Sửa luật để xóa bỏ tư duy ‘không buôn gì lãi bằng buôn đất’

Mai Hà
Mai Hà
23/06/2023 16:06 GMT+7

Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam), cử tri mong muốn sửa luật Kinh doanh bất động sản để xóa tư duy không buôn gì lãi bằng buôn đất, cũng như để các thế hệ sau không vô vọng với ước mơ có một ngôi nhà để ở.

Thảo luận về luật Kinh doanh bất động sản chiều 23.6, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng, chính sách điều tiết với thị trường bất động sản tại dự thảo luật còn mỏng, chưa đúng tầm. Ông đề nghị cần luật hóa mạnh hơn, đầy đủ hơn chính sách điều tiết thị trường của Nhà nước.

Sửa luật để xóa bỏ tư duy ‘không buôn gì lãi bằng buôn đất’ - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam)

GIA HÂN

Bởi, thị trường bất động sản luôn rình rập các cơn “sốt nóng” hay “đóng băng”, tiềm ẩn những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế, nếu không được ngăn chặn và có giải pháp kịp thời sẽ khủng hoảng tiền tệ hay tài chính, cao hơn là khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều người dân khốn đốn.

Cũng theo đại biểu đoàn Hà Nam, cử tri yêu cầu sửa đổi luật Kinh doanh bất động sản phải xóa bỏ tư duy “không buôn gì lãi bằng buôn đất”, cũng như để người nghèo không nghèo thêm vì bất động sản. Đặc biệt, việc sửa luật còn để các thế hệ sau của chúng ta không trở nên vô vọng với ước mơ có được một ngôi nhà để ở.

Cụ thể, ông đề xuất cơ quan soạn thảo tập trung rà kỹ dự luật, cụ thể hóa các chính sách điều tiết thị trường được quy định trong dự luật, nhằm đảm bảo tính ổn định lâu dài của chính sách. Đồng thời, tạo được động lực phát triển thông qua chính sách thông thoáng, thuận lợi để thị trường phát triển lành mạnh, nhanh và bền vững.

Ngoài ra, điều tiết, cơ cấu lại thị trường bất động sản hợp lý, nhà ở cao cấp quá nhiều tạo đột phá trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Bảo đảm quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, ứng phó kịp thời, chủ động với căn bệnh mãn tính của thị trường bất động sản, hết nóng lại lạnh.

Ông cũng nêu ví dụ Singapore đã dùng công cụ đánh thuế lũy tiến để điều tiết thị trường bất động sản. Cụ thể, nước này đã đánh thuế lũy tiến bất động sản, mua căn nhà thứ 2 phải trả thuế 7% giá trị bất động sản, 10% cho căn thứ 3… Càng mua nhiều bất động sản mức được vay ngân hàng càng thấp. Vay mua căn nhà thứ nhất được vay 80%, căn thứ 2 còn 60%, căn thứ 3 là 40%. Ngân hàng nào tìm cách lách luật để thực hiện sai sẽ bị chính phủ phạt rất nặng hoặc rút giấy phép hoạt động.

“Sau khi Chính phủ Singapore áp dụng các chính sách trên được vài năm, giá bất động sản toàn Singapore được kiểm soát, không ngừng giảm ở tất cả các phân khúc. Hầu hết người dân đã có thể sở hữu mái nhà của riêng mình”, ông Khải nêu.

ĐBQH Trần Văn Khải: Sửa luật để xóa bỏ tư duy “không buôn gì lãi bằng buôn đất”

Tranh luận giữ 5% giá trị hợp đồng nhà

Góp ý cho việc thanh toán mua, bán nhà ở hình thành trong tương lai, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nêu dự thảo luật quy định bên bán không được thu quá 95% hợp đồng nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. 

Song, theo ông, điều này rất bất cập, vì theo luật Đất đai, người mua phải nộp 100% tiền thì văn phòng đăng ký đất đai mới tiếp nhận hồ sơ cấp sổ đỏ.

Sửa luật để xóa bỏ tư duy ‘không buôn gì lãi bằng buôn đất’ - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

GIA HÂN

Nên theo đại biểu này, ở đây là câu chuyện “con gà, quả trứng”, vì thực tế nhiều khách hàng mua nhà cũng chây ì việc nộp 5% cuối cùng, do chưa có nhu cầu sử dụng giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Để đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các bên tham gia, ông Thành đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định này, thành bên bán chỉ được thu 95% giá trị hợp đồng của người mua và 5% cuối người mua nộp vào tài khoản phong toả của ngân hàng chỉ định. 

Chủ đầu tư chỉ được nhận 5% này khi xuất trình được giấy chứng nhận đủ hồ sơ làm sổ đỏ cho người mua. Ông Thành cũng đề nghị rà soát, xem xét sửa đổi quy định đồng bộ giữa luật này với luật Đất đai.

Tranh luận với đại biểu Nguyễn Lâm Thành về thanh toán trong mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, người mua đã nộp đến 95% giá trị nhà thì rất ít người chây ì đóng 5% để được cấp sổ đỏ.  

Theo bà, thực tế việc chậm trễ thường do chủ đầu tư, vì lý do chưa hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, hoàn thiện hồ sơ pháp lý… Nếu yêu cầu người mua nhà nộp sớm 5% thì người mua gặp khó khăn, thiệt thòi. 

Bà Vân đề nghị quy định theo hướng bên mua chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đất, tài sản sở hữu khác gắn liền với đất thì bên bán, bên thuê mua không được thu quá 90%. Người mua giữ lại 5% để đến khi làm hồ sơ thủ tục cấp giấy chứng nhận thì người mua mới phải nộp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.