(iHay) Bolivia, đất nước xinh đẹp nằm trên dãy núi Andes sở hữu nhiều cảnh quan đặc trưng độc đáo. Nếu La Paz là thủ đô nằm ở cao độ thuộc vào hàng quán quân của thế giới, được mệnh danh là Bhutan của Nam Mỹ thì hồ Titicaca với những cảnh quan thiên nhiên và hệ động thực vật phong phú đã tạo nên một sức hấp dẫn lạ kỳ cho những ai được một lần đặt chân đến.
Hồ Titicaca với những cảnh quan thiên nhiên
|
Copacabana - vùng đất yên bình bên bờ hồ Titicaca
Từ thủ đô La Paz, xuôi về hướng nam khoảng 165 km, sau 3 giờ lái xe, chúng tôi đến Copacabana, một thị trấn bên bờ hồ Titicaca. Giữa thị trấn là nhà thờ Đức mẹ với những mái vòm trang trí hoa văn vàng nâu, vách tường nhà thờ được sơn màu trắng nổi bật trên bầu trời xanh biêng biếc. Hằng năm, vào dịp lễ phục sinh, rất nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo đi bộ từ thủ đô La Paz về đây hành lễ.
Phía trước nhà thờ là công viên với những hàng cây tùng cổ thụ đẹp mắt. Bên cạnh có một ngôi chợ không lớn lắm nhưng tấp nập người mua bán. Những hàng thịt tươi treo lủng lẳng, nào gà, nào heo cùng những chiếc đùi bò tươi, một vài nơi có cả thịt Llama. Những cụ già người thổ dân Aymares với những chiếc váy xòe, trên đầu đội chiếc mũ đáy sâu có vành theo kiểu đặc trưng Nam Mỹ ngồi tràn cả hai bên đường vào chợ. Họ bán những mớ rau, xâu cá và nhiều loại củ quả trồng được trong vườn nhà với ánh mắt và nụ cười hiền hòa luôn nở trên môi…
Bí mật trong lòng hồ Titicaca
Titicaca thuộc địa phận của 2 nước Bolivia và Peru; là hồ nước ngọt lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 8.240 km2 và nằm ở độ cao khoảng 3.840 m so với mặt nước biển. Hồ có chiều dài khoảng 180 km, chiều ngang nơi rộng nhất tầm 80 km. Độ sâu trung bình của hồ là 40m, nơi sâu nhất có thể đạt đến mức khoảng 200 m.
Một góc hồ Titicaca
|
Hồ Titicaca chứa đựng trong mình biết bao điều thú vị và những huyền thoại bí ẩn. Nhiều nhà khảo cổ học, sinh vật học đã và đang dành sự quan tâm đặc biệt cho việc nghiên cứu về hồ. Thậm chí những nhà hải dương học nổi tiếng một thời cũng đã từng đến đây tìm hiểu nghiên cứu.
Khoảng những năm 1970, Jean Couteau đã đến đây cùng dụng cụ lặn chuyên dùng thám hiểm đáy biển, ông tìm thấy sâu dưới lòng hồ Titicaca có rất nhiều ếch to mà trọng lượng của nó nặng hàng ký lô, da chúng cũng có nhiều màu sắc. Theo các nhà nghiên cứu, ếch ở Titicaca có khoảng 7 loài khác nhau. Roberto, hướng dẫn viên người Bolivia kể, trong hồ đặc biệt có một loại ếch rất to và độc đáo mà thế giới chưa từng được biết đến và cũng chưa có tên khoa học. Thổ dân nơi đây đặt tên cho nó là ếch Rococo.
Loài ếch này có 2 đặc điểm độc đáo. Một là kích cỡ và trọng lượng của chúng rất to, có thể đạt đến mức 12 kg, trông như quả bong bóng lớn, nhưng thịt của nó rất chua, không ăn được. Hai là mắt chúng bị mù bẩm sinh. Chúng thường sống rất sâu trong lòng hồ. Cả đời chúng gần như chưa bao giờ trồi lên trên mặt nước. Không rõ là chúng không lên mặt nước vì mắt bị mù hay vì hậu quả của việc không trồi lên mặt nước lâu ngày dẫn đến thị giác của chúng suy thoái dần rồi mất hẳn.
