Đã nhận diện được vi rút gây bệnh viêm phổi 'lạ'

Liên Châu
Liên Châu
11/01/2020 05:59 GMT+7

Tại thời điểm này, viêm phổi “lạ” đang là mối bận tâm lớn của cơ quan y tế và cộng đồng. Vi rút gây bệnh đã bước đầu được 'nhận diện'.

Theo công bố mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chính quyền Trung Quốc vừa xác định được chủng vi rút mới gây viêm phổi cấp thuộc họ coronavirus từ một bệnh nhân viêm phổi cấp nhập viện tại TP.Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Coronavirus là một họ lớn của vi rút có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng như các trường hợp cảm lạnh thông thường hoặc các trường hợp bệnh MERS và SARS. Một số chủng có thể lây truyền dễ dàng từ người sang người, trong khi một số chủng khác thì không. Theo chính quyền Trung Quốc, vi rút ở trường hợp này tại TP.Vũ Hán có thể gây bệnh nặng ở một số bệnh nhân nhưng hiện chưa dễ dàng lây truyền từ người sang người.

Cần tìm nguồn lây

Theo đánh giá của WHO, trong thời gian tới, thông tin về bệnh dịch viêm phổi trên cần được xác định một cách toàn diện về dịch tễ học và bệnh cảnh lâm sàng. Các cuộc điều tra tiếp tục được thực hiện để xác định nguồn lây, đường lây truyền và các biện pháp phòng chống.
WHO đánh giá, việc xác định nguyên nhân ban đầu về chủng vi rút mới sẽ giúp các quốc gia khác trong việc chuẩn bị, phát hiện và đáp ứng với sự kiện. Hiện tại không khuyến cáo bất kỳ hình thức nào nhằm hạn chế việc đi lại, thương mại đến các khu vực tại Trung Quốc.
Vừa qua, WHO đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế Trung Quốc trong việc điều tra các trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân tại TP.Vũ Hán. Các xét nghiệm đã loại trừ các nguyên nhân gây bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân xuất hiện trong tháng 12.2019 tại TP.Vũ Hán như SARS, MERS-CoV, cúm mùa, cúm A, adenovirus và một số tác nhân gây bệnh viêm phổi thông thường khác.

Triệu chứng và phương thức lây truyền

Theo GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, qua thực tế giám sát dịch tễ, người bệnh viêm đường hô hấp cấp thường có những biểu hiện lâm sàng giống nhau, rất khó để chẩn đoán phân biệt cho từng tác nhân trên lâm sàng (biểu hiện bệnh).
Triệu chứng thường gặp là: sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau người, mệt mỏi, chán ăn. Tùy theo mức độ tổn thương ở đường hô hấp mà có thêm: hắt hơi, chảy nước mũi, ho, đau họng, khó thở… Các triệu chứng thường kéo dài khoảng 2 - 5 ngày nếu không có biến chứng. Ở trẻ nhỏ, nếu có bội nhiễm vi khuẩn có thể dẫn đến viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản phổi.
Đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết, ngay khi nhận được thông tin về việc xảy ra các trường hợp viêm phối cấp chưa rõ nguyên nhân tại Trung Quốc, Bộ Y tế VN đã chủ động triển khai các biện pháp giám sát, phòng chống nhằm ngăn ngừa bệnh dịch xâm nhập. Trong nước hiện chưa ghi nhận trường hợp viêm phổi cấp do vi rút corona mới được phát hiện.
Tác nhân gây bệnh gồm nhiều loại vi rút gây nên, có thể kể đến một số tác nhân thường gặp như vi rút cúm; vi rút hợp bào hô hấp (RSV); vi rút Adeno; vi rút Rhino; vi rút Corona.
Phương thức lây truyền của các vi rút này là qua đường hô hấp, chủ yếu do hít phải các dịch tiết đường hô hấp, nước bọt của người bệnh bắn ra do ho, hắt hơi, nói chuyện.
Những giọt nước bọt nhỏ có thể khuếch tán rộng trong không khí và lây bệnh trong môi trường khép kín, tiếp xúc gần. Ngoài ra, bệnh có thể lây nhiễm gián tiếp qua bàn tay, đồ dùng bị nhiễm tác nhân gây bệnh.
Theo kinh nghiệm của các bác sĩ điều trị bệnh truyền nhiễm, trên những bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp tính do vi rút, khám lâm sàng có thể phát hiện thấy các mức độ tổn thương đường hô hấp như: viêm mũi, viêm họng, viêm thanh quản, viêm thanh - khí quản, viêm phế quản, viêm phế quản - phế nang, viêm phổi ở các mức độ từ vừa đến nặng. Đáng lưu ý, nếu vi rút có độc lực mạnh (từng gặp trên bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm H5N1), có thể khiến người bệnh suy hô hấp nhanh chóng phải thở máy, thậm chí gây tử vong do suy đa tạng.

Cách phòng chống viêm phổi do vi rút

TS Đặng Quang Tấn, Phó cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết hiện tại việc phòng chống dịch viêm phổi do vi rút nói chung vẫn cần thực hiện nghiêm ngặt như sau: đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng; khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị; nên tiêm phòng với những bệnh do vi rút đã có vắc xin như cúm.
Theo chuyên gia dịch tễ, viêm phổi, viêm đường hô hấp cấp do vi rút thường gây bệnh cảnh nặng do vi rút tấn công đường hô hấp, trong đó gây tổn thương phổi khiến các vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến tình trạng viêm phổi nặng, diễn biến cấp tính. Đặc biệt, thời tiết ẩm, lạnh, diễn biến thất thường như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển mạnh. Cùng với việc cơ thể giảm sức chống đỡ do bị vi rút tấn công, nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn gia tăng khiến cho bệnh có thể trầm trọng.
Khác với vi khuẩn bị tiêu diệt bởi kháng sinh, vi rút hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó việc điều trị viêm phổi do vi rút thường khó khăn hơn, chủ yếu kiểm soát triệu chứng và phụ thuộc vào sức chống đỡ của mỗi người. Dễ gặp các ca bệnh nặng trên người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh mãn tính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.