3 năm, 3 lần phẫu thuật mới lấy ra được dằm tàu dừa bé xíu trong bàn tay

Duy Tính
Duy Tính
13/09/2018 20:32 GMT+7

Hai lần đi khám, phẫu thuật nhưng cọng dằm tàu dừa vẫn chưa được lấy ra. Lần thứ 3 phẫu thuật thì bệnh nhân mới được giải thoát khỏi đơn đau dai dẳng.

Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện (BV) đa khoa Xuyên Á (Vĩnh Long) cho biết khoa này vừa tiến hành phẫu thuật loại bỏ dằm tàu dừa đã đâm xuyên vào bàn tay bệnh nhân 3 năm trước.
Bệnh nhân L. (62 tuổi, ngụ tại H.Cái Bè, Tiền Giang) cho biết cách đây hơn 3 năm trong khi làm việc thì bị tàu dừa đâm vào tay trái gây chảy máu. Sau đó bệnh nhân có đi khám và mổ 2 lần lấy dằm ra nhưng tay vẫn cứ sưng đau và chảy dịch.
Cách đây 2 ngày, bệnh nhân đến BV đa khoa Xuyên Á thăm khám tại chuyên Khoa Chấn thương Chỉnh hình. Kết quả siêu âm ghi nhận có một dị vật đâm xuyên vào tay trái, gây nhiễm trùng nặng và bác sĩ chỉ định phẫu thuật để cắt lọc lấy dị vật.
Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt lọc, tìm và lấy ra được một dị vật ở kẽ giữa ngón 1, 2. Đó là một miếng dằm tàu dừa dài khoảng 2 cm, đường kính khoảng 2 mm.
Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, bàn tay trái không còn cảm giác bị đau nhức.
Theo các bác sĩ, bà con nông dân rất hay chủ quan khi bị các dị vật như mảnh gỗ, thủy tinh, đá, xương... nhỏ cắm vào da (dân gian thường gọi là dằm). Một số người tự xử lý hoặc không xử lý gì dị vật.
Do đó ngoài nguy cơ bị nhiễm trùng còn có nguy cơ bị mắc bệnh uốn ván rất nguy hiểm.
Người dân chỉ tìm đến bệnh viện khi đã bị nhiễm trùng, sưng đau, hoặc nặng hơn. Đa số các trường hợp, bác sĩ sẽ phải mở rộng vết thương để loại bỏ dị vật ra.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị các vật nhọn đâm vào tay thì người dân nên đến các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra và loại bỏ dị vật một cách an toàn trong thời gian sớm nhất, nhằm tránh biến chứng cũng như can thiệp phẫu thuật không cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.