'Sức khỏe' tài chính của Bamboo Airways ra sao?

Mai Hà
Mai Hà
15/07/2023 10:31 GMT+7

Dù Bamboo Airways khẳng định hãng vẫn đang hoạt động hoàn toàn bình thường, song những biến động nhân sự cấp cao liên tục và "bức tranh" tài chính không tươi sáng cho thấy những khó khăn vẫn đang bủa vây hãng hàng không này.

Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 của Bamboo Airways cho biết, doanh thu thuần hơn 11.732 tỉ đồng, gấp 3,3 lần doanh thu năm 2021. Trong năm ngoái, Bamboo Airways đã thực hiện 51.236 chuyến bay, vận chuyển hơn 7 triệu lượt hành khách, tăng 176% so với năm 2021.

'Sức khỏe' tài chính của Bamboo Airways ra sao? - Ảnh 1.

Báo cáo tài chính của Bamboo Airways

M.H

2022 lỗ sau thuế hơn 17.600 tỉ đồng

Năm 2022, mức lỗ dù giảm về giá trị tuyệt đối so với năm 2021, song Bamboo Airways lỗ gộp 3.209 tỉ đồng. Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi những khó khăn đến từ thị trường Đông Bắc Á và cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm cho giá nhiên liệu tăng vọt.

Đáng chú ý, theo lý giải của lãnh đạo Bamboo Airways tại cuộc họp cổ đông giữa tháng 6, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến lên 12.750 tỉ đồng (năm 2022 hơn 158 tỉ đồng). Lý do, hãng đã trích lập dự phòng cho các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi gần 9.700 tỉ đồng và trích lập dự phòng cho các khoản phải thu dài hạn khó đòi 2.800 tỉ đồng.

Đây là nguyên nhân chính khiến Bamboo Airways lỗ lũy kế sau thuế 17.619 tỉ đồng, tăng vọt so với mức lỗ của năm 2021 là 2.281 tỉ đồng.

Tổng tài sản của Bamboo Airways tại ngày 31.12.2022 là 18.008 tỉ đồng, giảm 8.849 tỉ đồng so với năm trước. Vốn chủ sở hữu âm 836 tỉ đồng, dù phần vốn góp của chủ sở hữu vẫn là 18.500 tỉ đồng. 

Nợ phải trả của Bamboo Airways thời điểm cuối năm 2022 ở mức 18.843 tỉ đồng; trong đó tổng nợ vay ở mức 10.623 tỉ đồng, tăng 5.830 tỉ đồng so với 2021, chủ yếu là tăng các khoản nợ vay ngắn hạn.

'Sức khỏe' tài chính của Bamboo Airways ra sao? - Ảnh 2.

M.H

Năm 2023 ra sao?

Báo cáo của ban điều hành hãng cho biết, tình hình kinh doanh 5 tháng đầu năm có nhiều tín hiệu tích cực cho thấy hiệu quả của hoạt động tái cấu trúc. Tổng doanh thu thuần 5 tháng đầu năm đạt bằng 51% tổng doanh thu năm 2022. Trong đó, tháng 1, Bamboo Airways đã đạt điểm hòa vốn nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi là hàng không.

Tuy nhiên, lãnh đạo hãng này thời điểm tháng 6 cho biết, năm 2023, hoạt động kinh doanh của Bamboo Airways dự kiến vẫn sẽ lỗ, dù mức lỗ được kỳ vọng sẽ giảm tương đối so với năm 2022.

Trên thực tế, ngoài các yếu tố thị trường chung khó khăn như quốc tế chậm hồi phục, giá nhiên liệu tăng..., hãng bay này cũng phải xoay xở trong việc tái cấu trúc với đội bay thân rộng Boeing 787. Đặc biệt là tìm được phương án thỏa thuận với các chủ thuê máy bay, trong bối cảnh khó khăn về tài chính hiện nay.

XEM NHANH 12H ngày 15.7: Lãnh đạo Cục Hàng không nói chưa biết thông tin 'hãng hàng không xin phá sản'

Liên tục biến động nhân sự cấp cao

Khó khăn của Bamboo Airways cũng như nỗ lực tái cấu trúc phản ánh trong việc biến động nhân sự cấp cao từ đầu năm tới nay. Tuy nhiên, việc biến động liên tục trong thời gian ngắn cũng khiến nhiều người đặt dấu hỏi về "sức khỏe" nội tại cũng như định hướng chiến lược của hãng bay này.

