Sữa không phải nước lã

18/01/2015 05:16 GMT+7

Vậy mà đem đổ bỏ. Ngay những quốc gia giàu có, dư thừa vật chất, ngay cả trong những cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng như hồi năm 30 của thế kỷ trước, người ta cũng chả đem sữa đi đổ bao giờ.

Vậy mà đem đổ bỏ. Ngay những quốc gia giàu có, dư thừa vật chất, ngay cả trong những cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng như hồi năm 30 của thế kỷ trước, người ta cũng chả đem sữa đi đổ bao giờ.

Vậy nên thật buồn khi đọc những thông tin về sữa trên báo chí nước ta mấy ngày qua.
Người nông dân trồng trọt, thu hoạch hạt lúa củ khoai, nuôi con bò con lợn thu về lít sữa cân thịt, dù ít dù nhiều vẫn mong có thị trường tiêu thụ. Đồng tiền kiếm được bằng lao động vất vả một sương hai nắng cực khổ trăm bề, họ quý lắm, chứ ai lại nỡ đổ bỏ thành quả bao giờ. Thế mà từ cuối tháng 12.2014 đến nay, người nuôi bò từ bắc chí nam đang khốn đốn bởi sữa. Cụ thể, bà con nông dân xã Phù Đổng, H.Gia Lâm, một xã ngay sát nội thành Hà Nội khủng hoảng thừa sữa, doanh nghiệp chả chịu thu mua, đành đem sữa bò tươi đổ ra ruộng. Cùng thời điểm, hàng chục hộ nuôi bò sữa ở H.Đức Hòa (Long An), vài chục hộ sống bằng nghề nuôi bò sữa ở H.Đơn Dương (Lâm Đồng) chỉ biết kêu trời, phản ứng đơn vị từ chối thu mua bằng cách đổ tràn lan sữa tươi đầy đường đi lối lại. Thoạt nhìn thoạt nghe, chắc chả ai đồng tình với sự lãng phí ấy. Sữa chứ có phải nước lã đâu, mà nước cũng không nên lãng phí, huống hồ sữa. “Sữa để em thơ, lụa tặng già”, người dân VN nào đã nhiều nhặn gì khoản dinh dưỡng hạng khá cao cấp này. Nhưng chúng ta thừa hiểu, bà con cực chẳng đã mà đổ bỏ sữa, lỗi không hoàn toàn ở họ.
Cho đến thời điểm này, VN vẫn thuộc hàng những quốc gia tiêu thụ sữa ít nhất thế giới tính theo đầu người. Những vùng xa xôi hẻo lánh, núi cao, sữa lại càng ít, càng quý hiếm. Thể trạng người VN chậm phát triển, một phần do thiếu nguồn dinh dưỡng quan trọng là sữa. Trong khi đó, sản phẩm sữa, nhất là sữa ngoại nhập, giá bán lẻ cao ngất, gấp đôi gấp ba giá sữa ở nhiều nước (gấp ba lần so với Ấn Độ, gấp đôi Malaysia, gấp rưỡi Thái Lan...). Sữa vẫn nằm ngoài tầm tay của số đông dân chúng, “ngoài vùng phủ sóng” đối với người nghèo.
Nghịch lý ở chỗ, theo một thống kê của Bộ Công thương, mỗi năm nước ta phải bỏ ra cả tỉ USD để nhập sữa nguyên liệu (chủ yếu là sữa bột) đem về chế lại thành sữa hoàn nguyên, mà số lượng ấy cũng chỉ đáp ứng khoảng 2/3 nhu cầu sản xuất. Chi ngoại tệ mạnh nhập sữa các nơi về, còn sữa có được từ chăn nuôi tại chỗ thì bị rẻ rúng, đổ bỏ, thử hỏi còn nghịch lý nào hơn thế nữa. Không phải chỉ nông dân chịu thiệt mà cả doanh nghiệp lẫn nền kinh tế quốc gia đều bị thiệt theo. Điều đó hầu như ai cũng thấy nhưng cứ tái diễn năm này qua năm khác, không có giải pháp căn cơ để chấm dứt.
Một nước nền kinh tế còn dựa nhiều vào nông nghiệp, chính sách tam nông được xem là quan trọng hàng đầu thì hãy chú trọng, quan tâm chu đáo đến sức sản xuất của nông dân. Phải có những định hướng khoa học, thiết thực cho trồng trọt, chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm theo nhu cầu cuộc sống và đặc điểm vùng miền. Đừng để nông dân tự bơi, tự xoay xở dẫn đến những bi hài kịch dở khóc dở cười, kiểu trồng mía thì đốt mía, thu hoạch dưa hấu và thanh long cho trâu bò xơi, nuôi bò thì đổ sữa ra đường ra ruộng, trồng tiêu, điều, cao su rồi chặt bỏ... Nhà nước, doanh nghiệp, các nhà khoa học không xúm vào giúp nông dân, tìm lối ra cho họ thì không biết đến bao giờ mới khá lên được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.