Cần Thơ: Người phụ nữ bị xương cá đâm thủng ruột

Đình Tuyển
Đình Tuyển
29/09/2020 17:10 GMT+7

Vào viện cấp cứu do đau bụng âm ỉ kéo dài nhiều ngày, người phụ nữ ở Kiên Giang không ngờ mình bị một chiếc xương cá đâm thủng ruột.

Chiều 29.9, bác sĩ chuyên khoa 2 (BS.CK2) Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp bệnh viện này vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị xương cá đâm thủng ruột.
Bệnh nhân là bà N.T.H (45 tuổi, ngụ H.Giồng Riềng, Kiên Giang) nhập viện trong tình trạng đau âm ỉ hạ vị kéo dài nhiều ngày, cơn đau ngày càng tăng.
Chụp CT Scanner bụng có cản quang ghi nhận hình ảnh dị vật dạng xương cá đâm xuyên qua thành quai ruột non vùng hố chậu trái.
Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật nội soi cấp cứu. Ê kíp phẫu thuật do BS.CK2 Trương Thanh Sơn, thạc sĩ - bác sĩ (Ths.BS) Lê Quang Huy (Khoa Ngoại Tổng hợp), BS.CK1 Lưu Tuyết Kiều (Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức) đã tiến hành bóc tách khối viêm ở thành bụng, hố chậu trái có khối viêm dầy kích thước 3x4 cm được mạc nối lớn bám.
Sau 1 giờ phẫu thuật, ê kíp đã lấy ra một dị vật là xương cá dài 3 cm, sau đó cắt khối viêm và mạc nối lớn làm giải phẫu bệnh. Tới chiều 29.9, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, bụng mềm.

Hình ảnh dị vật xương cá đâm thủng ruột non bệnh nhân

Ảnh: Đình Tuyển

Đáng chú ý theo thống kê từ đầu năm đến nay, tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã có 15 trường hợp phẫu thuật thủng ruột do xương cá.
Theo y văn, phần lớn dị vật đi qua đường tiêu hóa ra ngoài một cách an toàn trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, khoảng 1% các dị vật sắc nhọn như kim, lưỡi lam, tăm xỉa răng, xương gà, xương thỏ và xương cá có thể xuyên qua thành ruột và gây viêm phúc mạc. Xương cá chiếm 46% trong số những nguyên nhân gây thủng ruột non.
Theo BS.CK2 Bồ Kim Phương, Trưởng Khoa Nội Tiêu hóa - Huyết học lâm sàng, khi ăn những thực phẩm có nhiều xương như cá, gà, vịt… phải thật cẩn thận. Vì các loại xương này là dị vật có thể mắc ở bất kỳ vị trí nào trên ống tiêu hóa (từ thực quản đến hậu môn) gây ra những biến chứng rất nguy hiểm.
“Nếu bệnh nhân vô tình nuốt phải xương cá thì nên đưa thẳng vào bệnh viện để được can thiệp. Bệnh nhân không nên sử dụng những phương pháp dân gian như nuốt một miếng cơm có kích thước lớn, uống nhiều nước, vuốt xuôi chiều họng, không tự ý móc bỏ xương mà cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí sớm, tránh trường hợp dị vật đâm thủng thành ống tiêu hóa, thủng ruột gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng”, BS Phương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.