Sự thật nực cười đằng sau những bản hợp đồng bom tấn ở Premier League

06/09/2016 14:30 GMT+7

Vậy là, Manchester City (Man City) và Pep Guardiola chấp nhận trả khoản tiền 12 triệu bảng lương/năm cho Yaya Toure, ít nhất cho đến khi thị trường chuyển nhượng (TTCN) mùa Đông mở cửa trở lại.

Chi thì chi

Khi Man City đệ trình bản đăng ký thi đấu Champions League, thế giới bóng đá chính thức biết một câu chuyện bi hài kịch: Họ chấp nhận trả nguyên vẹn lương cho một cầu thủ dư thừa hoặc không nằm trong kế hoạch của HLV hoặc đơn giản là, Pep không thích, chỉ để chơi 1 hoặc 2 trận FA Cup hoặc League Cup và có thể ra sân tại Premier League, trong tình thế bất đắc dĩ nhất. 

Nên nhớ, người đó là Yaya Toure, bộ não hàng tiền vệ Man City những năm qua, linh hồn của Man Xanh trong 6 năm vùng vẫy thoát khỏi cái bóng người láng giềng khổng lồ và đặt CLB vào vị thế được thừa nhận tại Premier League. 

Dù anh ta là ai, quyết định của Man City vẫn nực cười. Và, nó phản ánh tình trạng dư thừa, thực tế đang tồn tại ở Premier League. 

Chủ tịch Crystal Palace, Steve Parish, mới đây khẳng định các CLB ngoại hạng Anh, ngoại trừ những đội mới hoặc gần đây vừa lên hạng, sẽ sớm phải chi ít nhất 100 triệu bảng cho việc trả lương, và "một cầu thủ chuyên nghiệp đủ giỏi" sẽ kiếm từ 25- 30 ngàn bảng/tuần ngay khi "tập sự". 

Điều đó không xảy ra ở Man City, Chelsea, M.U và nhiều nơi khác. Bởi, nó phải gấp 3 con số đó. 

Sau khi đã ngốn của Man City 24 triệu bảng để mang anh về từ Barcelona, mỗi một lần xuất hiện trên sân, bất kể tác dụng của sự hiện diện đó như thế nào, Toure tiếp tục khiến CLB phải móc hầu bao thêm 178 ngàn bảng/trận. Con số đó của Samir Nasri, 24 triệu bảng, là 350 ngàn bảng/trận, cho đến năm 2019. Tất cả vẫn còn quá rẻ, so với Wilfred Bony, 28 triệu bảng, với mức lương 100 ngàn bảng/tuần, số tiền chi theo trận xuất hiện của cựu tiền đạo Swansea là 1,8 triệu bảng/trận, cho đến... 2019.  

Schweinsteiger lãnh lương cao nhưng dành phần lớn thời gian để đi xem vợ thi đấu quần vợt AFP

Cũng nên công bằng, M.U chẳng đẹp mặt gì hơn, với Bastian Schweinsteiger, mức lương 190 ngàn bảng/tuần, và cơ hội đẩy anh đi là cực mong manh, nếu không nói là vô vọng, nếu Schweinnie quyết giữ mức lương đó. 

Chelsea hiện có tới 38 cầu thủ cho mượn, và một trong số đó là Loic Remy, mỗi lần ra sân của tiền đạo người Pháp khiến CLB phải trả 1 triệu bảng, tới 2018. Cao hơn một chút là trường hợp của Lazar Markovic, với 1,1 triệu bảng/trận. Và dù bất kỳ chuyện gì xảy ra ở Lisbon, Liverpool vẫn phải chi 50 ngàn bảng/tuần cho anh chàng này tới 2019. 

Vẫn còn vô số những ví dụ, đi kèm những con số nực cười, về những ngôi sao không đáp ứng được kỳ vọng. Và chi phí theo số trận xuất hiện sẽ chỉ giảm xuống, nếu các đội bóng nhanh chóng tìm được bến đỗ mới cho những kẻ dư thừa, dù trình độ thi đấu của họ đã được thừa nhận.  

Thế nên, sự giàu có của các CLB ngoại hạng Anh không chỉ thể hiện ở việc ai có thể mua... mà còn là ai có thể chấp nhận dư thừa. 