Các nhà khảo cổ cũng đã trục vớt được khá nhiều hiện vật bên trong lòng hồ. Những hiện vật bằng vàng, những bình gốm và cả một ngôi đền bằng đá đang nằm trong lòng hồ. Tuy nhiên, việc trục vớt các cổ vật vấp phải sự phản ứng của những thổ dân bởi họ lo sợ sự xáo trộn của lòng hồ có thể tạo nên sự tức giận từ các thần linh, khi đó những cơn thịnh nộ của trời đất sẽ giáng xuống cộng đồng của họ. Việc khai quật các di tích trong lòng hồ vì thế không được phép tiếp tục. Bí mật của hồ Titicaca vẫn còn đó với thời gian…
Nghi thức đón khách kỳ lạ của người Aymare
Chúng tôi được dạo hồ Titicaca bằng tàu. Tàu đưa đoàn đi ngang qua nhiều địa danh và dừng lại cho chúng tôi lên đảo Mặt trời. Đảo có diện tích khoảng 14 km2. Từ hàng nghìn năm trước, các thổ dân trên đảo đã biết lấy đá xếp chồng lên nhau tạo thành các thửa ruộng bậc thang để trồng các loại hoa màu như: ngô, khoai tây, đậu ván và cả cây Quinoi.
Những người phụ nữ Aymara đón chào du khách
|
Bỗng dưng chúng tôi nghe thấy một hồi kèn trống vang lên, thì ra những người phụ nữ Aymare trong trang phục truyền thống với những bộ váy xòe rực rỡ sắc màu xanh đỏ đang tung cánh hoa tươi chào mừng du khách. Chìa những bàn tay thô ráp nhưng chân tình và ấm áp về phía chúng tôi, những điệu nhảy xoay tròn của họ bắt đầu. Những chiếc váy phồng lên trông giống như chiếc lồng chim to úp lên mông những người phụ nữ. Tiếng kèn, tiếng trống náo nhiệt khuấy động bầu trời và không gian yên tĩnh vốn có của đảo Mặt trời.
Đón tiếp chúng tôi là vị trưởng đảo, với nghi thức chúc phúc truyền thống. Trên tảng đá vuông có trải tấm vải màu đỏ sọc ca rô, đặt một cái khay giấy có những viên kẹo nhiều màu sắc và hình dáng. Người trưởng đảo bắt đầu rì rầm đọc các câu khấn bằng thổ ngữ.
Nâng trên tay khay lễ vật, ông đi về phía mọi người, các thành viên trong làng và cả du khách khẽ chạm tay vào lễ vật với hàm ý tiếp nhận nguồn năng lượng siêu nhiên trên đảo đang về hội tụ trong đó. Kế tiếp là một bình nước thiêng được mang ra, trưởng đảo vẩy nước lên đầu mọi người xung quanh, một vòng hoa tươi thắm được quàng vào cổ các du khách.
Chúng tôi bước lên trên một chiếc thuyền gỗ có hai đầu trang trí bằng những sợi lát bện lại như búi tóc của những cô gái, tàu đưa chúng tôi ra xa bờ hồ. Sau lời cầu nguyện những điều ước, vòng hoa tươi được ném xuống mặt hồ Titicaca. Người Aymares tin rằng những lời ước đó sẽ sớm thành hiện thực bởi vì hồ nước thiêng đã nghe được lời khấn cầu.
Nhìn những vòng hoa tươi nổi trên mặt hồ, một cảm giác khoan khoái nhẹ nhàng lan tỏa trong tôi...
Trần Văn Trường
>> Hành trình khám phá 'một nửa' Myanmar
>> Đến Huế nhớ ghé đầm Chuồn
>> Phố xưa Nhật Bản
>> Nghệ An đẹp ngỡ ngàng dưới ống kính flycam
Bình luận (0)