Điều gì xảy ra khi ăn phải bún 'tái chế' bằng 3 loại hóa chất này?

Duy Tính
Duy Tính
14/01/2019 13:39 GMT+7

Nếu khi ăn bún vào, cơ thể có cảm giác đầy hơi, đau bụng, buồn nôn… thì có khả năng bún bị bỏ nhiều loại hóa chất với hàm lượng lớn.

Tuần qua, các cơ quan chức năng đã kiểm tra các cơ sở sản xuất bún tươi tại Q.Bình Tân (TP.HCM) và phát hiện hàng trăm kg bún được làm rất mất vệ sinh.
Điều đáng lo là những loại bún cũ, hết hạn dùng được pha trộn với bột và hóa chất với hàm lượng rất lớn để làm thành bún mới đưa ra thị trường tiêu thụ. Các loại hóa chất được bỏ vào để biến bún cũ thành bún mới gồm: sodium benzoate; navigel; natrogen...
Chuyên gia hóa học Nguyễn Đình Độ phân tích: Sodium benzoate (hay natri benzoate), có công thức C7H5O2Na, kí hiệu là chất E211, là muối natri của acid benzoic. Sodium benzoate có màu trắng, ở dạng bột hoặc dạng hạt tinh thể, dễ tan trong nước. Do sodium benzoate có khả năng ức chế sự phát triển của nấm mốc và các loại vi khuẩn nên được dùng làm chất bảo quản trong thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm... và do vậy thời hạn sử dụng sản phẩm được tăng lên đến một mức độ đáng kể.
Theo ông Nguyễn Đình Độ, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã chỉ định mức độ an toàn đối với sodium benzoate là tối đa 0,1% trong thực phẩm và lượng tiêu thụ hằng ngày chấp nhận được cho người là tối đa 5mg/kg thể trọng.
Tuy nhiên cũng đã có những trường hợp nổi mề đay, hen suyễn, viêm mũi hoặc sốc phản vệ đã được báo cáo sau khi tiếp xúc bằng miệng, da hoặc hít phải sodium benzoate. Các triệu chứng xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc và biến mất trong vòng vài giờ, ngay cả khi dùng liều thấp.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng sodium benzoate làm tăng sự kích động thái quá ở trẻ em. Đặc biệt sodium benzoate thường hiện diện chung với acid ascorbic (vitamin C) trong một số loại nước giải khát. Hai hợp chất này an toàn trong điều kiện bình thường, nhưng khi tiếp xúc với nhiệt quá mức hoặc trong điều kiện có chiếu sáng, chúng có thể tương tác để tạo thành benzen là một chất đã được biết là gây ung thư.
Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để đánh giá sự nhiễm độc gien của sodium benzoate trong tế bào người được nuôi cấy đã phát hiện ra rằng sodium benzoate làm tăng đáng kể thiệt hại đối với DNA (gây ra đột biến tế bào và ung thư) khi được thêm vào tế bào ở các nồng độ khác nhau.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Độ, navigel là một hỗn hợp gồm các chất E471; E466 và E415. Navigel giúp sợi bún, phở có độ dai, không bị bết dính và làm bề mặt sợi bún, phở có độ bóng, luôn khô ráo, từ đó hấp dẫn người tiêu dùng. Tuy được quảng cáo là an toàn nhưng chất E466 (carboxymethylcellulose-CMC) được cho là gây ra phản ứng dị ứng, đầy hơi, tiêu chảy và chuột rút; chất E415 được xem gây buồn nôn, đau đầu, kích ứng mũi, họng khi tiếp xúc một thời gian dài.
Chất natrogen là một hỗn hợp gồm các chất E262i; E281 và E316. Natrogen có tác dụng chống mốc, chống lên men thực phẩm, giữ sợi bún, phở luôn khô ráo, không đổ nhớt. Nếu các chất E262i và E281 có tác dụng chống nấm mốc, vi khuẩn thì E316 là chất chống ô xy hóa nên có tác dụng bảo quản thực phẩm không bị hư hỏng do bị ô xy hóa.
Tuy cũng được xem là an toàn, nhưng E281 có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, đau bụng; E316 được xem cũng gây ra chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, ngoài ra còn làm tăng nguy cơ sỏi thận, theo ông Nguyễn Đình Độ.
Đặc biệt, một số nhà sản xuất thực phẩm không có lương tâm còn “làm mới” các thực phẩm đã hư hỏng sau công đoạn “tái chế” chúng bằng khuấy trộn các nguyên vật liệu mới với một tỉ lệ nhất định các sản phẩm ôi thiu rồi pha thêm các chất chống ô xy hóa và các chất bảo quản như đã nói ở trên vào nhằm hạ giá thành sản phẩm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.