Con bạn có dậy thì sớm không?

An Dy
An Dy
21/03/2021 04:40 GMT+7

Bé gái sẽ dậy thì ở tầm 8 - 13 tuổi và bé trai tầm 9 - 14 tuổi. Trẻ dậy thì sớm nghĩa là trước 8 tuổi đối với bé gái và trước 9 tuổi đối với bé trai.

7 tuổi đã có kinh nguyệt

Bé N.H.T.A (7 tuổi, ở Đà Nẵng) đã có các dấu hiệu dậy thì sớm khi mới vào lớp 2: bé cao lớn, phổng phao, phần ngực phát triển... Nhận thấy sự phát triển sớm, mẹ bé A. đã đưa con đi khám để có những tư vấn, can thiệp phù hợp cho sự phát triển của bé.
Th.S-BS Hoàng Nguyễn Thanh Thủy, Phó giám đốc Trung tâm sàng lọc sơ sinh - Bệnh viện (BV) Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, cho biết đã thăm khám rất nhiều trường hợp trẻ dậy thì sớm, có trường hợp xuất hiện kinh nguyệt lúc 7 - 8 tuổi. Theo BS Thủy, đây là những trường hợp dậy thì sớm vô căn, tức là nguyên nhân không rõ ràng. Có những trẻ tầm 6 tuổi đã được bố mẹ phát hiện dấu hiệu bất thường và đưa đến khám. Nhưng vẫn còn nhiều bé đến khám khi đã muộn, tức là ở giai đoạn đã xuất hiện dấu hiệu của kinh nguyệt.
“Khi đó bé lớn quá, phổng phao quá thì các bước can thiệp sẽ không hiệu quả... Tại BV, chúng tôi đã tiếp nhận trẻ 7 tuổi 10 tháng có kinh nguyệt. Cháu còn quá nhỏ, chưa ý thức được sự phát triển của mình, lại phải đối mặt với những vấn đề tâm sinh lý quá sớm”, BS Thủy chia sẻ.

Nhận biết các giai đoạn của dậy thì sớm

Theo BS Thủy, ở giai đoạn 1 của dậy thì sớm, các bé gái dễ phát hiện hơn. Đó là khi tuyến vú phát triển nhẹ, phát triển mô vú…; là giai đoạn có thể can thiệp hiệu quả nhất. Đến giai đoạn 2 thì vú lớn rõ hơn, có mô mỡ dưới vú, các vùng lông đậm màu hơn, ra dịch ở vùng kín. Bé trai khi dậy thì sớm thì hai tinh hoàn tăng kích thước, nhưng đa số dấu hiệu này khó nhận biết. Dấu hiệu trung gian là bộ phận sinh dục phổng phao hơn, sậm màu hơn hay còn gọi là dấu hiệu tăng sắc tố, có thể giọng trầm đi, da mặt có dấu hiệu nổi mụn, hay có mùi lạ ở cơ thể... tức là đã tiến vào giai đoạn sâu hơn của quá trình dậy thì. Và giai đoạn này không lý tưởng cho các bước can thiệp.
Giai đoạn 3 của quá trình dậy thì sớm là khi bé gái có kinh, bé trai xuất tinh thì không can thiệp được nữa. Đặc biệt, dậy thì sớm ở bé trai còn tiềm ẩn nguy cơ bệnh lý ác tính về thần kinh trung ương như u, nang.
“Đưa con đến khám ở giai đoạn 1 là lý tưởng, có thể can thiệp trì hoãn quá trình dậy thì, đạt chiều cao, tâm sinh lý lý tưởng. Nếu đi khám trễ ở giai đoạn 2 thì chỉ đạt trì hoãn kinh nguyệt, không thể cải thiện chiều cao cuối cùng của bé. Khám trễ hơn nữa ở giai đoạn 3, giai đoạn sắp có kinh hay xuất tinh thì can thiệp không nhất thiết phải dùng thuốc nữa, mà giáo dục tâm lý cho bé nhiều hơn”, BS Thủy nói.
Tại BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, nhiều bé phát hiện trễ, nhưng vẫn còn can thiệp được thì có thể dùng thuốc. Lợi ích của thuốc là trì hoãn kinh nguyệt nhưng không thể cải thiện chiều cao, bé cũng mất thời gian nhập viện hằng tháng. Việc đưa một lượng thuốc vào cơ thể bé cũng cần có sự đồng hành từ phía bố mẹ.
BS Thủy cho biết, các can thiệp tùy theo từng tình trạng của trẻ sẽ giúp trì hoãn thời gian xuất hiện kinh nguyệt, làm chậm lại quá trình có nang trứng, làm chậm việc tử cung phát triển và sẵn sàng cho việc rụng trứng, mang thai; đồng thời làm chậm lại quá trình trưởng thành của bé, có thời gian để giáo dục giới tính cho bé.

Lưu ý yếu tố dinh dưỡng và môi trường sống

Nguyên nhân dậy thì sớm đối với bé trai thường là tổn thương thực thể, tổn thương thần kinh trung ương hoặc bệnh lý nền. Với bé gái thì nguyên nhân phần nhiều là môi trường sống, thực phẩm.
Theo các khuyến cáo khoa học, bố mẹ nên hạn chế sử dụng đồ nhựa để đựng thực phẩm nóng, có dầu mỡ... tạo ra những chất kích thích dậy thì sớm, kích thích tế bào ung thư.
Ngoài ra, một số tác nhân khác cũng được lưu ý như thực phẩm, sản phẩm dinh dưỡng có dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản, kích thích tăng trưởng, tăng trọng.
Một nguyên nhân là từ phim ảnh, giải trí, thế giới mạng cũng tác động một phần đến tâm sinh lý, kích thích ở trẻ, có xu thế phát triển cảm xúc, tình cảm sớm... Đó đều là những yếu tố nguy cơ không rõ ràng nhưng có tác động phần nào đến trẻ dậy thì sớm.
Một nguy cơ khác đáng lưu ý, trẻ dậy thì sớm cần được đưa đi khám để xác định nguyên nhân, phát hiện các bất thường của cơ thể về u, nang để can thiệp kịp thời. Bé gái dậy thì sớm cần được sàng lọc những bất thường của hormone sinh dục, tiềm ẩn nguy cơ ung thư vú, ung thư dạ con, ung thư buồng trứng. Dậy thì sớm có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản ở cả bé trai lẫn bé gái nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.

Dậy thì sớm ảnh hưởng tiêu cực đến chiều cao

Theo các chuyên gia, khi trẻ dậy thì sớm, bên cạnh việc trẻ chưa đủ nhận thức về tâm sinh lý, còn có nguy cơ xương hóa cốt sớm, đầu xương đóng khép sớm, rút ngắn thời kỳ sinh trưởng, khiến cho chiều cao của trẻ không tăng được nữa ở độ tuổi phát triển.
Kế đến là về mặt xã hội, trẻ bị ảnh hưởng về tâm sinh lý, dẫn đến những hành động ham muốn về sinh lý trước tuổi, trẻ chưa đủ nhận biết và thích nghi với sự thay đổi quá nhanh của cơ thể, dẫn đến các hoạt động sinh lý, tình dục và có thai ngoài ý muốn, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.