Qua các thời kỳ, căn bếp Việt dần thay đổi từ đắp đất, mái tranh đơn sơ giản dị tới hào nhoáng, hiện đại và tiện nghi. Hãy cùng chúng tôi so sánh sự khác biệt giữa căn bếp của người Việt xưa và nay nhé!
Gian bếp xưa mộc mạc, giản dị
Trở về gian bếp xưa của người dân Việt Nam với dáng vẻ mộc mạc, đơn sơ song vô cùng gần gũi, căn bếp thường chia làm hai gian, một bên để tủ chạn, các vật dụng đơn giản để sơ chế lương thực, và nong, nia, dần, sàng; gian còn lại để bếp lửa và chứa các chất đốt như rơm rạ, củi khô.
Xưa nay, hình ảnh người phụ nữ luôn gắn liền với gian bếp lửa. Bởi đặc tính khéo léo, cần mẫn vốn có, họ luôn đảm nhiệm vai trò bếp núc của mỗi gia đình. Do đó, khi xem xét, đánh giá cái nết của một người phụ nữ, ông bà ta có câu "Xem trong bếp, biết nết đàn bà". Các vật dụng của gian bếp xưa đơn sơ, ít ỏi nhưng được sắp xếp ngay ngắn, gọn gàng dưới bàn tay của người bà, người mẹ.
Hãy cùng nhớ lại chiếc chạn "thần thánh" - một vật dụng không thể thiếu của mỗi gian bếp ngày xưa. Chạn thường có nhiều ngăn, ngăn dưới để bát đũa, xoong nồi, ngăn trên là nơi cất giữ, bảo quản thức ăn cho cả gia đình. Hình ảnh những chiếc chạn bọc lưới cũ kỹ này gợi nhớ đến thời khi thức ăn chỉ được bảo quản một cách đơn giản, sơ sài.
Qua các thời kỳ, đi cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, gian bếp Việt dần đổi mới và được trang bị thêm nhiều tiện nghi. Đã không còn quan niệm bếp là nơi để những thứ lỉnh kỉnh, linh tinh mà thay vào đó bếp là không gian sáng tạo, tôn vinh khả năng của các bà nội trợ.
Sự “nâng cấp” của gian bếp kéo theo sự thay đổi vai trò của người phụ nữ. Nếu như ngày xưa, người phụ nữ có thể mất hàng giờ đồng hồ cặm cụi việc bếp núc thì ngày nay, với sự hỗ trợ của các thiết bị nhà bếp hiện đại, thời gian cho công việc nội trợ được rút ngắn hơn rất nhiều.
Bình luận (0)