Sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM): Xây cầu cạn hay bơm vữa ?

09/04/2006 23:17 GMT+7

Ngày 8.4, Sở Giao thông - Công chính (GTCC) TP.HCM đã chủ trì hội nghị trưng cầu ý kiến của các nhà khoa học trong lĩnh vực xây dựng về giải pháp sửa chữa, khắc phục các hư hỏng của công trình đường Nguyễn Hữu Cảnh. Sau đây là một số ý kiến đáng lưu ý.

* GS-TS Nguyễn Văn Đạt (Phó chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM): “Cách đây 3 năm, tôi có phát biểu rằng dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh sai lầm từ lúc xuất phát. Con đường nằm trên vùng đất yếu, lẽ ra phải xây dựng cầu cạn suốt chiều dài từ đường Lê Thánh Tôn cho tới cầu Sài Gòn. Nếu không đủ điều kiện về tài chính thì chỉ nên làm đường cho xe 2 bánh và taxi chạy thôi. Tôi đề nghị cho lập dự án sửa chữa trên toàn tuyến, nếu được Bộ GTVT đồng ý thì nên cho làm cầu vượt chạy suốt chiều dài 3,7 km trên tuyến đường này”.


Mặt đường phía hầm chui M2 vừa bị khoan cắt để bơm vữa. Ảnh chụp lúc 16 giờ ngày 9.4.2006                    ảnh: Đình Mười

* PGS-TS Đặng Hữu Diệp (Giám đốc liên hiệp địa chất công trình - xây dựng và môi trường): “Sau khi xảy ra sự cố lỗ thủng đường dẫn cạnh hầm chui cầu Văn Thánh 2, tôi có đến quan sát và nhận thấy hư hỏng ở đây chưa đến mức phải phá đi làm lại. Có thể sửa chữa bằng công nghệ phụt vữa cao áp, tạo nên vật liệu xi măng đất bên dưới nền đất yếu. Giải pháp này đáp ứng được hai yêu cầu là không gây cản trở việc lưu thông qua lại của xe cộ và giá thành không cao”.

* TS Đặng Thanh Phương (Đại học Bách khoa TP.HCM): “Xây dựng cầu cạn bên trên đoạn đường dẫn giữa hầm chui và cầu Văn Thánh 2 là giải pháp căn cơ nhất, vì khi đó sẽ không còn nền đất đắp bên trên nữa, tức là sẽ không còn lún đường”.

* TS Lê Nguyễn Minh Quang (đại biểu HĐND TP.HCM): “Nền đất yếu ở khu vực TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long không quá phức tạp, bằng chứng là chúng ta đã xây dựng rất nhiều cây cầu mà không xảy ra vấn đề gì. Sự cố ở công trình đường Nguyễn Hữu Cảnh là do chúng ta đã bỏ qua một quy trình kỹ thuật mà lẽ ra phải được tuân thủ, đó là thời gian gia tải 8 tháng. Nhiều công trình đã chạy tiến độ để kịp khánh thành vào các ngày 30.4, 1.5, 2.9... để rồi sau 3-4 năm sử dụng, những công trình đó xảy ra sự cố. Khi xảy ra sự cố, chúng ta lại loay hoay tìm những giải pháp sửa chữa rẻ tiền, tiết kiệm. Cho đến giờ này, những giải pháp rẻ tiền đó lại làm khổ chúng ta, thay vì chọn giải pháp căn cơ”. 

* Thạc sĩ Phạm Hữu Sơn (Phó tổng giám đốc Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT): “Quan điểm của tôi là giữ lại hầm chui và đề xuất giải pháp kết cấu cứng, tức là làm cầu vượt qua đoạn giữa hầm chui với cầu Văn Thánh 2”.

Hai ngày nữa sẽ kết thúc bơm vữa

Tính đến chiều 9.4, việc khắc phục tạm tình trạng sụt lún tại hầm chui cầu Văn Thánh 2 do Công ty xây dựng công trình giao thông 60 (Công ty 60) tiến hành đã sắp kết thúc. Đoạn đường dẫn phía hầm chui M1 đã bơm vữa và tái lập xong trong buổi sáng. Buổi chiều, Công ty 60 bắt đầu chuyển sang khoan cắt mặt đường dẫn phía hầm chui M2, hướng từ Q.1 ra cầu Sài Gòn để bơm khoảng 3 - 4 khối vữa nữa nhằm lấp kín các hàm ếch bên dưới (do lần bơm trước chưa thể lấp hết). Sau khi bơm vữa xong, Công ty 60 sẽ tiếp tục dầm đá cấp phối kích thước 1x2 cm, rồi mới tái lập mặt đường. Theo một cán bộ Công ty 60 cho biết, việc bơm vữa chống lún tạm thời cho hầm chui cầu Văn Thánh 2 sẽ hoàn tất trong hai ngày tới.

Đình Mười

Mai Vọng (lược ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.