Cách nhận biết viêm não ở trẻ nhỏ, chớ coi thường!

22/06/2019 08:30 GMT+7

Triệu chứng ban đầu tương tự một số bệnh thông thường như: sốt, nôn, đau đầu…, nhưng viêm não có thể khiến trẻ bị di chứng suốt đời nếu không được điều trị kịp thời.

Mùa viêm não

Tiêm vắc xin VNNB đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng hiệu quả nhất.
Trẻ dưới 5 tuổi được tiêm miễn phí trong tiêm chủng mở rộng. Nhưng nếu chỉ tiêm 1 mũi vắc xin thì không có hiệu lực bảo vệ; tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi hiệu lực bảo vệ đạt 90 - 95% trong khoảng 3 năm. Do đó, trẻ cần được tiêm chủng với 3 liều cơ bản:
- Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi
- Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 - 2 tuần
- Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
(Nguồn: Cục Y tế dự phòng)
PGS-TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư (Hà Nội), cho biết số ca mắc viêm não/màng não đang có dấu hiệu gia tăng trong các tuần gần đây. Trong số các ca viêm não/màng não nhập viện đã ghi nhận nhiều bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản (VNNB) với hơn 20 ca nhập viện từ đầu năm đến nay, nhưng chủ yếu trong 2 tháng gần đây.
Đáng lưu ý, mùa nắng nóng như hiện nay là thời điểm gia tăng VNNB. Vi rút gây bệnh thường tấn công trẻ nhỏ, hầu hết ca mắc là trẻ dưới 15 tuổi, đặc biệt là 3 - 9 tuổi. Những ngày gần đây, vẫn luôn có các ca VNNB nhập viện.
“Mặc dù tử vong do VNNB hầu như không ghi nhận nhờ tiến bộ trong điều trị, nhưng ước tính có đến 50% các ca bệnh bị di chứng ở mức độ khác nhau. Trong số các ca bị di chứng, tỷ lệ di chứng nặng chiếm khoảng 20% (vận động yếu, hạn chế nhận thức) ảnh hưởng lâu dài đến phát triển của trẻ. Có thể chỉ sau một cơn sốt, trẻ đã bị ảnh hưởng chức năng như vận động yếu, giảm nhận thức”, PGS Điển cho hay, đồng thời lưu ý các trường hợp mắc đều chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ. Trong khi đó, vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nếu được tiêm đầy đủ.
Tại Khoa Truyền nhiễm (BV Nhi T.Ư) vừa qua tiếp nhận bé gái 13 tuổi vào viện trong tình trạng sốt cao, li bì, co giật. 2 ngày trước nhập viện, bé xuất hiện sốt cao, không đáp ứng thuốc hạ sốt nhưng bé xuất hiện đau đầu, buồn nôn, được gia đình đưa đến khám tại BV tỉnh.
Kết quả khám và các xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán mắc VNNB và chuyển lên BV Nhi T.Ư do bệnh diễn biến nhanh và nặng. Gia đình không nhớ rõ trẻ đã được tiêm đầy đủ hay chưa.

Nhận biết viêm não

Theo Th.S-BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư, VNNB thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống những viêm nhiễm khác. Tuy nhiên, cha mẹ cần theo dõi sát sao để có thể nhận biết dấu hiệu nghi ngờ như: khi sốt ở ngày thứ 2 - 3, triệu chứng viêm não/màng não biểu hiện rõ dần như: sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp.
“VNNB diễn tiến rất nhanh, có thể sau 3 ngày, thậm chí chỉ 1 ngày bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê, phải thở máy, có thể chỉ 1 - 2 ngày đã tử vong”, BS Đỗ Thiện Hải lưu ý.
Ngoài ra, còn có một điều đáng sợ đối với bệnh nhân mắc VNNB là những di chứng thần kinh về sau khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng học tập, lao động.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, VNNB có thể xảy ra quanh năm nhưng dịch thường xuất hiện vào các tháng mùa hè, đặc biệt tháng 5, 6, 7 vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Để chủ động phòng bệnh, cần giữ vệ sinh môi trường, nhà ở, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi; loại bỏ các ổ bọ gậy, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi.
Muỗi truyền bệnh sống ngoài môi trường, do đó cần bảo vệ trẻ tránh muỗi đốt khi đi du lịch, vui chơi, tránh xa chuồng trại gia súc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.