Sửa nghị định quản lý vàng như thế nào?

03/12/2024 06:17 GMT+7

Quốc hội yêu cầu chậm nhất tháng 6.2025 sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Vậy sửa đổi thế nào để giải quyết được các bất cập trên thị trường vàng hiện nay?

Bỏ độc quyền vàng miếng SJC

Gần 1 năm trước, việc sửa đổi Nghị định 24/2012 (NĐ24) cũng đã được đặt ra, thế nhưng cho đến hiện nay vẫn chưa nhúc nhích gì. Còn thị trường vàng đã thu hẹp hệ thống phân phối qua 4 ngân hàng (NH) thương mại nhà nước và công ty SJC, gây nhiều bất cập trong giao dịch, mua bán vàng miếng SJC. Vì thế, việc sửa đổi NĐ24 lại dấy lên kỳ vọng những nút thắt trên thị trường này sẽ được tháo cởi.

Sửa nghị định quản lý vàng như thế nào?- Ảnh 1.
Sửa nghị định quản lý vàng như thế nào?- Ảnh 2.

Giá vàng miếng SJC hiện cao hơn thế giới khoảng 4 - 5 triệu đồng/lượng

ẢNH: NGỌC THẮNG

Nhìn lại thời gian qua, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng diễn biến của thị trường vàng trong gần nửa năm qua khá lạ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thành công với mục tiêu kéo giảm chênh lệch giá vàng giữa trong nước và thế giới, chống hoạt động đầu cơ buôn lậu. Nhưng điều chưa ổn là không đáp ứng được nhu cầu giao dịch của người dân. Tình trạng người dân khó mua khó bán vàng, xuất hiện thị trường "chợ đen"… nếu càng kéo dài càng bất ổn. Trong khi đó, nhu cầu về vàng để tiết kiệm, làm tài sản tích lũy của người dân từ trước đến nay vẫn luôn có. Đây là nhu cầu chính đáng của người dân bao đời nay.

Vì vậy theo ông Nguyễn Trí Hiếu, cấp thiết phải xem xét, có giải pháp quản lý phù hợp hơn. Trong đó, nhanh chóng sửa đổi NĐ24 theo hướng bỏ độc quyền sản xuất của nhà nước, bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Đồng thời có sự cạnh tranh, nhiều thương hiệu vàng miếng cũng sẽ đảm bảo chênh lệch giá vàng trong nước không bị đẩy lên quá cao, quá bất hợp lý như vừa qua.

Tương tự, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần xem xét mục tiêu đề ra đối với thị trường vàng là gì trong thời gian tới thì lúc đó mới có những sửa đổi NĐ24 cho phù hợp. Trong trường hợp vẫn giữ quan điểm nhập vàng làm mất ngoại tệ, ảnh hưởng tỷ giá và kiểm soát chống vàng hóa nền kinh tế thì với những quy định hiện nay của NĐ24, chỉ cần áp dụng thực tiễn chứ không cần sửa. Còn nếu xem vàng là thị trường hàng hóa thì lúc này cần sửa các quy định để thị trường hoạt động tốt hơn. NĐ24 xem vàng miếng SJC là vàng dự trữ quốc gia nên quy định độc quyền. Khi sửa đổi NĐ 24, nên xem vàng miếng là hàng hóa và cho phép xuất hiện các thương hiệu vàng khác.

Với mục tiêu "nghiên cứu có chính sách hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng, chuyển nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh", ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng câu chuyện huy động vàng trong dân, chuyển thành vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh được đề cập rất nhiều từ những năm trước đây. Để có thể thực hiện được việc này, phải tạo sự tin tưởng cho người dân và NHNN thực hiện phát hành chứng chỉ vàng, từ việc đưa vàng vật chất ra thị trường sẽ được chuyển qua là vàng giấy, lúc này nguồn vốn sẽ được đưa vào phục vụ sản xuất kinh doanh.

Bản thân việc nhập khẩu vàng cũng như tích lũy tài sản, và nhiều nước cũng gia tăng dự trữ vàng bên cạnh ngoại hối hay các giấy tờ có giá khác. Vàng cũng luôn có tính thanh khoản cao, dễ dàng chuyển thành ngoại tệ bất kỳ lúc nào nên đừng quá lo lắng đến việc ảnh hưởng đến ngoại tệ trong nước.

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển

Cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng

Hiện nay, để kiểm soát thị trường vàng, NHNN bán vàng thông qua 4 NH thương mại nhà nước và công ty SJC. Theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, hiện nay giao dịch trên thị trường vàng không bình thường khi người dân mua bán vàng rất khó khăn. Do vậy, cần phải đánh giá lại chính sách quản lý thị trường và sửa đổi để phù hợp hơn. Nhìn khách quan thì vàng là một loại tài sản đầu tư như nhiều tài sản khác. Vì vậy thị trường sẽ đôi lúc có hiện tượng đầu cơ cũng là bình thường khi có biến động về giá. Hoạt động đó nếu có chỉ diễn ra trong một số thời điểm, ngắn hạn. Thậm chí nhìn ở các góc độ khác thì đầu cơ là cần thiết cho các thị trường đầu tư tài chính. 