Trước thềm đại hội cổ đông thường niên vào tháng 6, toàn bộ thành viên HĐQT Bamboo Airways đã xin từ nhiệm, gồm các ông: Nguyễn Ngọc Trọng, Doãn Hữu Đoàn, Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm và Nguyễn Mạnh Quân. Đáng chú ý, đây là bộ máy đã tiếp quản Bamboo Airways sau sự cố vướng vòng lao lý của người sáng lập trước đây là ông Trịnh Văn Quyết.

Theo lý giải của ông Nguyễn Ngọc Trọng, việc toàn bộ thành viên HĐQT xin từ nhiệm trước tháng 6 nằm trong quá trình tái cơ cấu với chiến lược mới của hãng. Sau đó, Bamboo Airways đã gần như "thay máu" hoàn toàn với việc bổ sung loạt nhân sự cấp cao là những người có thâm niên và kinh nghiệm hàng không, từng giữ cương vị lãnh đạo tại Japan Airlines và Vietnam Airlines.

Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 2 tháng có dàn nhân sự mới, ngày 11.7, Bamboo Airways bất ngờ thông báo thay đổi nhân sự cấp cao. Đáng chú ý, HĐQT đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm của 4 thành viên, gồm: Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, ông Hideki Oshima; Phó chủ tịch thường trực HĐQT Bamboo Airways, ông Nguyễn Ngọc Trọng; 2 Phó chủ tịch HĐQT Bamboo Airways là ông Doãn Hữu Đoàn và  ông Phan Đình Tuệ.

'Sức khỏe' tài chính của Bamboo Airways ra sao? - Ảnh 3.

Ông Lê Thái Sâm, thành viên HĐQT Bamboo Airways, cổ đông lớn nhất của Bamboo Airways, hiện giữ chức Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways

V.A

HĐQT Bamboo Airways cũng thông qua quyết định bầu các thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028 thay thế các thành viên từ nhiệm. Theo đó, ông Lê Thái Sâm sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT; ông Oshima Hideki giữ chức vụ Phó chủ tịch thường trực HĐQT; ông Lê Bá Nguyên và ông Nguyễn Ngọc Trọng đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch HĐQT.

Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Trọng kiêm đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Bamboo Airways thay thế ông Nguyễn Minh Hải đã từ nhiệm trước đó. Ông Hải từng là Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, đã đưa ra các cam kết tái cấu trúc mạnh mẽ với Bamboo Airways vào thời điểm nhậm chức. Đáng chú ý, ông Hải từ nhiệm chỉ sau chưa đầy 2 tháng giữ cương vị Tổng giám đốc Bamboo Airways.

Thông tin với báo chí vào tháng 6, ông Lê Bá Nguyên, thành viên HĐQT Bamboo Airways, cho biết thời kỳ Covid-19 năm 2021 - 2022, khó khăn ảnh hưởng lớn tới kinh tế. Trong đó, Tập đoàn FLC và Bamboo Airways xảy ra sự cố, ảnh hưởng rất lớn tới Bamboo Airways.

"Nhóm đầu tư mới được cố vấn bởi ông Dương Công Minh (Him Lam) đã vào hỗ trợ FLC và Bamboo Airways. Thời điểm đó, có nhiều khó khăn như các nhà cung cấp và cho thuê máy bay ráo riết đòi nợ, tạo sức ép, hoạt động kinh doanh đứng trước nguy cơ phá sản", ông Nguyên nói và cho biết, nhóm đầu tư, đại diện là ông Lê Thái Sâm đã cho Bamboo Airways vay gần 8.000 tỉ đồng. 

Ông Lê Thái Sâm nắm hơn 50% cổ phần Bamboo Airways

Bamboo Airways đã phát hành 1,15 tỉ cổ phần riêng lẻ, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, tương ứng giá trị cổ phần phát hành theo mệnh giá là 11.500 tỉ đồng. 

Trước khi đại hội cổ đông bất thường diễn ra, ngày 8.5, HĐQT của FLC đã ra nghị quyết công bố việc thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Bamboo Airways mà FLC đang nắm giữ cho ông Lê Thái Sâm (FLC nắm giữ 400 triệu cổ phiếu của Bamboo Airways, tương ứng 21,7% vốn điều lệ).

Theo Bamboo Airways, nếu tính gộp cả phần FLC chuyển nhượng, gộp với số cổ phần sau khi hoàn thành thủ tục hoán đổi nợ đã được thông qua tại đại hội cổ đông Bamboo Airways, tỷ lệ sở hữu của ông Lê Thái Sâm tại Bamboo Airways sau khi tăng vốn lên 26.220 tỉ đồng sẽ đạt tới 53,59%.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.