Cô gái bị vỡ gan, đa chấn thương nguy kịch do tai nạn giao thông

Đình Tuyển
Đình Tuyển
25/02/2021 20:23 GMT+7

Cô gái 19 tuổi bị vỡ gan phức tạp, gãy xương đùi, đa chấn thương nguy kịch sau tai nạn giao thông đã được các bác sĩ Cần Thơ cứu sống kịp thời bằng phương pháp can thiệp nút mạch, cầm máu gan bị vỡ.

Chiều 25.2, bác sĩ chuyên khoa 2 (BS.CK2) Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết một nữ bệnh nhân 19 tuổi bị tai nạn giao thông vỡ gan phức tạp, đa chấn thương nặng, sốc mất máu nguy kịch, vừa được các bác sĩ bệnh viện này cứu sống sau nút mạch cầm máu gan, giúp bệnh nhân tránh cuộc mổ lớn.

Cứu sống cô gái 19 tuổi vỡ gan nguy kịch sau tai nạn giao thông

Trước đó, chiều ngày mùng 7 Tết (18.2), bệnh nhân nữ là T.A.T (19 tuổi, ngụ H.Kế Sách, Sóc Trăng) lên Cần Thơ chúc Tết người thân. Khi đi đến quận Cái Răng (TP.Cần Thơ) thì xảy ra tai nạn giao thông với một ô tô con.
Va chạm khiến cả hai mẹ con bị thương, riêng cô gái rơi vào tình trạng nguy kịch, đe dọa tính mạng. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển vào bệnh viện gần đó và chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Kết quả  chụp CT Scan bụng có cản quang cho thấy bệnh nhân bị sốc mất máu nặng, vỡ gan phức tạp

Ảnh: Đình Tuyển

Kết quả khám và CT Scan bụng có cản quang cho thấy bệnh nhân bị sốc mất máu nặng, vỡ gan phức tạp, gãy xương đùi, đa chấn thương,… Ngay sau đó, bệnh nhân được hồi sức tích cực; đồng thời có chỉ định can thiệp chụp và nút mạch cấp cứu cầm máu gan bị vỡ. Đây là kỹ thuật nhằm giúp bệnh nhân tránh phải mổ hở nặng nề.
Sau khi bơm thuốc cản quang, xác định được vị trí chảy máu trong gan, ê kíp BS.CK2 Bùi Phi Hùng (Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) đã luồn một ống thông siêu nhỏ đường kính khoảng 1 mm vào các nhánh động mạch cung cấp máu cho vùng gan bị vỡ, bơm keo làm tắc chỗ vỡ, giúp cầm máu.
Sau 45 phút thực hiện, ca can thiệp đã thành công, giúp cầm máu nhanh chóng cho bệnh nhân. Sinh tồn và toàn trạng bệnh nhân cải thiện tốt dần.

Tình trạng vỡ gan của bệnh nhân đã được xử lý bằng can thiệp nút mạch cầm máu nhờ đó bệnh nhân tránh được cuộc mổ lớn

Ảnh: Đình Tuyển

“Với trường hợp bệnh nhân này nếu ở những tuyến bệnh viện chưa triển khai được can thiệp nút mạch thì phải phẫu thuật. Đây là phẫu thuật lớn và sau phẫu thuật sẽ có những rủi ro rất lớn. Thứ hai là bệnh nhân phải chịu một vết mổ rất dài. Còn khi can thiệp nội mạch thì bệnh nhân sẽ tránh được cuộc phẫu thuật cũng như những rủi ro do phẫu thuật gây ra”, BS Hùng nói.
Do tránh được cuộc mổ lớn nên hiện tại, sức khoẻ bệnh nhân đã tiến triển nhanh, mạch, huyết áp ổn định, tình trạng chảy máu đã không còn, bụng mềm, đã ăn uống được, các xét nghiệm gần trở về bình thường. Theo các bác sĩ, khi tổn thương gan của bệnh nhân ổn định, cô sẽ tiếp tục được phẫu thuật xử lý tổn thương gãy xương đùi.

Do tránh được cuộc mổ lớn nên hiện tại, sức khoẻ bệnh nhân đã tiến triển nhanh, khi tổn thương gan của bệnh nhân ổn định, cô sẽ tiếp tục được phẫu thuật xử lý tổn thương gãy xương đùi

Ảnh: Đình Tuyển

Nói thêm về phương pháp can thiệp mạch, BS.CK2 Phạm Thanh Phong cho biết, thường khi bị tổn thương động mạch hoặc các tạng như gan, thận, lách… do tai nạn giao thông, tai nạn trong lao động, sinh hoạt, bệnh nhân sẽ gặp phải nguy cơ mất máu, kéo theo một loạt các biến chứng nghiêm trọng như rối loạn hoạt động các chức năng sống của cơ thể, rối loạn đông máu, suy phủ tạng và dẫn đến tử vong.
Thông thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định mổ cấp cứu để xử lý các tổn thương. Tuy nhiên, với phương pháp nút mạch cầm máu (không phải gây mê), bệnh nhân sẽ không phải trải qua những cuộc đại phẫu nặng nề kéo dài hàng giờ, tiềm ẩn biến chứng trong và sau phẫu thuật nguy hiểm như sốc mất máu, nhiễm trùng vết mổ,... Thời gian thủ thuật ngắn, cầm máu được tức thì, hạn chế tối đa xâm lấn giúp tổn thương ở gan mau hồi phục để bệnh nhân nhanh chóng được xử lý những tổn thương khác. Đây là phương pháp can thiệp xâm lấn tối thiểu, điều trị tối đa được ứng dụng sâu rộng trên thế giới và một số Bệnh viện tuyến Trung ương.
Cũng theo BS Phong, với hai hệ thống máy chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA), mấy năm gần đây, bệnh viện đã triển khai hoạt động cấp cứu 24/7; rất nhiều bệnh nhân nguy kịch, vỡ gan, sốc mất máu do “ho ra máu sét đánh, u gan vỡ, chảy máu mũi, chấn thương thận, chảy máu tiêu hóa,… đã thoát “cửa tử” nhờ phương pháp nút mạch cấp cứu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.