Dấu hiệu nào để nhận biết con trẻ bị ung thư mắt?

29/12/2017 08:30 GMT+7

Khi nhìn thấy con trẻ có một vệt trắng ở mắt (đồng tử) hoặc lé thì phải đưa đi khám ngay. Đó có thể là dấu hiệu của một bệnh mắt trầm trọng là ung thư võng mạc.

Bác sĩ Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết năm 2014, bệnh viện tiếp nhận 66 ca ung thư nguyên bào võng mạc (UTNBVM, một loại ung thư mắt); năm 2015 là 64 ca và năm 2016 là 71 ca. Trong đó, ung thư cả hai mắt chiếm đến 40%.
Theo bác sĩ Phan Thị Anh Thư (Khoa Mắt nhi, Bệnh viện Mắt TP.HCM), UTNBVM là bệnh lý ác tính gặp ở trẻ em, với 90% gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Cứ 18.000 trẻ sinh ra thì có một trẻ mắc bệnh.
"Biểu hiện thường gặp của UTNBVM là đồng tử trắng (chiếm 60-80% các ca) và lé mắt (chiếm 20%). Ngoài ra, còn có mủ trong mắt, tăng nhãn áp… Nguyên nhân gây nên UTNBVM là do yếu tố di truyền (chiếm 15%), đột biến gien và ung thư thứ phát.
Đa số bệnh nhi đến các bệnh viện mắt khi bệnh đã nặng, các bác sĩ chỉ còn biện pháp duy nhất là cắt bỏ nhãn cầu. Những ca nặng hơn còn nạo vét hốc mắt, kèm xạ trị, hóa trị. Tuy nhiên, nếu không điều trị tốt thì ung thư sẽ di căn vào não, hốc mắt, tủy, máu…
Bác sĩ Thư khuyến cáo, bệnh UTNBVM nếu phát hiện bệnh sớm thì tỉ lệ sống sót rất cao, 90% có thể bảo tồn nhãn cầu và hơn nữa có thể bão tồn thị lực còn lại. Điều trị mục tiêu là tăng tỉ lệ sống, bảo tồn nhãn cầu, thị lực và thẩm mỹ, đảm bảo chất lượng sống cho bệnh nhi.
Hiện nay, mỗi năm ở các nước đang phát triển có 175.000 ca UTNBVM mới. Các nước khu vực châu Phi tỉ lệ tử vong do bệnh này lên đến 70%; các nước châu Âu, Nhật, Bắc Mỹ từ 3-5%; các nước châu Á là 39%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.