Bàn về chuyện tử tế thông qua bóng đá, thấy được sức lan tỏa ghê gớm của bóng đá, mới thấy những hành động đẹp, tử tế từ môn thể thao vua được nhân rộng phát đi khắp năm châu bốn bể nhanh đến mức nào, hiệu quả đến mức nào.
|
Khi tiền vệ Alessandro Florenzi ghi bàn thắng nâng tỉ số lên 2-0 trong trận đấu với đội bóng xứ đảo Cagliari, anh không ra ăn mừng với những đồng đội và vị huấn luyện viên đang dang rộng vòng tay chúc mừng. Anh bắt đầu chạy khỏi sân, lên khán đài, tới khu Monte Maria, đưa mắt nhớn nhác kiếm tìm, rồi nở nụ cười thật tươi tiến tới phía một cụ bà tóc bạc phơ đang dang tay chào đón và ôm anh, đó là Aurora, bà ngoại anh.
Người ta nói sau trận đấu, bà Aurora đã khóc rất nhiều, những giọt nước mắt sung sướng của niềm hạnh phúc khi là một trong những người bà hạnh phúc nhất trên thế gian này.
Trả lời báo chí Ý, tiền vệ của đội Roma đã nói: "Bà tôi chưa bao giờ tới sân xem trực tiếp một trận đấu nào của tôi, phần vì gánh nặng tuổi tác (bà Aurora năm nay đã 82 tuổi). Nhưng khi xem pha bỏ lỡ đáng tiếc của tôi trong trận đấu với Na Uy trong khuôn khổ vòng loại Euro 2016, bà đã nói: Đừng lo, trận sau bà sẽ tới sân và cháu sẽ khi bàn, nhưng hãy tới chào ta". Florenzi đã hoàn thành lời hứa bằng một bàn thắng và cái ôm nồng thắm tình yêu thương người bà trước sự chứng kiến của bốn vạn người có mặt trên sân vận động Olimpico tối chủ nhật ấy.
Hành động tử tế đó của Florenzia, cái hành động đẹp như "một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ" (Nguyễn Tuân), tôi chợt nhận ra đã tự bao giờ chúng ta nói những lời, thể hiện những hành động yêu thương với những người thân thương nhất chưa? Đã bao giờ ta từng nói "Con yêu mẹ", "Con yêu cha" hay "con yêu ông bà"? Hay phải chăng khi chúng ta được nhận quá nhiều tình thương của cha mẹ, người thân, chúng ta có xu hướng ít cho đi, vị kỉ hơn?
Tôi không tin là vậy. Vì có ai mà không yêu cha mẹ, không yêu gia đình chứ, và thấy hành động đẹp vô cùng ấy của Florenzi khi ấy, tôi đã khao khát muốn được chạy tới ôm chặt bố mẹ, ông bà, ôm chặt những người thân thất mà nói "Con yêu mọi người nhiều lắm", yêu thực sự, tiếng yêu từ tận đáy lòng muốn thốt lên.
Cố đạo diễn lừng danh người Ý Pier Paolo Pasolini từng nói: "Bóng đá là điều quý giá cuối cùng của thời đại chúng ta". Bóng đá không chỉ đem lại những bàn thắng mãn nhãn mà nó còn đem lại những hành động tử tế, đẹp vô cùng tựa những vần thơ trong cái xã hội kim tiền này của Florenzia ấy.
Một câu chuyện đẹp tử tế về bóng đá nữa cũng đã vừa diễn ra. Đó là Gohan, cổ động viên 13 tuổi bị ung thư của câu lạc bộ Tây Ba Nha Villareal, chàng trai vừa hoàn thành giấc mơ của đời mình khi được ra sân trong trận đấu giao hữu với Celtic ở sân nhà El Madrigal và ghi bàn. Một bàn thắng để đời, bàn thắng của nghị lực, khát khao sống tới mãnh liệt, cũng sẽ là động lực để cậu và những bệnh nhân mắc căn bệnh hiểm nghèo thêm niềm tin vào cuộc đời này.
Bàn về chuyện tử tế thông qua bóng đá, thấy được sức lan tỏa ghê gớm của bóng đá, mới thấy những hành động đẹp, tử tế từ môn thể thao vua được nhân rộng phát đi khắp năm châu bốn bể nhanh đến mức nào, hiệu quả đến mức nào. Những việc làm tử tế, tốt đẹp đó giúp ta “Người” hơn, biết quan tâm, chia sẻ, yêu thương, vị tha, tử tế với nhau. Dostoevski đã từng nói:"Cái đẹp cứu rỗi thế giới", và bóng đá nằm ở một phạm trù đặc biệt của cái đẹp. Dùng bóng đá làm thế giới này tốt đẹp hơn, con người tử tế hơn, tại sao lại không nhỉ?
Đăng Thành*
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân Hà Nội
>> Sự tử tế nằm ở đâu?
>> Phim truyền hình tìm lại sự tử tế
>> Ba sẽ dạy con sự tử tế
Bình luận (0)