Sự thật về kẻ “tâm thần” lừa đảo hàng loạt

13/05/2012 03:26 GMT+7

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa ra kết luận cuối cùng về bị can Lê Đăng Lưu với hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” . Đây là vụ án tốn nhiều công sức của các cơ quan tố tụng với nhiều tình tiết kỳ lạ.

Sự thật về kẻ “tâm thần” lừa đảo hàng loạt
Minh họa: DAD

Theo hồ sơ vụ án, Lê Đăng Lưu, 48 tuổi, có hộ khẩu thường trú tại P.Thạch Linh, TP.Hà Tĩnh, nguyên là Giám đốc Công ty cổ phần hợp tác đầu tư quốc tế (trụ sở tại Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội). Năm 2011, Lưu cùng hai bị can khác là Đinh Hùng Quảng (55 tuổi) và Đinh Hồng Giang (27 tuổi, cùng ngụ tại TP.Ninh Bình), bị TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bị cáo “tâm thần”

 

Mạo danh con trai nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Đáng chú ý, sau khi được chứng nhận có bệnh tâm thần, bị can Lưu đã liên tục vắng mặt tại địa phương và tiếp tục có những hành vi phạm tội.

Tháng 3.2012, Công an Hà Tĩnh tiếp nhận hồ sơ vụ việc làm giả giấy xác nhận 13 tỉ USD tại một ngân hàng có chi nhánh ở TP. HCM. Qua xác minh cho thấy, Lê Đăng Lưu đã mạo danh ông Lê Đức Minh, con trai của ông Lê Đức Thúy - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để lừa đảo một doanh nghiệp tại TP.HCM số tiền 748 triệu đồng. Để thực hiện được vụ lừa đảo này, Lưu đã cho nạn nhân xem nhiều tài liệu photocopy có xác nhận số dư... 13 tỉ USD, nạn nhân muốn vay tiền thì phải chi trước để bồi dưỡng.

Vụ án này được Cơ quan CSĐT - Bộ Công an khởi tố vào đầu năm 2008, kết quả điều tra đã chứng minh dù công ty không có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhưng Lưu và đồng phạm đã dựng lên nhiều chiêu trò như có mối quan hệ với lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH, in nhiều loại giấy tờ quảng bá về khả năng đưa người đi XKLĐ tại Hàn Quốc... Bằng các hình thức này, cả 3 bị can đã chiếm đoạt tổng cộng 13 tỉ đồng của những người có nhu cầu đi XKLĐ. Trong đó, Quảng, Giang chiếm đoạt gần 7 tỉ đồng, Lưu chiếm đoạt hơn 5 tỉ đồng.

Điều bất ngờ là tại phiên tòa, Lưu xuất trình hồ sơ chứng nhận mình là người bị bệnh tâm thần. Theo đó, căn cứ vào đề nghị giám định tâm thần của TAND TP.Hà Nội, tháng 11.2011, Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương có kết luận: “Bị cáo Lê Đăng Lưu bị bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hiện tại giai đoạn hưng cảm có các triệu chứng loạn thần... Bị cáo bị bệnh từ khoảng năm 2004. Trước, trong khi phạm tội, bị cáo hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Hiện tại bị cáo mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”. Từ các kết luận này, hồ sơ về bị cáo Lưu được tách ra khỏi vụ án để xử lý riêng, khiến các bị hại vô cùng bức xúc.

Đến tháng 3.2012, Viện KSND tối cao đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm xem xét Lưu có bị tâm thần như kết luận của Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương hay không.

Nhận tiền để chứng nhận điên

Qua xác minh tại các cơ quan chức năng đã cấp và chứng nhận bệnh tâm thần cho Lưu, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã phát hiện nhiều “chuyện lạ”.

Cụ thể, những bản nhận xét và giấy chứng nhận tâm thần được sử dụng trong hồ sơ giám định tâm thần cho bị cáo ghi ngày 18.10.2011 đều do người thân của Lưu đi “nhờ” một số cơ quan y tế, chính quyền ở địa phương xác nhận theo sự hướng dẫn của luật sư bào chữa cho Lưu. Những tài liệu này không phải do TAND TP.Hà Nội và Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương thu thập trong quá trình giám định tâm thần đối với bị cáo.

Riêng “Giấy chứng nhận tâm thần” ghi ngày 18.10.2011 và bệnh án tâm thần tại cộng đồng ghi ngày 11.5.2011 của Trạm tâm thần Hà Tĩnh đối với bị cáo, lãnh đạo trạm tâm thần thừa nhận chưa bao giờ khám cho Lưu. Giấy chứng nhận và bệnh án trên được lãnh đạo trạm “lập khống” theo đề nghị của một cán bộ Trạm y tế phường Thạch Linh và nhận “bồi dưỡng” hơn 600.000 đồng.

Trên cơ sở điều tra xác minh, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an kết luận: “Từ tháng 4.2010, bị can Lê Đăng Lưu mới có hồ sơ bệnh án về bệnh tâm thần, thời gian trước đó không có. Vì vậy, có cơ sở khẳng định trong thời gian thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (năm 2007-2008), bị can Lưu không bị bệnh tâm thần nên bị can vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về những hành vi phạm tội...”.

Với kết luận này, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã chuyển hồ sơ đề nghị Viện KSND tối cáo truy tố bị can Lê Đăng Lưu về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Thái Sơn

>> Ngồi tù mà vẫn lừa đảo
>> Thuê trực thăng đi lừa đảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.