Đáng nói, cả hai phim đều được thực hiện dựa trên tác phẩm
nước ngoài.
Cụ thể, Người phán xử (đạo diễn NSƯT Nguyễn Mai Hiền - Nguyễn Khải Anh - Nguyễn Danh Dũng) gồm 46 tập, đang phát trên VTV3, có kịch bản được Việt hóa từ kịch bản phim của Israel bởi biên kịch Nguyễn Trung Dũng. Cùng lúc đó, Sống chung với mẹ chồng 32 tập (biên kịch: Đặng Thiếu Ngân, đạo diễn: NSƯT Vũ Trường Khoa) đang phát trên VTV1, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Gia đình là số 1 đang phát sóng trên HTV7 - Đài truyền hình TP.HCM được Việt hóa từ bộ phim đình đám Hàn Quốc cùng tên cũng thu hút sự quan tâm của khán giả.
Đầy ắp hơi thở cuộc sống
|
|
Trong Người phán xử, tuy là một ông trùm nắm nhiều quyền lực, quan hệ rộng và sẵn sàng đưa ra những phán xét tàn nhẫn nhưng Phan Quân cũng là người có nguyên tắc sống và cách ứng xử rất đàn anh, coi trọng gia đình. Chính điều này đã tạo nên điểm hấp dẫn cho nhân vật trung tâm. Những phát ngôn của “ông trùm” Phan Quân về các quan hệ xã hội và nhất là quan hệ gia đình, như: “Cái chết vẫn hơn là sợ chết”, “Tiền chỉ là ảo ảnh thôi. Cho dù con có là tỉ phú nhưng con sẽ không được tôn trọng nếu như không biết tôn trọng cha mình”, “Gia đình là thứ tồn tại duy nhất. Tất cả những cái khác, có hay không có không quan trọng”… được nhiều khán giả bình luận sôi nổi. Thông qua câu chuyện của gia đình Phan Quân, phim đã chuyển tải một cách sống động thế giới xã hội đen đầy phức tạp. Phan Quân là vai diễn đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng của NSND Hoàng Dũng sau nhiều năm dành thời gian cho công tác quản lý tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Anh đã thể hiện tài tình một ông trùm đa tính cách, một “người phán xử” chưa từng được khắc họa trên màn ảnh Việt.
Trong khi đó, trước những xung đột trong quan hệ mẹ chồng - nàng dâu cũng như nỗi khổ tâm của người đứng giữa trong Sống chung với mẹ chồng, sự đồng cảm lẫn bức xúc đến không thể chấp nhận của người xem cứ thế khiến họ khó lòng bỏ qua bộ phim này. Nhiều người xem nhìn nhận “các nhân vật được cường điệu hóa và lắm lúc hơi thiếu thực tế”. Nhưng bên cạnh đó, không ít những “nàng dâu” thổ lộ rằng thực tế cuộc sống làm dâu của họ, hoặc của bạn bè người thân họ đôi khi còn kinh khủng hơn trên phim… Điều thú vị ở phim này là các nhân vật không ai hoàn hảo, và khán giả theo dõi phim không hẳn để xem số phận của họ ra sao, những mâu thuẫn được giải quyết thế nào, ai đúng ai sai… mà là để tự tìm cách ứng xử phù hợp trong chính gia đình mình.
|
Đạo diễn Văn Công Viễn hiện đang chuẩn bị bấm máy Cô nàng ngổ ngáo vào tháng 7. Phim có kịch bản dựa trên bộ phim ăn khách cùng tên của Hàn Quốc. “Việt hóa kịch bản nước ngoài là một xu thế tất yếu khi nội dung trong nước không đáp ứng kịp cho nhu cầu tiếp cận nội dung mới của khán giả VN. Chính xác hơn, ở ta vẫn còn tình trạng thiếu kịch bản chất lượng cho nhà sản xuất lựa chọn”, đạo diễn Văn Công Viễn nói.
Ở góc nhìn khác, đạo diễn - NSƯT Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC (Trung tâm sản xuất phim truyền hình - VTV), đơn vị sản xuất Người phán xử, cho rằng điện ảnh Việt cũng không thể đứng ngoài xu thế chung: “Việc mua kịch bản gốc của nước ngoài rồi chuyển thể, phát triển thành một bộ phim mới là bình thường ở các nền điện ảnh, truyền hình lớn trên thế giới. Điện ảnh Hollywood - Mỹ đã từng mua lại kịch bản của Nhật, Hàn Quốc, Hồng Kông... để làm lại. Phim truyền hình cũng đã có những phim được Việt hóa kịch bản nước ngoài từ nhiều năm nay”.
Có thể kể đến những phim Việt hóa được chú ý trước đây như Lẵng hoa tình yêu, Người mẫu, Cô gái xấu xí, Ngôi nhà hạnh phúc (truyền hình) hay thành công về doanh thu như Em là bà nội của anh (phim điện ảnh)… Tuy nhiên, việc Việt hóa kịch bản nước ngoài hoàn toàn không dễ dàng do những khác biệt về văn hóa. Theo NSƯT Đỗ Thanh Hải, một trong những lý do quan trọng để phim thành công là câu chuyện kịch bản phải được “cải hóa” sao cho phù hợp với tâm lý, cách thưởng thức của khán giả trong nước trong khi vẫn giữ được những yếu tố cốt lõi đã làm nên thành công của tác phẩm gốc. Anh cho biết với Người phán xử, ê kíp thực hiện đã mất gần 2 năm để Việt hóa bộ kịch bản này. Ngay trong quá trình thẩm định kịch bản, các đạo diễn đã cùng tham gia đóng góp ý tưởng để sao cho các nhân vật, những mối quan hệ, cách ứng xử mang màu sắc đời sống xã hội VN.
Bình luận (0)