Cơ sở điều chỉnh thuế mơ hồ
Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) đề xuất xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế ngày 13.9 do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) chi nhánh TP.HCM tổ chức, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng đối tượng bị ảnh hưởng nhiều là các DN vừa và nhỏ. Đơn cử quy định chuyển quyền sử dụng đất từ không chịu thuế như hiện nay sang chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) với mức 10% sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các DN bất động sản, người dân.
Theo ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế Deloitte VN, lý do Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi nội dung này là do khó khăn trong việc xác định giá đất được trừ khi chuyển nhượng bất động sản, nhưng việc xác định đối tượng chịu thuế hay không chịu thuế nên căn cứ trên bản chất của hàng hóa dịch vụ và đạo lý của thuế GTGT hơn là vì những khó khăn thủ tục. Hơn nữa DN, cá nhân đã phải trả khoản tiền sử dụng đất cho ngân sách, nếu tiếp tục tính thuế GTGT có thể xảy ra tình trạng đánh thuế 2 lần.
Đối với quy định chi phí trả lãi vốn vay tương ứng với khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu đối với lĩnh vực sản xuất và vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu đối với lĩnh vực còn lại, ông Phan Vũ Hoàng khẳng định quy định này sẽ tác động rất lớn đến các DN bởi chi phí không được công nhận sẽ đội lên rất cao. Các DN sử dụng vốn vay thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng tỷ suất lợi nhuận, việc hạn chế tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu có thể cản trở sự phát triển của nền kinh tế, giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng. Trao đổi bên ngoài hội nghị, chị Huyền, kế toán trưởng một công ty, bức xúc, quy định chi phí hợp lý hợp lệ là những chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất của DN, vậy thì lãi vay cũng là một trong những chi phí. Hơn nữa, để ngân hàng cho vay đòi hỏi DN phải có tài sản thế chấp, phương án sản xuất, dòng tiền..., cả hai bên đều phải chịu trách nhiệm liên quan đến khoản vay, tại sao Bộ Tài chính lại hạn chế chi phí lãi vay?
Thu thuế kiểu “giết lầm hơn bỏ sót”
Đối với dự kiến tính thuế 1% trên mức giá chuyển nhượng vốn của DN nước ngoài, Th.S Trần Minh Hiệp, giảng viên tổ tài chính, thuế, ngân hàng - Khoa Luật thương mại Trường đại học Luật TP.HCM, cho rằng lý giải trong tờ trình về việc áp dụng thuế suất 1% trong chuyển nhượng vốn còn mơ hồ. Lấy lý do tình trạng lách thuế nhiều, gian lận khai giá chuyển nhượng bằng giá mua để siết lại là không hợp lý. Bởi vì lỗi thuộc về nhà quản lý nhưng lại đẩy cái khó cho người nộp thuế. Càng không thể thấy một người gian lận mà bắt những người khác phải chịu hết.
Th.S Trần Minh Hiệp nhận xét 3 năm qua, việc sửa đổi các luật thuế đều đi theo xu hướng cào bằng. Chẳng hạn chuyển nhượng bất động sản có 2 phương án cách đóng thuế thì nay chỉ 1 phương án đóng thuế 2%; chuyển nhượng chứng khoán trước 2 phương án nay 1 phương án 0,1%; hộ kinh doanh được tính lũy tiến từng bậc rồi sau này tính trên doanh thu... “Chúng ta đang áp dụng “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”. Nếu tư duy này tiếp tục lạm dụng, tôi cho rằng sẽ đi ngược lại mục tiêu cải cách thuế”, Th.S Trần Minh Hiệp nói.
Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành Hội đồng kinh doanh US - ASEAN, cho rằng việc điều chỉnh chính sách hiện nay mỗi bộ ngành thực hiện nhiệm vụ của mình, tập trung vào lĩnh vực của mình mà ít chú trọng nhìn vào bức tranh tổng thể dẫn đến tình trạng “thầy bói xem voi”, ưu tiên ngành mình mà làm hại đến ngành khác và ảnh hưởng kết quả mục tiêu chung. Chính phủ hiện đang tập trung thúc đẩy tăng trưởng, khâu đột phá là cải thiện môi trường kinh doanh. Khi điều chỉnh chính sách thuế phải xác định đối tượng một cách nhất quán.
|
Bình luận (0)