TNO

Sức hút du lịch đất nước hoa anh đào

10/04/2016 11:24 GMT+7

(Tin Nóng) Từng mang danh là “Đất nước xuất khẩu du khách” hàng đầu thế giới hồi những năm 1980, nay Nhật đặt mục tiêu trở thành “Điểm đến đón tiếp 40 triệu du khách”.

(Tin Nóng) Từng mang danh là “Đất nước xuất khẩu du khách” hàng đầu thế giới hồi những năm 1980, nay Nhật đặt mục tiêu trở thành “Điểm đến đón tiếp 40 triệu du khách”.

Một phụ nữ Nhật trong bộ đồ kimono truyền thống chụp ảnh hoa anh đào ở một công viên tại Tokyo ngày 9.4.2016 - Ảnh: Reuters

Nếu mọi việc diễn biến tốt đẹp đúng như mong đợi của Tokyo thì Nhật sẽ thực sự là điểm đến của 40 triệu du khách quốc tế vào năm 2020, thời điểm Olympic diễn ra tại các thành phố Nhật. Trước đây, Nhật từng đặt mục tiêu năm 2020 sẽ thu hút được 20 triệu khách.

Du khách chi tiêu ngang doanh thu xuất khẩu phụ tùng ô tô

Mục tiêu lớn này được đề ra sau khi Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật (Japan National Tourism Organization) chính thức công bố kết quả rất khả quan, rằng trong năm 2015 đã có 19,73 triệu khách nước ngoài đến thăm Nhật, tăng 47,3% so với năm 2014 (đón 14,41 triệu khách) và tăng gấp 4 lần so với năm 2003 (đón 5,21 triệu khách), thời điểm bắt đầu các chiến dịch quảng bá Visit Japan.

Lượng khách lớn này đã chi tiêu 3,48 ngàn tỉ yen (30,5 tỉ USD, tăng 71,5% so với năm 2014), một đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Nhật. Theo một số phân tích chuyên ngành, số tiền du khách nước ngoài chi tiêu tại Nhật nay bằng doanh thu của việc xuất khẩu phụ tùng xe hơi Nhật ra khắp thế giới. Còn Japan Tourism Agency (JTA) cho biết, năm 2015 qua du khách nước ngoài đã ngụ trên lãnh thổ Nhật tổng cộng 66,37 triệu ngày.

Các nguồn khách chủ lực của du lịch Nhật năm 2015 gồm Trung Quốc với 4,99 triệu khách; Hàn Quốc với 4 triệu khách; Đài Loan với 3,67 triệu khách và Hồng Kông với 1,52 triệu khách. Những nguồn khách đáng kể khác đều là công dân các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Đến đông nhất, dòng khách Trung Quốc cũng chi tiêu nhiều nhất (chiếm 40,8% của tổng số 3,48 ngàn tỉ yen). Người Nhật dùng từ “Bagukai” để mô tả việc bùng nổ mua sắm của làn sóng khách Trung Quốc. Xếp hạng nhì về chi tiêu là khách Đài Loan với 15%; rồi là khách Hàn Quốc với 8,7%; khách Hồng Kông với 7,6%.

Tàu cao tốc Shinkansen đã khánh thành tuyến Tokyo-Hakodate - Ảnh: Japan-magazine

Mở rộng cửa đón du khách

Nhằm đạt được mục tiêu mới thu hút 40 triệu khách vào năm 2020, chính phủ Nhật đề ra 10 giải pháp cho ngành công nghiệp không khói, gồm từ việc cho phép các nhà khách chính phủ tại Kyoto và Akasaka được mở cửa đón khách; tái tạo các công viên quốc gia; làm tăng thêm vẻ đẹp của những danh thắng... cho đến việc gia tăng nỗ lực quảng bá tại châu Âu, Mỹ và Úc; giải tỏa những quy định lâu nay cản trở việc thu hút du khách cũng như đưa vào hoạt động những công nghệ mới để giúp du khách xuất nhập cảnh dễ dàng hơn.

Gần đây, giới chức năng du lịch/lữ hành Nhật đề nghị các cơ sở spa, onsen, tửu quán ryokan đón nhận những du khách có hình xăm trên cơ thể. Các cung điện nguy nga ở cố đô Kyoto và thủ đô Tokyo và Ngân hàng Nhật cũng sẽ được phép mở cửa đón khách tham quan.

Riêng phần JNTO sẽ mở thêm cơ sở xúc tiến, quảng bá du lịch Nhật tại 7 thành phố ở nước ngoài, gồm Hà Nội, Kuala Lumpur, Manila, Moscow, New Delhi, Rome. Hiện nay JNTO đã có văn phòng hoạt động tại một số đô thị lớn như Bắc Kinh, New York, Paris. Quốc hội Nhật cũng đã chấp thuận tăng gấp đôi ngân sách dành cho công tác quảng bá du lịch lên thành 176 triệu USD trong năm tài chính 4/2016-3/2017.

