7 loại công việc có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư

04/10/2017 08:01 GMT+7

Các nghiên cứu phát hiện rằng một số công việc sẽ khiến người lao động có nguy cơ ung thư cao hơn.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 19% các ca ung thư trên toàn cầu là do yếu tố môi trường gây ra. Ví dụ như điều kiện tiếp xúc tại nơi làm việc có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
WHO cũng thống kê có khoảng 107 hóa chất, hỗn hợp và các trường hợp phơi nhiễm dễ dẫn đến ung thư ở người. Những nghề nghiệp sau được xem là có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư, theo Health24. Tuy nhiên, vấn đề không phải là không làm việc trong các nghề nghiệp sau, mà là có biện pháp bảo vệ, phòng tránh, nhất là tuân thủ các nguyên tắc an toàn lao động... 
Công nhân nhà máy hạt nhân
Tiếp xúc với phóng xạ sẽ khiến con người dễ mắc một số loại ung thư nhất định như: ung thư tuyến giáp, ung thư bạch cầu.
Người làm việc trong nhà máy hạt nhân có thể tiếp xúc với phóng xạ khi sự cố xảy ra. Tuy nhiên, việc tiếp xúc thường xuyên với lượng phóng xạ thấp qua thời gian cũng có thể làm tăng rủi ro bị ung thư.
Sản xuất cao su
Nguy cơ mắc bệnh sẽ xuất hiện ở những người làm việc trong các nhà máy sản xuất lốp xe, găng tay cao su, các phụ tùng xe hơi bằng cao su... Điều này là do họ tiếp xúc ở mức độ cao với các loại hóa chất và bụi. Các độc tố sinh ra trong quá trình sản xuất chủ yếu đi vào cơ thể bằng con đường hô hấp hoặc hấp thụ qua da.
Cơ khí
Những người làm việc trong lĩnh vực cơ khí không chỉ tiếp xúc nhiều với khói và dầu mỗi ngày mà còn tiếp xúc với chất amiăng (asbestos), thường tìm thấy ở các thiết bị phanh hay bộ ly hợp ô tô, theo Health24.
Hít phải không khí có nhiều các hạt amiăng có thể sẽ dẫn đến một số loại ung thư như ung thư phổi.
Nghề làm móng
Nhân viên làm móng tay thường xuyên tiếp xúc với formaldehyde và titanium dioxide. Đây là hai chất có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe. Đặc biệt, formaldehyde được xem là chất gây ung thư.
Phi công
Một điều đáng ngạc nhiên là nguy cơ ung thư mà các phi công đối mặt không phải đến từ việc tiếp xúc với khí thải của động cơ máy bay hay thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng. Các nghiên cứu cho thấy phi công có nguy cơ mắc ung thư hắc tố cao gấp hai lần người thường. Nguyên nhân do họ thường xuyên tiếp xúc với các tia vũ trụ và tia UV khi thực hiện các chuyến bay.
Thợ mỏ
Người làm nghề này không chỉ thường xuyên tiếp xúc với amiăng mà còn thường tiếp xúc với uranium và radon, một loại khí phóng xạ xuất hiện tự nhiên do quá trình phân tách uranium trong đất. Tất cả chúng đều có thể làm tăng rủi ro bị ung thư.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên tìm hiểu để biết rõ những chất độc hại mà họ thường xuyên tiếp xúc trong công việc. Ngoài ra, cần tập luyện thể dục thường xuyên và có chế độ ăn phù hợp để giảm rủi ro mắc ung thư. Cần chăm sóc tốt sức khỏe bằng cách đi khám bệnh ngay khi thấy có bất kỳ thay đổi lạ nào trong cơ thể, theo Health24.
Nông nghiệp
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể làm tăng rủi ro bị ung thư da.
Bên cạnh đó, việc tiếp xúc thường xuyên với thuốc trừ sâu và phân bón cũng chính là tác nhân đáng kể có thể khiến người nông dân dễ bị mắc các loại ung thư khác nhau.

tin liên quan

Đồ chơi nằm trong phổi suốt 40 năm, tưởng khối u ung thư
Một người đàn ông bị tình nghi mắc bệnh ung thư sau khi các bác sĩ phát hiện một khối u trong phổi đã thở phào nhẹ nhõm khi các cuộc xét nghiệm cho thấy đó chỉ là một cọc tiêu giao thông đồ chơi mà ông ta nuốt phải khi còn bé.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.