Sửa luật để quản lý OTT như Zalo, Viber, Telegram

Mai Hà
Mai Hà
02/06/2023 14:52 GMT+7

Theo Bộ TT-TT, các dịch vụ OTT viễn thông (như Zalo, Viber, Telegram) đang sử dụng ngày càng phổ biến, trong khi pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý, không bảo đảm quyền lợi người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin.

Báo cáo Quốc hội sáng 2.6, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, luật Viễn thông 2009 có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật về viễn thông, đặc biệt là trước xu thế toàn cầu hóa.

Sửa luật để quản lý OTT như Zalo, Viber, Telegram - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng

GIA HÂN

Theo ông Hùng, trước đây, việc cung cấp dịch vụ viễn thông phải có hạ tầng mạng và quản lý hạ tầng mạng là quản lý luôn được dịch vụ viễn thông.

Song, ngày nay trên internet cũng có thể triển khai dịch vụ viễn thông xuyên biên giới, đặt ra bài toán quản lý phải bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các dịch vụ cùng vấn đề an toàn, an ninh. 

Vì vậy, dự thảo quy định chi tiết về quản lý việc cung cấp và hình thức cấp phép với dịch vụ viễn thông, trong đó có trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây để đảm bảo tính linh hoạt, đảm bảo cơ chế khuyến khích dịch vụ mới phát triển.

Hiện các quy định pháp luật của Việt Nam chưa quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây. Vì vậy, chưa phù hợp với xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, theo đó trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây cùng với hạ tầng viễn thông tạo thành hạ tầng số thống nhất, quan trọng của nền kinh tế số, cung cấp các dịch vụ lưu trữ, xử lý và truyền đưa thông tin. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Việc phát triển hạ tầng số sẽ ngày một tốn kém"

Trên thế giới, một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... cũng quy định dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây là dịch vụ viễn thông và quản lý theo pháp luật về viễn thông. 

Báo cáo thẩm tra, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng OTT về bản chất là dùng internet để cung cấp phần mềm ứng dụng, như Zalo, Viber, Telegram. Theo kinh nghiệm quốc tế, về cơ bản, OTT được chia thành 2 loại chính, gồm OTT viễn thông và OTT cung cấp nội dung thông tin.

Sửa luật để quản lý OTT như Zalo, Viber, Telegram - Ảnh 2.

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

GIA HÂN

OTT có chức năng hội thoại, họp trực tuyến, chat, tin nhắn không thu phí. Đặc điểm này dẫn đến việc sử dụng dịch vụ OTT phát triển rất nhanh, ảnh hưởng lớn đến doanh thu tin nhắn và thoại truyền thống của doanh nghiệp viễn thông nhiều quốc gia, trong đó có thị trường Việt Nam. Quản lý OTT viễn thông sẽ là chính sách quan trọng, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp, đến công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đa số ý kiến của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí rằng việc pháp luật chưa có quy định quản lý về vấn đề này sẽ dẫn đến quyền lợi của người dùng chưa được bảo đảm về bảo mật dịch vụ, tính minh bạch, thông tin, khả năng truy cập. Do đó, OTT viễn thông cần được quản lý theo cách thức phù hợp.

Trước đó, giải trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa tháng 4, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây 90% dung lượng mạng lưới do nhà mạng đầu tư là để cung cấp các dịch vụ viễn thông và nhà mạng thu tiền từ các dịch vụ viễn thông này để trang trải đầu tư. 

Nhưng hiện nay, 90% dung lượng mạng lưới của nhà mạng là để phục vụ các dịch vụ của các công ty OTT, tức là các công ty cung cấp dịch vụ chạy trên mạng viễn thông.

"Các công ty OTT này thu được rất nhiều tiền nhưng nhà mạng đảm bảo hạ tầng mạng thì lại không thu được bao nhiêu. Vậy làm cách nào để phát triển hạ tầng mạng khi các OTT ngày một giàu lên, còn các nhà mạng đang nghèo đi", ông Hùng nói và cho rằng những thay đổi nói trên đòi hỏi phải có thể chế mới, nhất là các quy định cho phép sự linh hoạt của Chính phủ, bộ ngành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.