Sức cầu giảm, xuất khẩu gặp khó từ Brexit

26/06/2016 06:00 GMT+7

Sức cầu giảm, euro mất giá... từ sự kiện trưng cầu ý dân ở Anh chọn nước này ra khỏi EU sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu VN trong dài hạn.

Ông Đặng Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty mỹ nghệ Kim Bôi, cho rằng việc Anh ra đi trước mắt không ảnh hưởng gì lớn đến các mặt hàng xuất khẩu của VN vào Liên minh châu Âu (EU) nói chung và Anh nói riêng. Tuy nhiên, việc tách ra này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến kinh tế EU, hoặc Anh. Kinh tế suy giảm kéo theo sức mua giảm sút và khi đó sẽ ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu của VN vào những thị trường này. Trường hợp cầu yếu, có thể dẫn tới những cách thức bảo hộ, bằng cách áp các hàng rào thuế quan hay đặt ra những tiêu chuẩn kỹ thuật khó khăn hơn.
Thông quan vào EU sẽ khó hơn
Chi tiết hơn, ông Nguyễn Công Thành, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Linh Chi - doanh nghiệp (DN) có văn phòng đại diện và đại lý đặt tại một số nước ở Âu châu, phân tích xuất khẩu dệt may, nông thủy sản và hàng thô là thế mạnh của VN tại Anh. Hiện tại đa số hàng dệt may nhập từ châu Á vào EU đều thông qua cửa khẩu của Anh. Từ Anh, hàng hóa đưa vào các nước châu Âu. Khi Anh là thành viên của EU, việc chở hàng hóa từ Anh vào các nước không có biên giới sẽ không gặp trở ngại gì. Nhưng nay sẽ khác, biên giới hải quan mới sẽ được thiết lập, việc thông quan khó thể nói trước là vẫn thuận lợi như xưa.
Cơ cấu các mặt hàng xuất sang Anh cũng sẽ không thay đổi lớn, nhưng khi một nền kinh tế thoái trào, cạnh tranh về giá để bán được hàng là điều thường xảy ra
TS Nguyễn Trí Hiếu
Đặc biệt theo ông Thành, hiện nhiều mặt hàng nông sản được tiêu thụ tại Anh như thủy hải sản, cà phê, hạt điều, trà... có nguồn gốc hàng thô của VN, được chế biến đóng gói dán mác nước ngoài. Nếu kinh tế Anh sụt giảm làm người dân nghèo đi, hàng giá rẻ sẽ dần chiếm ưu thế hơn hàng thương hiệu. Khi ấy Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế hơn VN nhiều. Như vậy, muốn tồn tại ở thị trường Anh, nông thủy sản cần đẩy mạnh dòng sản phẩm phổ thông, phục vụ thị trường đại trà hơn là hàng cao cấp bán số lượng ít giá cao.
Trực tiếp xuất khẩu sang EU, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần sản xuất thương mại may Sài Gòn (Garmex Sài Gòn), cho biết xuất khẩu đi EU, trong đó có Anh, của Garmex Sài Gòn chiếm khoảng 30 - 40% tổng doanh thu xuất khẩu. Trước mắt, việc thị trường chứng khoán giảm điểm sẽ ảnh hưởng lên Garmex Sài Gòn bởi công ty đang trong lộ trình dự kiến phát hành cổ phiếu tăng vốn nhằm mở rộng hoạt động. Bên cạnh đó, việc bảng Anh mất giá có thể kéo theo đồng euro mất giá. Nguy cơ 1 euro bằng giá với 1 USD là rất có thể xảy ra. Từ đấy dẫn tới hậu quả là hàng hóa VN xuất khẩu kém cạnh tranh do giá bán tăng lên, vì hầu hết DN VN xuất khẩu vào EU thanh toán bằng tiền USD. Ngoài ra, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Garmex Sài Gòn, nhưng EU lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ. Theo ông Hùng, việc Anh tách ra khỏi EU có thể tác động đến xuất khẩu của Mỹ vào EU, khiến sức mua của Mỹ bị giảm sút. Nếu sức mua thị trường Mỹ giảm, các DN xuất khẩu của VN vào Mỹ sẽ bị ảnh hưởng lớn.
“Hiện chúng tôi chưa có thông tin gì về việc điều chỉnh đơn hàng hay giá cả gì từ các đối tác EU. Tuy nhiên, tác động sẽ có thể đến vào năm sau. Tôi kỳ vọng vào năm 2018 với việc chính thức tham gia vào TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), những bất lợi từ thị trường EU sẽ được dung hòa bởi TPP”, ông Hùng dự báo.
Cạnh tranh với Trung Quốc khốc liệt hơn
Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN với 14,6 tỉ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2015; tiếp đến là EU với 13,3 tỉ USD, tăng 11%. Ở chiều ngược lại, VN nhập khẩu của EU 3,8 tỉ USD, giảm 3,7%; Mỹ 3,2 tỉ USD, tăng 4,4%. Riêng Anh, VN xuất khẩu khoảng 2 tỉ USD, đứng sau Đức, Hà Lan, cao hơn Pháp... Chỉ trong 5 tháng, VN xuất siêu vào Anh tới 1,7 tỉ USD.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, dù trước mắt quan hệ thương mại giữa VN và Anh không chịu ảnh hưởng nhiều nhưng về lâu dài là có, bởi trong EU, VN có giao thương lớn với Đức, Pháp, Anh. Ngoài ra, việc Anh tách ra khỏi EU cũng sẽ khiến VN không tận dụng được hết các hiệp định thương mại tự do giữa VN - EU, vì VN mất cơ hội với Anh. Trong tương lai, cũng khó biết được chính phủ mới của Anh có muốn duy trì các điều kiện đã ký kết trong các hiệp định giữa VN với EU hay không… Còn chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, Anh ra khỏi EU không tác động gì nhiều tới kinh tế VN do xuất khẩu hàng hóa của VN vào Anh chiếm kim ngạch lớn chủ yếu là hàng gia công như dệt may, da giày, điện thoại... có giá trị gia tăng cho nền kinh tế thấp.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cũng cho rằng quan hệ mậu dịch giữa Anh và VN thực tế không lớn bằng EU và Mỹ. Tuy nhiên, do thị trường Anh gắn bó mật thiết với hai thị trường này, nên hàng hóa xuất khẩu của VN sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp trong tương lai. “Trước mắt, có thể Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp nhiều hơn. Lý do bảng Anh và EU sẽ sụt giảm, Trung Quốc muốn bán hàng vào thị trường này không thể không phá giá nhân dân tệ (CNY). Thực tế đã xảy ra, ngày 24.6, khi thông tin Anh sẽ rời khỏi EU, lúc đó 1 USD đổi 6,58 CNY, sang ngày hôm sau 25.6, tỷ giá 6,62 CNY/USD. Rõ ràng CNY đang ở thế tiến thoái lưỡng nan, dự báo CNY sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm giá nữa để Trung Quốc tiếp tục bán hàng vào Anh và EU. Như vậy, chúng ta đang ở thế kẹt nếu CNY giảm sâu. Lúc đó, hàng Trung Quốc nhập vào VN sẽ tăng nhanh hơn, trong khi hàng chúng ta bán ra chậm hơn do giá đắt. Như vậy, dự báo nhập siêu từ Trung Quốc vào VN sẽ tiếp tục tăng”.
Tuy nhiên, TS Hiếu cũng cho rằng, việc Anh rời khỏi EU phải mất 2 năm mới thực sự diễn ra, nên từ đây đến lúc Anh chính thức rút khỏi EU, DN xuất khẩu trong nước phải “tương kế tựu kế”. “Cơ cấu các mặt hàng xuất sang Anh cũng sẽ không thay đổi lớn, nhưng khi một nền kinh tế thoái trào, cạnh tranh về giá để bán được hàng là điều thường xảy ra. Mặt khác, không chỉ Anh, Liên minh châu Âu cũng đang chứng kiến một số rạn nứt chứng tỏ sự bất ổn định, như vậy, sức mạnh liên minh này nếu có, sẽ không còn như trước. Đây cũng là điều đáng lo ngại nếu các cường quốc nhân cơ hội này gia tăng ảnh hưởng kinh tế chính trị trên toàn cầu”, TS Hiếu nói thêm.
Vàng tăng nhẹ, bảng Anh tiếp tục giảm
Giá vàng ngày 25.6 tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng so với ngày 24.6, giá mua - giá bán vàng miếng SJC lên 34,65 - 35,15 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới cũng tăng nhẹ 3 USD/ounce, lên 1.319 USD/ounce. Trong tuần qua, giá vàng thế giới tăng 21 USD/ounce, giá vàng miếng trong nước tăng 480.000 đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC cao hơn giá thế giới 400.000 đồng/lượng. Giá mua thấp hơn giá bán duy trì ở mức 500.000 đồng/lượng khi thị trường vắng bóng các nhà đầu tư vàng. Theo kết quả khảo sát của Kitco, các chuyên gia nhận định giá vàng sẽ tăng trong tuần tới.
Các ngân hàng thương mại trong nước ngày 25.6 tiếp tục điều chỉnh giảm giá đồng bảng Anh (GBP) 380 đồng/GBP so với ngày 24.6. Giá mua - giá bán GBP tại Eximbank còn 30.344 - 30.755 đồng/GBP; ACB còn 30.014 - 31.206 đồng/GBP...
T.Xuân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.