Giới kinh doanh lữ hành Nhật cho rằng có thể đạt mục tiêu 40 triệu khách vào năm 2020, nhưng Nhật khó giải quyết được vấn nạn thiếu phòng khách sạn cho chừng ấy khách, nhất là ở ba điểm đến thuộc Cung đường vàng gồm Osaka-Kyoto-Tokyo.

Vui hội hanami ở Kyoto - Ảnh: Shutterstock

Năm mới 2016 tiếp tục hút khách

JNTO cho biết Nhật tiếp tục hút khách nước ngoài với 3,74 triệu khách trong hai tháng đầu năm 2016, tăng 43,7% so với cùng thời gian năm 2015. Trong hai tháng đầu năm mới, khách Hàn nhiều hơn khách Trung Quốc (1.005.700 khách Hàn, tăng 48% so cùng kỳ; khách Trung Quốc là 973.900, tăng 66,4%) trong khi khách Đài Loan là 670.000, tăng 35,4% và khách Hong Kong là 276.000, tăng 40,4%. Ngoài châu Á ra thì các dòng khách phương Tây đến thăm Nhật nhiều nhất gồm có Anh, Pháp, Đức, Ý, Nga và Tây Ban Nha.

Mục tiêu hút khách nước ngoài

Năm 2020: 40 triệu khách, chi tiêu 8 ngàn tỉ yen

Năm 2030: 60 triệu khách, chi tiêu 15 ngàn tỉ yen

Đáng kể là du khách Việt Nam đến Nhật cũng tăng mạnh: 14.800 khách (tăng 20,7%) trong tháng 1 và 17.600 khách (tăng 85,5%) trong tháng 2. Chắc chắn số khách còn tăng cao hơn trong hai tháng 3 và 4 vì đây là thời gian của hanami, thưởng ngoạn hoa anh đào khoe sắc khắp nước Nhật.

Du lịch Nhật có gì mới rất hấp dẫn? Thưa rằng mới gần đây hệ thống tàu cao tốc hình viên đạn Shinkansen đã khánh thành tuyến Tokyo-Hakodate, có nghĩa là từ nay du khách có thể đi thăm các thành phố ở đảo phương Bắc Hokkaido của nước Nhật thật nhanh chóng, dễ dàng (4,3 giờ) chứ không còn phải mất hơn 5,2 giờ như lâu nay.

Xin đừng mua quá nhiều hàng

Du khách Trung Quốc tay xách nách mang hàng hoá Nhật bên ngoài 1 cửa hàng miễn thuế ở Tokyo ngày 11.2.2016 - Ảnh: Reuters

Cơn sốt mua sắm của du khách Trung Quốc khi đi du lịch Nhật đã được nói đến nhiều nhưng gần đây đã đạt đến mức gây phiền toái. Trong các không gian bán hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế Narita ở Tokyo đã xuất hiện những hàng chữ bằng tiếng Anh và tiếng Hoa nhắc hành khách đừng mua quá nhiều hàng khiến dẫn đến trễ giờ lên máy bay trở về Trung Quốc.

Tuy các nhà khai thác số 300 cửa hàng tại sân bay có vui nhờ doanh thu tăng cao, nhưng các hãng hàng không có chuyến bay đến/đi từ các thành phố lớn ở Trung Quốc cho biết vì cơn sốt mua sắm của khách Trung Quốc mà có đến 30% các chuyến bay đi Trung Quốc bị trễ giờ. Hành khách cũng chẳng vui vẻ gì khi phải tìm chỗ trống trong cabin máy bay để nhét những túi hàng mới mua trong sân bay, mà hàng mới mua lắm khi không chỉ là bánh kẹo, chocolat, thuốc lá, nước hoa mà gồm cả nồi cơm điện, bàn cầu...

Năm 2015, lượng khách đến và đi từ sân bay Narita đã tăng 5% đạt 37,32 triệu lượt, trong đó có 30,6 triệu lượt hành khách bay quốc tế. Nhưng con số còn kinh khủng tại sân bay quốc tế Haneda: hơn 75 triệu lượt hành khách, tăng 3,4% so với năm 2014.

Haneda là cái trục hàng không chính của hai hãng bay truyền thống lớn nhất của Nhật là Japan Airlines và All Nippon Airways và các hãng vé rẻ Air Do, Skymark Airlines, Solaseed Air và Starflyer. Theo số liệu của Airports Council International, Haneda xếp hạng 5 trong Top 10 sân bay quốc tế đón tiếp nhiều hành khách nhất thế giới năm 2015.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.