6 dấu hiệu cảnh báo cơn đau túi mật

Thiên Lan
Thiên Lan
10/03/2019 14:31 GMT+7

Cơn đau túi mật xảy ra khi có sự tắc nghẽn mật trong túi mật, theo tiến sĩ SriHari Mahadev, chuyên khoa tiêu hóa ở NewYork (Mỹ).

Khi túi mật co thắt lại, đặc biệt khi ăn nhiều chất béo, thì sự tắc nghẽn này gây ra cơn đau cấp tính. Khi túi mật giãn ra, cơn đau biến mất, Niket Sonpal, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và giáo sư trợ lý y học lâm sàng tại Đại học Y Touro (New York, Mỹ), giải thích.
Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn đang gặp những triệu chứng này.
Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo cơn đau túi mật mà bạn cần biết, theo Reader’s Digest.

1. Đau bụng

Đau bụng là một trong những triệu chứng của cơn đau túi mật phổ biến nhất và thường ở phía trên, bên phải của bụng. Đôi khi cơn đau này tỏa ra xung quanh lưng cũng như vai phải, bác sĩ Mahadev nói. Cơn đau thường xuất hiện sau khi ăn, nhói dữ dội và kéo dài từ nửa giờ đến một giờ, và sau đó biến mất.

2. Cơn đau xuất hiện và biến mất rất nhanh

Thông thường, cơn đau do sỏi mật xuất hiện và biến mất vì sỏi mật có xu hướng chui vào rồi lại ra khỏi túi mật, tiến sĩ Mahadev nói.
Mọi người đôi khi nhầm lẫn cơn đau do túi mật với viêm tụy, nhưng sự khác biệt là cơn đau viêm tụy thường xuyên hơn, đau và kéo dài trong nhiều giờ, cón cơn đau túi mật thì không kéo dài.

3. Đau sau khi ăn nhiều chất béo

Cảm giác đau sau khi ăn thức ăn có nhiều dầu mỡ và chất béo là dấu hiệu rõ ràng nhất của cơn đau túi mật.
Nguyên nhân là do chất béo đi vào ruột, tiết ra một loại hoóc môn khiến túi mật bị thắt lại, ông nói. Sỏi mật làm cho việc co thắt này gây đau.

4. Buồn nôn, nôn hoặc ợ nóng

Đây là hai triệu chứng ít phổ biến hơn của cơn đau túi mật nhưng cũng liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Thực tế, những người gặp phải các triệu chứng của cơn đau túi mật có thể nhầm với chứng ợ nóng hoặc trào ngược a xít.
Mặc dù buồn nôn và ói mửa có thể không phải là dấu hiệu rõ ràng nhất của cơn đau túi mật, khi có các triệu chứng này kết hợp với những triệu chứng khác kể trên, nên đi khám bác sĩ, đặc biệt nếu bạn bị các cơn đau lặp đi lặp lại.
Bệnh nhân có thể cảm thấy buồn nôn quá mức và nôn mửa ,đặc biệt là sau những bữa ăn nhiều chất béo, bác sĩ Sonpal cho biết.

5. Nước tiểu sẫm màu và phân có lẫn chất béo

Tiến sĩ Mahadev khuyến cáo, hãy cẩn thận khi thấy phân có lẫn chất béo, đó là một dấu hiệu cho thấy bạn thực sự có thể bị tắc nghẽn đường mật vì mật giúp tiêu hóa chất béo.
Nếu bị tắc nghẽn trong ống mật hoặc ống tụy, thì không thể hấp thụ được chất béo trong thức ăn và do đó phân sẽ bị lẫn chất béo.
Sự tắc nghẽn này cũng là lý do làm cho phân có thể nhẹ hơn và nổi lên và nước tiểu có màu sẫm hơn.

6. Da hoặc mắt bị vàng

Vàng da hoặc vàng mắt có liên quan đến việc sỏi rơi ra khỏi túi mật và dính trong ống mật hoặc tuyến tụy, theo tiến sĩ Mahadev.
Vàng da cũng hay gặp ở các bệnh khác như thiếu máu hoặc các vấn đề về gan. Một dấu hiệu khác đi kèm với vàng da là tình trạng ngứa không giải thích được mà không phải phát ban.
Hãy nói chuyện với bác sĩ về những triệu chứng này và các yếu tố nguy cơ khác.
Đi khám ngay nếu bạn gặp các triệu chứng của cơn đau túi mật nêu trên. Đặc biệt, cần cho bác sĩ biết nếu bạn là bệnh nhân nữ, béo phì hoặc đã qua phẫu thuật giảm cân.
Tuy nhiên, lưu ý rằng không phải ai bị sỏi mật cũng bị cơn đau túi mật hoặc có triệu chứng rõ rệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.