Bán linh hồn

Gói bản quyền truyền hình mới khiến cho các đội bóng Premier League thêm mạnh về tài chính AFP

Gói bản quyền truyền hình trị giá 5,1 tỷ bảng, tăng 71% so với gói bản quyền trước, khiến bất kỳ đội bóng nào cũng đỏ mắt vì lợi ích kếch xù từ đó chảy vào tài khoản CLB, cũng như áp lực thành tích hay trụ hạng qua mỗi mùa. 

Thế nhưng, Paul Scholes, cựu tiền vệ M.U, chẳng ngần ngại dội gáo nước lạnh vào mặt mọi người. 

"Tôi chẳng thấy bóng đá ngoại hạng thú vị để xem nữa, đặc biệt là tại Anh", Scholes nói. "Ở Premier League trong 2 năm gần đây, tôi có thấy trận đấu nào thực sự hấp dẫn không? Thật khó để kể tên một trận đấu như vậy. Các bạn nghe nói bóng đá Anh là giải đấu xuất sắc nhất. Tôi nghĩ, đến nay, giải Tây Ban Nha mới là số 1. Người Đức đang có những đội bóng mạnh hơn. Tại Ý, sức mạnh chiều sâu của các CLB có thể không tốt, người ta nói nó tẻ nhạt. Sai lầm. Juventus có thể đánh bại bất kỳ đội bóng nào ở Ngoại hạng. Vấn đề chỉ là, họ luôn cố phòng ngự ngay từ đầu trận. Những cầu thủ giỏi nhất bây giờ đều chơi bóng tại Tây Ban Nha hoặc ở Bayern Munich và Juventus. Chúng ta cố lôi kéo vài người, nhưng đều thất bại". 

Khi nói như vậy, Scholes đã đề cập thực tế ở Premier League: thành tích trước tiên, niềm vui tiếp nối!

HLV Mourinho mang Ibrahimovic về chỉ để phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn AFP

Những khoảnh khắc hân hoan của CĐV tại M.U cho thấy họ không phải là những quan tòa chính xác nhất trong việc phán quyết điều gì là đúng (và sai) cho CLB, mà chỉ quan tâm tới việc đội bóng thắng trận mỗi dịp cuối tuần, bất kể các cầu thủ chơi bóng như thế nào. 

Nhưng, có một điều họ đã quên, Mourinho đã đẩy cả mớ sản phẩm của học viện trẻ, nhường chỗ cho những bản hợp đồng mang tính ngắn và trung hạn, ưu tiên phục vụ việc giành thành tích, thay vì giữ gìn truyền thống: Đào tạo và phát triển cầu thủ trẻ - điều mà Louis Van Gaal đang làm rất tốt.  

Fan M.U và ban lãnh đạo đội bóng cuối cùng đã tìm được điểm chung ở Mourinho - tin rằng ông ta có thể đưa M.U trở lại vị thế độc chiếm và là "ông kẹ" của Premier League một lần nữa. 

Thêm một ví dụ, trong những ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa hè, Arsene Wenger đã chi 52 triệu bảng cho Lucas Perez và Shkodran Mustafi, thay vì đặt niềm tin vào những Kelechi Nwakali, Alex Iwobi hay Calum Chambers, Rob Holding. 

HLV Wenger cũng đã phải thay đổi chính sách chuyển nhượng vì áp lực thành tích AFP

Xu hướng mang về những cầu thủ chạy nhiều, trình độ đã được chứng thực và mạnh mẽ trên sân đang chiếm ưu thế ở Emirates, và cho thấy dấu hiệu thay đổi định hướng chính sách chuyển nhượng của Arsenal. Wenger, cuối cùng, cũng cảm nhận rõ ràng áp lực thành tích. 

Thời gian sẽ trả lời liệu Mourinho có phải là "Đấng cứu thế" hay chỉ là ảo tưởng? Wenger thay đổi có giúp Arsenal chấm dứt hơn 1 thập niên vô vọng với chức vô địch Anh? Điều chắc chắn, Old Trafford và Emirates đang chuyển đổi trạng thái từ ngáp ngủ sái quai hàm tới nhức đùi vì liên tục bật dậy khỏi ghế vui mừng. Họ khát chiến thắng!

Những CĐV phản đối không thường xuyên chính xác, đặc biệt những người nhanh chóng đưa ra lời nhận xét về HLV của mình. Bởi, họ không phải là những quan tòa chính xác nhất trong việc phán quyết điều gì là đúng (và sai) cho CLB, mà chỉ quan tâm tới việc đội bóng thắng trận mỗi dịp cuối tuần, bất kể các cầu thủ chơi bóng như thế nào. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.