Sự thận trọng chiến lược trên bán đảo Triều Tiên
14/12/2018 07:42 GMT+7
Trong lúc thông tin về chuyến thăm Seoul của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un vẫn chưa rõ ràng, giới chức Hàn - Mỹ đang hết sức thận trọng nhằm tránh châm ngòi căng thẳng lần nữa.
Tự động phát
2018 là năm đánh dấu bước ngoặt chưa từng có trong lịch sử bán đảo Triều Tiên cũng như quan hệ hai miền và Washington - Bình Nhưỡng. Trước những chuyển biến nhanh chóng ấy, giới chức Hàn Quốc và Mỹ đang làm việc cật lực để duy trì đà phát triển với hy vọng có thể đạt đến mục tiêu cuối cùng là giải giới hạt nhân và mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
“Phép màu” năm 2018
Trong vòng 5 tháng, lãnh đạo hai miền Triều Tiên lần lượt gặp nhau 3 lần, với kết quả cụ thể là Tuyên bố Bàn Môn Điếm, Tuyên bố chung Bình Nhưỡng và Thỏa thuận quân sự liên Triều. Tổng thống Moon Jae-in đã sẵn sàng đón tiếp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại thủ đô Seoul, sự kiện lịch sử sẽ đánh dấu lần đầu tiên người đứng đầu chính quyền Bình Nhưỡng đặt chân đến miền Nam. Bất chấp nhiều đồn đoán cũng như nghi ngờ rộ lên mới đây về triển vọng cuộc gặp, người dân Hàn Quốc cảm thấy có thể thở phào nhẹ nhõm, nhất là sau khi họ trải qua năm 2017 với nỗi phập phồng lo sợ.
Sự lo sợ là rõ ràng khi phân nửa dân số miền Nam sống trong phạm vi 80 km tính từ Vùng phi quân sự liên Triều (DMZ), trong khi có đến 8.000 pháo và dàn phóng rốc két sẵn sàng chờ lệnh ông Kim Jong-un. Đó là chỉ mới tính đạn pháo thường, chưa đề cập đến vũ khí hạt nhân mà phương Tây cho là quân đội Triều Tiên hiện đang nắm trong tay. Sau một loạt vụ thử tên lửa, bao gồm tên lửa liên lục địa (ICBM), Bình Nhưỡng cũng tuyên bố đã thử nghiệm thành công bom hydrogen và chuyển sang giai đoạn lắp đặt lên ICBM. Theo ước tính sơ bộ của chuyên gia Daniel DePetris của Tổ chức Defense Priorities (Mỹ), với mật độ dân số đông đúc tại Seoul như hiện nay (hơn 10 triệu người), một quả tên lửa có sức công phá 250 kiloton rơi trúng tòa thị chính có thể đủ sức thổi bay hơn 717.000 mạng người, chưa kể việc dư lượng phóng xạ có thể lan rộng trong bán kính 6,5 km.
Giám đốc Viện Asan về nghiên cứu chính sách, tiến sĩ James Kim thì cho rằng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Ông dẫn báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu quốc hội Mỹ chỉ ra một đòn tấn công bằng vũ khí thường cũng đủ khả năng cướp đi từ 100.000 - 500.000 mạng người. Một ước tính khác trên trang 38North đưa ra con số 4 triệu người, nếu xảy ra vụ tấn công hạt nhân, chưa kể dư lượng phóng xạ, theo tiến sĩ Kim.
[VIDEO] Những khoảng khắc tại Vùng phi quân sự liên Triều
|
Bộ ba nắm giữ cục diện
Nỗi lo sợ đã giảm đi đáng kể, thay vào đó là không khí lạc quan hồ hởi nhờ những diễn biến tích cực và nhanh chóng trong quan hệ hai miền. Theo báo cáo của Viện Asan về nghiên cứu chính sách, 72,9% số người Hàn Quốc được hỏi cho rằng Triều Tiên là đối tác đàm phán đáng tin cậy. Tuy vậy, bầu không khí tại Bộ Thống nhất và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và thậm chí cả Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington D.C lại đang trong tình trạng hết sức nhạy cảm khi đề cập đến các nỗ lực ngoại giao hướng đến thống nhất hai miền Triều Tiên. Hy vọng dâng cao sau khi Seoul tuyên bố vào tháng 9 rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ thăm Seoul vào cuối năm. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay thông tin về chuyến thăm liên tục thay đổi, và nhiều khả năng sẽ bị đẩy sang năm 2019, dù một số nghị sĩ và quan chức Hàn Quốc vẫn mong “phép màu” như nửa đầu năm 2018 một lần nữa xảy ra.
Đây có thể xem là khoảng thời gian hết sức tế nhị đối với Hàn Quốc và Mỹ. Do vậy, hầu như mọi quan chức hai nước mà đoàn nhà báo châu Á - Thái Bình Dương được sắp xếp tiếp xúc đều kiên trì quan điểm “off-record”, tức là không muốn phóng viên sử dụng thông tin được cung cấp để viết bài, giúp họ có thể thoải mái chia sẻ một cách xác thực nhất. May mắn là trong cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang, ông đã thay đổi quan điểm sau khi tiếp đoàn nhà báo tại Seoul. Chủ tịch Moon bày tỏ hy vọng lãnh đạo Kim Jong-un sẽ đến thăm và phát biểu trước 300 nghị sĩ, như Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm hồi năm ngoái. Ông cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ nhận lời, “vì chưa từng có vị khách nào từ chối một cơ hội như thế”.
Chủ tịch Moon cũng thẳng thắn nhận xét về tình hình đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên, với nhận định hai miền “đang đứng trước cơ hội ngàn năm có một” để tiến tới hòa bình đang tìm kiếm nhiều năm. Từ đánh giá của ông Moon, có thể thấy phần nào mối quan hệ “tay ba” giữa các nhân vật đang cầm trịch cục diện hiện nay: Tổng thống Trump, người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Kim Jong-un. Thế nhưng, liệu bộ ba này có thể biến cơ hội ngàn năm có một trên thành hiện thực, để bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định và thống nhất hay không vẫn còn là một bài toán khó.
[VIDEO] Kế hoạch nối đường sắt Hàn - Triều bắt đầu chuyển động
|
Bình luận (0)