Nếu đánh giá như vậy thì không cần quá tập trung vào việc quản lý chống đầu cơ. Khi chính sách tập trung siết chặt thì càng khiến người dân có tâm lý càng xem trọng và đổ dồn quan tâm vào nó. Vàng là một loại tài sản đầu tư tích lũy có điều kiện. Trước đây Chính phủ vẫn quản lý theo hướng cho phép nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý được phép nhập khẩu vàng cũng như thị trường có nhiều thương hiệu vàng miếng khác nhau. Việc quản lý bằng hạn ngạch nhập khẩu (quota) hằng năm là hợp lý khi Chính phủ cân đối theo tình hình kinh tế - xã hội, thương mại hay tỷ giá hối đoái hằng năm để phù hợp cung - cầu trên thị trường nói chung. Bên cạnh đó, nếu vẫn không khuyến khích đầu tư, nắm giữ vàng thì có thể nghiên cứu tăng thêm thuế. Người dân cũng có thể chấp nhận mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới, nhưng phải để họ được giao dịch thuận lợi.

Do vậy, TS Đinh Thế Hiển đề xuất sửa đổi NĐ24 theo hướng cho phép các doanh nghiệp lớn (kể cả một số NH thương mại nhà nước) nhập khẩu vàng hằng năm theo quy định về số lượng (hạn ngạch). Các doanh nghiệp sẽ có nhiều thương hiệu vàng riêng như trước năm 2012 và từ đó có sự cạnh tranh, đảm bảo thanh khoản nhưng mức chênh lệch giá với thế giới cũng sẽ không quá cao như vừa qua.

"Bản thân việc nhập khẩu vàng cũng như tích lũy tài sản, và nhiều nước cũng gia tăng dự trữ vàng bên cạnh ngoại hối hay các giấy tờ có giá khác. Vàng cũng luôn có tính thanh khoản cao, dễ dàng chuyển thành ngoại tệ bất kỳ lúc nào nên đừng quá lo lắng đến việc ảnh hưởng đến ngoại tệ trong nước. Hơn nữa, việc chỉ để "độc quyền" vàng miếng SJC lại làm cho chính công ty này kinh doanh thụt lùi so với trước", ông Đinh Thế Hiển cho hay.

BIẾN ĐỘNG VÀNG ngày 3.12: Giá vàng nhẫn thấp hơn vàng miếng SJC 1 triệu đồng/lượng

Ông Đinh Trọng Thịnh nói thẳng, NHNN can thiệp bán vàng như hiện nay là điều không cần thiết. Do đó nếu sửa lại NĐ 24 thì cần dừng sử dụng biện pháp can thiệp này để thị trường vận hành. Thay vì vậy, NHNN có thể tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn nguyên liệu sản xuất kinh doanh trang sức mỹ nghệ. NĐ24 hiện có quy định cho phép doanh nghiệp xuất nhập khẩu vàng. Thế nhưng thực tế thời gian qua, doanh nghiệp không được phép nhập vàng nguyên liệu để sản xuất dẫn đến tình trạng buôn lậu. Làm đúng NĐ24 sẽ giải quyết được bài toán nguyên liệu cho các doanh nghiệp vàng.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nên cấp phép cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng để lưu thông ra thị trường. NHNN cần giao việc nhập khẩu vàng cho các nhà kinh doanh vàng uy tín, và rút lui về vai trò quản lý chứ không phải làm nhà nhập khẩu vàng. Thông qua hạn mức nhập khẩu giao cho từng đơn vị thì NHNN vẫn sẽ kiểm soát được lượng ngoại tệ bỏ ra để mua vàng. Từ đó làm gia tăng nguồn cung và hoạt động mua bán vàng để các công ty được cấp phép kinh doanh bình thường như trước đây.

"VN cần có chính sách quản lý thị trường vàng khác đi. Khi sửa đổi NĐ24 thì NHNN có thể sử dụng thêm các công cụ điều tiết như thuế, kiểm soát thông tin, việc cấp quota, hạn ngạch cho phép xuất khẩu bao nhiêu… Từ bỏ dần phụ thuộc phương thức quản lý hành chính, đưa thị trường vàng hoạt động bình thường như trước đây", TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Hơn 13,2 tấn vàng đưa ra thị trường chưa đầy 7 tháng

Theo NHNN, từ năm 2014 đến năm 2023, nhà điều hành không tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường. Từ 19.4 - 23.5.2024, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu với tổng khối lượng trúng thầu là 48.500 lượng vàng (tương đương khoảng 1,82 tấn). Dù vậy, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới. Từ ngày 3.6 đến 29.10, NHNN đã tổ chức 44 phiên bán vàng miếng SJC trực tiếp qua 4 NH thương mại nhà nước và công ty SJC, cung ứng ra thị trường 305.600 lượng vàng SJC, tương đương khoảng 11,46 tấn vàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.