Sự trỗi dậy của quyền lực Thổ Nhĩ Kỳ

17/12/2024 06:27 GMT+7

Không chỉ nâng cao ảnh hưởng mạnh mẽ ở khu vực Trung Đông sau diễn biến tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua không ngừng tăng cường quyền lực ở cả Trung Đông lẫn châu Âu.

Tối 15.12, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler cho biết nước này sẵn sàng hỗ trợ, bao gồm cả quân sự, cho chính quyền mới ở Syria. Thông báo được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Giám đốc Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đến thăm Syria, đồng thời nước này cũng vừa mở cửa lại Đại sứ quán ở Damascus.

Ảnh hưởng tăng cao

Nhiều năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã muốn lật đổ chính quyền của ông Bashar al-Assad ở Syria vốn nhận nhiều sự ủng hộ của Iran. Ankara đã ủng hộ một số lực lượng quân sự đối lập với ông al-Assad. Vì thế, sự thay đổi chính quyền ở Syria vừa qua được xem đã giúp nâng cao vị thế của Ankara ở khu vực, nhất là trước đối thủ Tehran.

Trong phân tích gửi đến Thanh Niên, Eurasia Group (Mỹ), công ty tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới, đã chỉ ra những lợi ích mà Thổ Nhĩ Kỳ có được sau khi lực lượng đối lập chiến thắng ở Syria. Chính quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thuộc nhánh Hồi giáo Sunni, trong khi Iran cùng nhiều thế lực khác ở Trung Đông - Bắc Phi thuộc nhánh Hồi giáo Shiite. Hàng trăm năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ luôn tiên phong trong cuộc cạnh tranh quyền lực với các chính quyền Hồi giáo Shiite ở khu vực. Với chiến thắng lần này ở Syria, ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng cao.

Sự trỗi dậy của quyền lực Thổ Nhĩ Kỳ- Ảnh 1.

Tổng thống Erdogan phát biểu trong buổi lễ biên chế tàu đổ bộ TCG Anadolu

ẢNH: REUTERS

Thêm vào đó, một trong các thách thức lớn của Ankara chính là việc cộng đồng người Kurd đấu tranh để thành lập nhà nước với phần đất liên quan Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Những năm qua, Ankara thường xuyên xung đột với các lực lượng quân sự của người Kurd, bao gồm cả các hoạt động quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành ở Syria. Vì thế, khi có thể gây ảnh hưởng lên chính quyền ở Syria thì Thổ Nhĩ Kỳ càng có thêm sức ép nhằm vào người Kurd.

Bên cạnh đó, từ khi nội chiến Syria nổ ra vào năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải tiếp nhận khoảng 4 triệu người tị nạn ở nước láng giềng. Khi chính quyền của ông al-Assad sụp đổ, Ankara có thể đưa người tị nạn trở lại Syria để giải quyết gánh nặng cho Thổ Nhĩ Kỳ. Thêm vào đó, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang khó khăn, nên thành công ở Syria có thể giúp chính quyền của Tổng thống Erdogan củng cố quyền lực đối nội.

Trỗi dậy

Vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cao kể từ khi Tổng thống Erdogan cùng đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền vào năm 2002. Sau một thời gian thúc đẩy kinh tế phát triển, Ankara dần mở rộng ảnh hưởng ở khu vực.

Nhà nghiên cứu Dimitar Bechev (Quỹ Carnegie châu Âu) đánh giá: "Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2002, Tổng thống Erdogan đưa Thổ Nhĩ Kỳ chuyển mình triệt để. Từng là một trụ cột của liên minh phương Tây ở khu vực, đất nước này đã bắt đầu một chính sách đối ngoại quân sự, can thiệp vào các điểm nóng khu vực từ Nagorno-Karabakh đến Libya".

Tương tự, một phân tích mới đây của tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ) cũng đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời ông Erdogan đã không ngừng đẩy mạnh quyền lực đối ngoại như sẵn sàng can thiệp quân sự ở Libya và Syria, khẳng định các yêu sách lãnh thổ ở Địa Trung Hải… Nỗ lực này được đánh giá là nhằm hướng đến vị thế của một cường quốc khu vực.

Ankara những năm qua đã không ngừng nâng cao thực lực quân sự. Trong khi Iran vẫn đang hoàn thiện tàu sân bay dùng cho máy bay không người lái (UAV) thì Thổ Nhĩ Kỳ từ năm ngoái, đã bắt đầu triển khai tàu đổ bộ tấn công TCG Anadolu (L-400). Chiến hạm này có khả năng tác chiến của tàu sân bay dành cho UAV. Ankara đã triển khai nhiều dòng UAV tầm xa cho TCG Anadolu, điển hình như loại Baykar Bayraktar TB3 có tầm hoạt động tối đa khoảng 1.900 km và có thể mang theo nhiều loại vũ khí như tên lửa, pháo dẫn đường bằng laser…

Thổ Nhĩ Kỳ còn nổi lên như một nhà cung cấp nhiều loại UAV chiến đấu - vốn đang ngày càng khẳng định vị thế trên chiến trường hiện đại - cho nhiều nước. Danh sách khách hàng mua vũ khí của Ankara ngày càng nhiều. Điển hình, Ukraine từ sớm đã mua nhiều UAV của Thổ Nhĩ Kỳ để đối phó với Nga trên chiến trường. Đầu năm nay, Kyiv đã hợp tác với Công ty Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ để sản xuất UAV vũ trang ngay tại Ukraine. Việc cung cấp vũ khí đã trở thành phương tiện quan trọng để Thổ Nhĩ Kỳ nâng cao quyền lực không chỉ ở khu vực.

Mặt khác những năm qua, dù là đồng minh của phương Tây và là thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ cũng trở thành đối tác ngày càng quan trọng của cả Nga lẫn Trung Quốc. Vì thế, Ankara không chỉ ngày càng gầy dựng quyền lực lớn hơn ở khu vực, mà còn trong nhiều cục diện chính trị thế giới.

Israel tăng gấp đôi quân ở cao nguyên Golan

Reuters đưa tin chính phủ Israel ngày 15.12 chấp thuận kế hoạch dự kiến tiêu tốn hơn 40 triệu shekel (11 triệu USD) để tăng gấp đôi dân số tại cao nguyên Golan sau khi quân nổi dậy lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

"Việc củng cố cao nguyên Golan chính là củng cố nhà nước Israel, và điều này đặc biệt quan trọng vào thời điểm này. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì, mở rộng và phát triển tại đây", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố. Hiện có khoảng 31.000 người Israel đang định cư ở cao nguyên Golan.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Netanyahu ngày 15.12 cho biết ông đã trao đổi với Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump về các vấn đề liên quan cam kết của Tel Aviv trong việc ngăn chặn Hezbollah trỗi dậy, cuộc xung đột Hamas - Israel và tầm quan trọng của việc giải cứu những con tin còn lại ở Dải Gaza. Theo nhà lãnh đạo Israel, 2 bên đã thảo luận về tình hình ở Syria sau khi ông al-Assad bị lật đổ. "Chúng tôi không quan tâm xung đột với Syria. Các hành động của Israel tại Syria nhằm mục đích ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng tại đó và ngăn chặn sự tiếp quản của các phần tử khủng bố gần biên giới", ông Netanyahu nói. Phía ông Trump chưa bình luận về thông tin vừa nêu.

Trí Đỗ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.