Xe

Sửa luật Du lịch để hút và kéo khách quay trở lại

20/09/2016 06:17 GMT+7

Sáng 19.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) họp góp ý dự luật Du lịch (sửa đổi).

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong sửa luật lần này là khẳng định vai trò ngành kinh tế tổng hợp của du lịch, mang tính xã hội cao, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa...
Dự thảo luật cũng bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm để ngăn ngừa, răn đe và có cơ sở xử lý các hành vi vi phạm đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch. Trong đó có các hành vi như lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người ra nước ngoài hoặc vào VN bất hợp pháp, phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất chính từ khách du lịch…
Góp ý cho dự luật, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng tài nguyên thiên nhiên của VN không thua kém bất cứ quốc gia nào trong khu vực nhưng lượng khách đến ít, đến một lần rồi không trở lại. “Luật Du lịch ra đời phải thúc đẩy du lịch phát triển tốt hơn, nâng cao chất lượng, theo hướng hiện đại, thu hút khách đến nhiều và khách quay trở lại”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch QH, phải suy nghĩ và làm rõ những yếu kém, từ đó tạo khuôn khổ pháp lý thúc đẩy phát triển. “Hạ tầng du lịch, dịch vụ phục vụ du lịch VN còn kém lắm. Đi nơi này nơi khác chính chúng ta thấy chưa hài lòng, nhất là nơi cộng đồng đông khách trong nước và nước ngoài tập trung đến thì chưa đảm bảo yêu cầu phát triển”, Chủ tịch QH nói.
Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh QH Nguyễn Mai Bộ cho rằng giải thích về khái niệm “du lịch” trong dự luật là chưa hợp lý. Cụ thể, dự luật xác định “du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục, nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tham dự hội nghị, hội thảo hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”. “Nếu tôi là luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh thì với cách giải thích này của dự thảo luật, tôi sẽ khẳng định Trịnh Xuân Thanh đi du lịch. Vì cách giải thích từ ngữ tại dự luật không thể hiện được bản chất của du lịch là rời khỏi nơi cư trú một cách hợp pháp”, ông Bộ nói.
Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết so với luật Du lịch 2005, dự thảo không đề cập đến nội dung thanh tra chuyên ngành du lịch. Tuy nhiên, ngành du lịch hiện đang phải đối mặt với sự gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất, mức độ phức tạp của các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch… Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định về thanh tra du lịch theo hướng gắn kết hoạt động thanh tra với hoạt động nghiệp vụ của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, đồng thời không làm tăng biên chế bộ máy.
Đề nghị thống nhất cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH thảo luận dự án luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho rằng việc quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay còn phân tán. Hiện tại, theo phân công của Chính phủ, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo; Bộ VH-TT-DL quản lý lễ hội tín ngưỡng và chưa có cơ quan nào quản lý nhà nước về tín ngưỡng. Bà Nga đề nghị quy định ngay trong luật cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở T.Ư để bảo đảm sự thống nhất và thuận lợi trong quản lý về lĩnh vực này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.