Đại Việt sử ký toàn thư có chép vào tháng 10 năm Kỷ Sửu (niên hiệu Thiên Cảm Thánh Vũ thứ 6 - 1049), Thái Tông hoàng đế cho dựng chùa Diên Hựu (tức chùa Một Cột ngày nay). Tương truyền rằng vua chiêm bao thấy Phật Quan m ngồi trên đài sen, dắt ngài lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua đem việc ấy nói với bầy tôi, có người cho là điềm không lành. Nhà sư Thiền Tuệ liền khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa đất, làm tòa sen Phật Quan m đặt trên cột như đã thấy trong mộng, cho các nhà sư đi lượn vòng quanh tụng kinh cầu vua sống lâu.
Tất cả bốn con sư tử, cả cái bàn thờ hoàn toàn mới dựng. Họ đều mới “bịa” ra. Đó không phải là nghệ thuật truyền thống Việt Nam - Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền |
Qua các thời đại khác nhau cho đến ngày nay, chùa không còn dấu tích của thời khởi dựng nhưng vẫn mang giá trị lịch sử, văn hóa của ngàn năm và giá trị kiến trúc độc đáo. Nhưng nay, khi tới thăm chùa, các nhà nghiên cứu thấy nhiều điều “chướng mắt”, nhiều hình ảnh của văn hóa ngoại lai bỗng ngang nhiên xuất hiện ở đây.
Trước cổng tam quan chùa Một Cột là đôi sư tử đá còn mới, trông rất bề thế. Nhà nghiên cứu di sản truyền thống Trần Lâm Biền (Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL) vừa nhìn thấy đã lắc đầu ngán ngẩm. Ông nói: “Đôi sư tử này mang phong cách nghệ thuật Trung Hoa, ảnh hưởng của người Minh Hương (người Hoa) vùng Nam Trung Bộ”.
Đi vào bên trong, ngay phía dưới cổng chùa Một Cột là một bàn thờ Phật, bên cạnh là đôi sư tử bằng đá cũng mang phong cách Trung Hoa và hai chiếc cột được nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền nhận xét “không bao giờ có trong di tích Việt Nam mà chỉ thấy ở trong công viên, là thứ văn hóa xa lạ của Nhật, Trung Hoa bị áp đặt vào đây”. Theo ông, không bao giờ bên cạnh bàn thờ Phật để hai con sư tử như thế này.
Cổng chùa Vân Hồ cũng có sư tử đá Vào tháng 10 vừa qua, chùa Vân Hồ (số 40 Lê Đại Hành, Hà Nội) đã hoàn thành việc tu bổ. Ngay lập tức, nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng về việc cổng chùa mang dấu ấn của văn hóa Trung Hoa. Nhà nghiên cứu Lê Cường nói: “Từ hai con ly, sư tử bằng đá cho đến chiếc cổng chùa đều theo phong cách Trung Hoa. Cổng chùa Việt Nam không bao giờ có những cái núm như vậy, nắm tay cầm cửa cũng không bao giờ có hình hổ như thế”. Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền còn cho rằng “việc tu bổ ở đây còn có vấn đề nữa là tam quan để lệch khỏi trục trung tâm”. |
Theo nguyên tắc tả dương hữu âm, thì tượng sư tử cái phải đặt ở phía bên phải, và tượng sư tử đực ở phía bên trái theo hướng của tượng Phật. Nhà nghiên cứu Lê Cường (nguyên Trưởng ban Nghiên cứu di tích cổ - trường ĐH Mỹ thuật VN) không thể lý giải nổi đôi sư tử đặt dưới cổng chân chùa Một Cột lại bị đặt hoàn toàn ngược với nguyên tắc cơ bản này.
Không thể chấp nhận
Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền không khỏi ngạc nhiên khi thấy những thứ phi văn hóa Việt đang “xâm nhập” vào di tích. Ông vô cùng bức xúc: “Trong một di tích nhạy cảm của 1.000 năm Thăng Long như chùa Một Cột, dù không còn dấu tích của thời Lý nhưng là biểu hiện của niềm tự hào dân tộc, nay đưa những thứ không đúng với nghệ thuật truyền thống Việt vào là không thể chấp nhận được. Đây là biểu hiện của một sự thiếu hiểu biết”.
Di tích chùa Một Cột mỗi ngày đón hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước. Những hình ảnh văn hóa ngoại lai này nếu vẫn cứ xuất hiện ở đây, mặc nhiên tồn tại, gắn liền với di tích này thì còn đâu giá trị văn hóa, lịch sử của di tích nữa.
Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền cho biết: “Đây là những thứ người ta công đức, nhà chùa tự đưa vào, mà không hỏi ý kiến, thông qua ngành văn hóa”. Với một di tích có giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng như vậy, thiết nghĩ các nhà quản lý cần sớm có biện pháp chấm dứt tình trạng tùy tiện đưa những điều trái với nghệ thuật truyền thống Việt vào di tích, để du khách trong nước và bạn bè quốc tế có những nhận biết đúng đắn về di tích Việt, chứ không phải lai căng của nền văn hóa khác.
Minh Ngọc
Bình luận