Cứu sống bệnh nhân bị cướp vào nhà ban đêm đâm thủng tim, gan

Duy Tính
Duy Tính
14/12/2018 05:04 GMT+7

Bệnh nhân bị đâm một vết thương dài khoảng 2 cm ở ngay giữa mũi ức và 1 vết thương dài khoảng 2,5 cm ở ngực trái; mất 3,4 lít máu.

Bệnh viện đa khoa Xuyên Á TP.HCM cho biết các bác sĩ vừa phẫu thuật cứu sống nhân N.T.A (35 tuổi, ngụ Long An) bị cướp tấn công nhà trong đêm và bị đâm thấu ngực, sốc mất máu nặng đe dọa nguy hiểm tính mạng.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân lúc nhập viện trong tình trạng có 1 vết thương đâm sắc gọn dài khoảng 2 cm ở ngay giữa mũi ức và 1 vết thương dài khoảng 2,5 cm ở ngực trái. Da và niêm mạc bệnh nhân trắng nhợt, lơ mơ, mạch khó bắt, huyết áp không đo được.
Các bác sĩ xác định ngay đây là vết thương thấu ngực sốc mất máu nặng, khả năng thủng tim rất cao, có thể kèm tổn thương ở ổ bụng, nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh nhân được đưa ngay vào phòng mổ với ê kíp phẫu thuật viên tim mạch - lồng ngực và phẫu thuật viên ngoại tổng quát.
Bệnh nhân vừa được hồi sức tích cực bằng việc truyền bù máu, dịch, thuốc vận mạch, vừa mở ngực dọc giữa xương ức cấp cứu.
Kết quả mở ngực cho thấy tim bệnh nhân bị chèn ép cấp do tràn máu màng tim lượng nhiều. Khi mở màng ngoài tim, phát hiện vết thương tim thủng thất phải dài khoảng 2,5 cm nằm cách mỏm tim khoảng 3 cm, cắt đứt một nhánh bờ phải của động mạch vành phải và trong tình trạng đang phun máu ồ ạt gây ngập máu vùng phẫu thuật. Các bác sĩ vừa dùng tay bịt vết thương cầm máu tạm thời, vừa khâu lại vết thương tim.
Tiếp tục kiểm tra nhanh các tổn thương, các bác sĩ phát hiện cơ hoành thủng dài 3 cm, máu từ ổ bụng tràn lên.
Các bác sĩ tiếp tục mổ kéo dài xuống bụng, kiểm tra thấy vết đâm thủng cơ hoành gây đứt 1 tĩnh mạch trên gan đang chảy máu, đâm xuyên ra sau làm thủng thùy I của gan. Các bác sĩ tiến hành khâu các vết thương cầm máu
Trong quá trình mổ cấp cứu, lượng máu mất ở trong ngực - bụng lấy ra đến 3,4 lít, bệnh nhân được hồi sức tích cực, được bù trong mổ gồm: 11 khối hồng cầu, 2 khối tiểu cầu, 7 đơn vị huyết thanh tươi, 2 đơn vị yếu tố VIII.
Ngay sau khi cầm máu, tim bệnh nhân co bóp, huyết động tạm ổn với hỗ trợ thuốc vận mạch. Tuy nhiên, bệnh nhân xuất hiện rối loạn đông máu nặng và suy chức năng gan ngay sau mổ. Bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi sát và điều trị tích cực.
Theo các bác sĩ, vết thương tim là một thách thức lớn trong cấp cứu ngoại khoa tim mạch - lồng ngực, nguy cơ gây tử vong rất cao. Có khoảng 80-90% các trường hợp vết thương tim không đến kịp bệnh viện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.