Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, chỉ trong khoảng 10 ngày gần đây, bệnh viện này đã tiếp nhận liên tiếp 7 trường hợp bị bỏng nước sôi, phần lớn trong số đó là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Bệnh nhi Lý Thùy T. (1 tuổi, trú tại Trung Yên, Sơn Dương, Tuyên Quang) đang điều trị tại khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, trong tình trạng nặng bỏng rộng từ vùng ngực xuống đùi. “Lúc ở nhà, cháu đã với lấy cốc nước nóng ở trên bàn và bị nước đổ vào người, gây bỏng vùng ngực, toàn cánh tay phải và đùi phải”, mẹ bé T., chia sẻ.
Có con trai cùng điều trị với vé Thùy T., mẹ của bệnh nhi Đỗ Anh T. (3 tuổi, ngụ tại huyện Yên Bình, Yên Bái) xót xa cho biết, ở nhà có chậu nước sôi để sẵn chuẩn bị tắm cho bé, trong lúc người lớn không để ý, thì bé chạy đến nghịch, nên bị bỏng 2 cẳng tay, bàn tay.
Không chỉ sơ suất của người lớn khiến các con nhỏ bị bỏng, ngay cả người lớn cũng gặp phải tai nạn bỏng nước sôi. Chị Nguyễn Thị H. (43 tuổi, trú tại Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) nhập viện trong tình trạng bỏng loang rộng khắp mình.
Người nhà bệnh nhân cho hay, trong lúc chị H., xách xô nước nóng để pha với nước lạnh dùng cho đỡ buốt, không may bị vấp ngã nên toàn bộ xô nước nóng đổ vào người. Chị H., được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng bị bỏng trên nhiều vùng của cơ thể: 2 cánh tay, vùng đùi và bộ phận sinh dục.
tin liên quan
Sơ cứu trẻ bị bỏngCác bác sĩ lưu ý, bỏng ở vị trí cánh tay, cẳng tay, đặc biệt là bàn tay, làm ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và lao động. Ngoài ra, các vị trí bỏng ở vùng mặt, ngực hoặc bộ phận sinh dục cũng rất nguy hiểm vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng sinh sản.
Sơ cứu nhanh khi bị bỏng
“Khi bị bỏng nước sôi, việc đầu tiên là phải nhanh chóng đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước lạnh và sạch, hoặc dội nước sạch lên vùng bị bỏng. Việc xử trí đơn giản này khá hiệu nghiệm để giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ bỏng sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng”, bác sĩ Thành hướng dẫn.
Bác sĩ cũng chia sẻ thêm, ngay cả khi da không còn tiếp xúc với tác nhân gây bỏng, nhiệt tích tụ ở vết bỏng vẫn tiếp tục gây tổn thương sâu hơn. Đây là biện pháp quan trọng số một giúp giảm thiểu mức độ tổn thương.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, để tránh sai lầm khi sơ cứu bỏng, cần tuyệt đối không dùng nước đá lạnh để làm mát vì có thể gây tổn thương da; không áp dụng các biện pháp truyền miệng như phun rượu, bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương. Nếu có thuốc xịt bỏng thì nhanh chóng sử dụng đúng hướng dẫn.
Bình luận (0)