, chàng đã xây nên những cái đẹp khác, và tất nhiên, cái đẹp này không còn như xưa, một cái đẹp đầy lộng lẫy và đàng điếm trông chẳng khác gì tòa lâu đài vương giả trong mơ. Một lần nữa, khúc điệp dành cho nữ hoàng Elisabeth ngân vang. Người ta thấy nàng đi về giữa giai điệu. Khúc điệp ấy là gì? Là hiện thân của cái đẹp được xây đẹp từ hướng vọng đổ nát, hay nói một cách giản dị, cái đẹp dù có hủy diệt thì cũng là một cái hủy diệt tuyệt vời. Một vẻ đẹp tàn nhẫn khước từ của tình yêu. Giờ đây, cái đẹp đã nhuốm màu tang tóc. Nữ hoàng mặc đồ đen, che mặt, nàng dừng lại trước chiếc đàn piano nạm vàng phủ khăn ren đen, nó tưởng niệm cho sự ra đi của một cái đẹp khác, cái chết của thiên tài R.Wagner.
Cuộc vi hành của cái đẹp giữa những cái đẹp phải dừng lại. Vị vua bây giờ đã thôi trẻ và ngài chẳng còn muốn gặp người xưa. Vì ngài sợ, vì ngài yêu, vì cái Diễm xưa ấy không bị màu thời gian tỏa bóng, và vì ngài biết rằng không bao giờ ngài chạm vào nó được. Khi sức cùng lực kiệt không cho phép ngài chiêm ngưỡng cái đẹp nữa, mà cái đẹp thì lúc nào cũng như mới được sinh ra, ngài chỉ còn biết dùng cái chết để tận hiến cho cái đẹp. Cả Ludwig hay Gustav von Aschenbach đều là những gã suốt đời đi tìm cái đẹp, song cuối cùng họ đã phải dừng bước trước nó. Bởi lẽ, cái họ tìm được chỉ là một dự phóng, mà dự phóng về cái đẹp vốn là dự phóng bất tận, nó biến đổi kỳ ảo, không một quy chiếu của chủ thể nào định hình và định tính nổi. Bất kỳ sự quy chiếu cụ thể nào của cái đẹp rồi cũng sẽ là một quy chiếu làm chính chủ thể bất lực, như chính cuộc đời của Visconti vậy.
Nhất Tiếu
>> Vĩnh biệt ngôi sao Alida Valli
>> Huyền thoại điện ảnh Shirley Temple qua đời
>> Điện ảnh châu Á chiến thắng tại Berlin
>> Điện ảnh Hoa ngữ 2013: Đạo diễn Châu Tinh Trì ăn khách nhất
Bình luận (0)