Bác sĩ robot

Duy Tính
Duy Tính
17/02/2018 08:00 GMT+7

Năm 2014, Bệnh viện Nhi Trung ương nhập khẩu, đưa robot Da Vinci (từ Mỹ) về mổ cho trẻ em. Từ đó, các bác sĩ robot ngày càng tham gia sâu vào phẫu thuật, nâng tầm trình độ y khoa ở Việt Nam.

Tháng 10.2017, Bệnh viện Chợ Rẫy triển khai ca mổ đầu tiên ở tuyến tiền liệt bằng kỹ thuật nội soi sử dụng robot Da Vinci, đáp ứng sự mong mỏi của đội ngũ y bác sĩ và bệnh nhân. Là một trong những người đầu tiên được sử dụng robot Da Vinci, tiến sĩ - bác sĩ Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy, háo hức: “Sướng lắm, tuyệt vời, quá vượt trội! Động tác của robot quá tinh vi, chính xác. Điều hay nữa là robot cắt cầm máu tốt hơn nhiều so với các kỹ thuật khác!”.
Vượt trội!
Cái sướng, theo bác sĩ Sâm mô tả, là: Cánh tay robot xoay được 540 độ, tay phải, tay trái đều như nhau, di chuyển đến mọi ngóc ngách của cơ thể mà mổ nội soi hay mổ hở theo thông thường đều không làm được. Sướng nữa là có kính hiển vi phóng to phần cơ thể cần mổ mà mắt thường, hay mổ nội soi thông thường không thể nhìn thấy. Mục tiêu cần mổ sẽ được thực hiện một cách triệt để, tận gốc. Khi mổ tiền liệt tuyến, xung quanh toàn xương và phẫu trường hẹp, nếu mổ nội soi thông thường thì rất khó khâu vá, còn với robot thì tuyệt vời!
Bác sĩ Sâm kể, cách đây 10 năm, ông đã tiếp cận kỹ thuật mổ bằng robot tại Singapore. Hồi đó, khi dự hội nghị, ai cũng háo hức muốn mổ thử bằng robot và ông chỉ được thử trong vòng 15 phút vì phải nhường cho các đồng nghiệp khác. Tuy nhiên, khi đó cũng chỉ điều khiển robot làm các động tác đơn giản như gắp cái này, gắp cái kia mà thôi. “Giờ thì mãn nguyện rồi”, bác sĩ Sâm hào hứng.
Còn theo bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Anh Toàn, Khoa Niệu A Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), dân ngoại khoa ai cũng háo hức khi bệnh viện đưa robot Da Vinci về hoạt động vào tháng 11.2016.
Dù vậy, để thao tác trên robot, bác sĩ phải có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện nhuần nhuyễn. “Mắt nhìn qua màn hình, hai tay cầm cần điều khiển, bác sĩ không thể có cảm giác như cầm dao mổ thực thể nên khó biết cánh tay robot đang cầm một cái mô mềm hay cứng để thực hiện lực cắt chuẩn. Nếu cắt nhẹ thì mô không đứt mà cắt mạnh thì hư dụng cụ. Khi cột chỉ cũng thế, bác sĩ sẽ khó phân phối lực để làm sao cho sợi chỉ được cột đúng, không sút và cũng không quá mạnh để chỉ bị đứt. Như vậy, mổ bằng robot đòi hỏi bác sĩ phải có kỹ thuật cao, tinh tế và nhiều kinh nghiệm”, bác sĩ Toàn chia sẻ.
Robot có thay thế bác sĩ?
Tháng 11.2017, Bệnh viện Bình Dân gặp gỡ quan khách nhân dịp mổ ca thứ 222 bằng robot Da Vinci tại đây. Trong cuộc gặp, có một câu hỏi khá thú vị rằng liệu robot này có thay thế được bác sĩ trong tương lai. Vị Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của nhà sản xuất robot Da Vinci cho biết hiện tại robot chỉ hỗ trợ đắc lực, tạo thuận lợi cho bác sĩ chứ chưa thể thay thế hoàn toàn bác sĩ. Nhưng trong tương lai khoa học thì chưa nói trước được điều gì!
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho rằng nhiều năm qua, thế giới đã bàn về vấn đề liệu tương lai robot có thể thay thế bác sĩ được không? Theo ông, nhìn lại xu hướng phát triển thì thấy “trí thông minh nhân tạo” đang được đầu tư rất nhiều. Ngày trước, một số thủ thuật cần con người nhưng hiện nay robot đã thay thế dần. Như vậy, trong tương lai, robot có thể phản ứng được như con người, có thể nhận biết được tổn thương trong cơ thể con người để xử lý. Tuy nhiên, trong sự tương tác giữa robot và con người đến bây giờ thì vai trò con người vẫn rất quan trọng. Vì con người khởi động quá trình phẫu thuật; tìm đến vị trí tổn thương, ra y lệnh - điều khiển để xử lý thông qua robot và chấm dứt cuộc phẫu thuật.
“Về viễn tưởng, khả năng robot có thể thay thế bác sĩ, nhưng trong vài thập niên tới, con người vẫn quyết định trong các cuộc phẫu thuật, ông Sơn chia sẻ.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, ứng dụng robot vào trong phẫu thuật là ứng dụng kỹ thuật cao, kết hợp nghiên cứu khoa học, đào tạo chuyên sâu, giảm người bệnh ra nước ngoài điều trị.
Robot Da Vinci (Mỹ) ra đời vào năm 1982 và bắt đầu được sử dụng trên người nhưng còn hạn chế. Mãi đến năm 2010, robot này mới được cho phép sử dụng rộng rãi. Tính đến tháng 8.2017, trên thế giới có khoảng 4.700 robot Da Vinci, Mỹ chiếm nhiều nhất với 2.700 robot, châu Âu gần 700 robot, Nhật và Hàn Quốc gần 500 robot, còn 800 robot hoạt động ở các nước khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.