Lĩnh vực tài chính - ngân hàng của Việt Nam chưa bao giờ hết "hot" trong mắt nhà đầu tư ngoại khi 1 thập kỷ trở lại đây thị trường ghi nhận nhiều thương vụ rót vốn mua cổ phần giữa các định chế tài chính quốc tế và các ngân hàng nội có dư địa phát triển cao.
Thương vụ phát hành riêng lẻ 15% cổ phần của VPBank cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - đơn vị thành viên thuộc Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) của Nhật Bản đã mang tới một tín hiệu mừng cho thị trường M&A tài chính - ngân hàng tại Việt Nam.
Với định giá 1,5 tỉ USD cho 15% cổ phần tại VPBank, SMBC tổng cộng đã đầu tư khoảng 2,9 tỉ USD vào hệ sinh thái VPBank. Tập đoàn này trước đó đã rót 1,4 tỉ USD vào FE Credit - công ty tài chính tiêu dùng thuộc VPBank cho 49% cổ phần. Đáng chú ý, định giá của SMBC đối với mỗi cổ phiếu VPBank tại thời điểm ký kết cao hơn giá thị trường khoảng 40%, cho thấy định chế tài chính Nhật Bản này định giá VPBank ở mức hơn 9 tỉ USD.
Theo nhận định của CTCK KB Việt Nam (KBSB), trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, khoản đầu tư của SMBC vào VPBank với giá cao hơn giá thị trường là một dấu hiệu tích cực cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng của VPBank nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong trung - dài hạn.
Chủ tịch kiêm CEO của SMFG, ông Jun Ohta, trong buổi lễ ký kết với VPBank cho biết ông cùng đoàn công tác trong chuyến viếng thăm trụ sở của VPBank hồi tháng 9 năm ngoái đã tận mắt chứng kiến các hoạt động thường nhật tại VPBank, chứng kiến sự phát triển vững chắc của VPBank trong mảng bán lẻ và SME tại thị trường nội địa. Đầu tư vào VPBank, theo đó, là lựa chọn lý tưởng cho SMBC trong chiến lược phát triển tại thị trường Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.
"Mặc dù thế giới hiện nay đang có nhiều bất ổn, song chúng tôi tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam cũng như tin rằng VPBank sẽ trở thành ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam trong tương lai, SMBC cam kết sẽ hỗ trợ toàn diện để VPBank hoàn thành mục tiêu này", vị chủ tịch của SMFG nhấn mạnh.
Trên thực tế, 2 thương vụ tỉ USD giữa VPBank và SMBC đã góp phần nối dài chuỗi thương vụ M&A có quy mô và giá trị được ghi nhận tại Việt Nam trong thập kỷ qua - đặc biệt sau giai đoạn ngành tài chính - ngân hàng nội trải qua giai đoạn thanh lọc và lành mạnh hóa thông qua các cuộc sáp nhập giữa các ngân hàng nhỏ lẻ và yếu kém, từ đó nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả hoạt động của hệ thống.
Trước cuộc khủng hoảng dịch bệnh kéo dài 3 năm vừa qua, các thương vụ M&A quy mô lớn có thể kể tới thương vụ trị giá 882 triệu USD mua 15% cổ phần tại BIDV của KEB Hana Bank (Hàn Quốc) trong năm 2019, hay trước đó là Techcombank bán công ty tài chính Techcombank Finance cho Lotte Card (Hàn Quốc) với giá hơn 75 triệu USD, MB chuyển nhượng 49% cổ phần tại MCredit cho Shinsei Bank (Nhật Bản)...
Và thị trường M&A còn sôi động hơn nữa với hoạt động mua bán, sáp nhập, chuyển nhượng cổ phần giữa các ngân hàng trong một mảng hoạt động đặc thù - mảng ngân hàng bán lẻ được ví như miếng bánh béo bở mà nhiều ngân hàng nội muốn chiếm thị phần hay ngân hàng ngoại nhòm ngó, nhằm khai thác tiềm năng của một thị trường với 70% dân số chưa có tài khoản ngân hàng. Lấy ví dụ như Shinhan Bank Việt Nam mua lại mảng bán lẻ của ANZ Việt Nam, VIB rót tiền mua chi nhánh của Commonwealth Bank tại TP.HCM, hay gần đây là UOB hoàn tất thu mua mảng ngân hàng bán lẻ của Citi tại Việt Nam…
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ngành ngân hàng Việt luôn có một sức hấp dẫn nhất định đối với nhà đầu tư ngoại khi sức khỏe hệ thống đã lành mạnh hơn nhờ các biện pháp can thiệp, xử lý và giám sát kịp thời các ngân hàng yếu kém của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó chất lượng tài sản của các ngân hàng cũng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu đi xuống góp phần nâng cao khả năng sinh lời qua từng năm.
Đặt trong bối cảnh Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển kinh tế mạnh cùng tỷ lệ dân số vàng, tiềm năng phát triển cho ngành tài chính - ngân hàng vẫn còn rộng mở và cơ hội cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn rất lớn.
Bình luận (0)