Điều kỳ diệu của những ca mổ tim không phải cưa xương ức, mở lồng ngực

09/09/2017 09:01 GMT+7

Nghe đến chữ ‘phẫu thuật tim’, nhiều người e ngại vì đó là ‘cuộc đại phẫu’. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều ca mổ tim trong nước, không cần phải cưa, chẻ xương ức, mở ngực; chỉ nội soi với vết mổ nhỏ và hai ngày bình phục.

Vượt qua nỗi ám ảnh mổ tim
“Khi nghe đến hai từ phẫu thuật, tui sợ lắm. Trái tim của con người là cái quý giá nhất, phẫu thuật lỡ có gì là chết luôn nên tui không dám”, bà Lê Thị Hồng (67 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM) chia sẻ.
Trước khi nhập viện một năm, bà bỗng dưng cảm thấy khó thở, tức ngực, ho nhiều. Các bác sĩ chẩn đoán bà bị hở 3/4 van tim ba lá và được cho toa mua thuốc về nhà uống. Tuy nhiên, một thời gian sau, tình trạng khó thở của bà ngày càng trầm trọng, nhiều đêm không nằm được, phải ngồi thở dốc. Vì vậy, bà đã được chỉ định phẫu thuật tim.
Nghe đến chữ “phẫu thuật tim” bà chỉ muốn quay về. Được các bác sĩ đã giải thích cần phẫu thuật và hiện giờ mổ tim có thể mổ nội soi, chứ không phải cuộc “đại phẫu” cưa, cắt mở xương ức nữa, bà Hồng mới chịu lên bàn mổ.
Ca phẫu thuật diễn ra nhẹ nhàng, thành công. Chỉ hai ngày sau khi mổ tim, bà đã được xuất viện. Sau một tháng phẫu thuật bệnh nhân cảm thấy sức khỏe của mình rất tốt, ăn uống và đi lại bình thường. Đó là điều trước kia bà không nghĩ tới.
Vài ngày sau, bà xuất viện với nụ cười tươi, cùng câu nói ấm lòng các y bác sĩ: “Nói thật, nếu không thực hiện phẫu thuật nội soi mà phải phẫu thuật hở thì tui không dám mổ vì tui đã lớn tuổi, sức khỏe không còn đảm bảo nữa. Chân thành cảm ơn ê kíp bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Phẫu thuật tim mạch đã cứu sống tôi, còn người là còn tất cả”.

tin liên quan

Phẫu thuật tim cứu sống thai nhi ngay trong bụng mẹ
Qua thăm khám trong thai kỳ, các bác sĩ phát hiện em bé có dị tật tim và không thể chờ được phẫu thuật sau khi ra đời. Một ca mổ tim cho thai nhi đã được thực hiện ngay trong bụng mẹ.
Bệnh nhân N.V.T. (49 tuổi, ngụ Tiền Giang) bị “lỗi” van động mạch chủ và bệnh van hai lá nặng hậu thấp. Anh được bác sĩ theo dõi và điều trị thuốc. Khi bệnh diễn tiến nặng hơn, người bệnh khó thở khi gắng sức, công việc bị ảnh hưởng. Vì vậy, bác sĩ phải chỉ định phẫu thuật tim cho bệnh nhân.
Anh T. chia sẻ về quá trình điều trị bệnh của mình: “Khi đó, bác sĩ tư vấn là phẫu thuật tim nội soi điều trị bệnh van hai lá đã được thực hiện an toàn tại Bệnh viện ĐH Y Dược. Tuy nhiên phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý van hai lá kèm với van động mạch chủ (hai van) như bệnh tình của tôi thực hiện khó hơn, khả năng phải chuyển mổ hở cao hơn. Sau suy nghĩ kỹ, tôi vẫn quyết tâm được thử cơ hội mổ nội soi, chấp nhận khả năng phải chuyển mổ hở khi gặp khó khăn, tức sẽ mang trên mình hai sẹo mổ”.
Thế nhưng, kết quả, ca mổ nội soi đã diễn ra thành công. Người bệnh hồi phục tốt sau mổ, xuất viện với một vết sẹo mổ nhỏ ở ngực bên phải.
Anh T. được ghi nhận là người đầu tiên tại Việt Nam được mổ nội soi thay hai van.
Mổ tim không còn cần cưa, chẻ xương ức
"Mổ tim hở phải cưa hết xương ức của bệnh nhân làm đôi để mở lồng ngực. Với kỹ thuật mổ tim nội soi thì chỉ cần mổ một đường bên, không phải cưa đôi hết xương ức của bệnh nhân", Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Phạm Thọ Tuấn Anh, Cố vấn Ban giám đốc, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, cho biết.
200 trường hợp phẫu thuật tim nội soi đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM Nguyên Mi
Theo bác sĩ Tuấn Anh, việc cưa, chẻ xương ức để mở ngực bệnh nhân, có ưu điểm dễ dàng bộc lộ tim, tiếp cận đến các cấu trúc bên trong như van tim, các thành tim để sửa chữa những khiếm khuyết, bệnh lý mà người bệnh mắc phải. Tuy nhiên, đường mở ngực giữa xương ức có nhược điểm là vết mổ lớn, đau nhiều, mất máu nhiều hơn, biến chứng cao hơn. Đặc biệt, mổ mở có biến chứng quan trọng là nhiễm trùng xương ức. Vì vậy, làm tăng thời gian nằm hồi sức và thở máy của bệnh nhân. Thời gian phục hồi lâu. Từ đó làm tăng thời gian nằm viện, tính thẩm mỹ chưa cao.
Theo Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện ĐH Y Dược, Giám đốc Trung tâm tim mạch, trong khoảng hai thập niên trở lại đây, nhờ những thành quả của khoa học, phẫu thuật tim nội soi đã ra đời và phát triển mạnh mẽ. Số lượng trung tâm áp dụng kĩ thuật này cũng như tỉ lệ người bệnh được mổ nội soi so với mổ hở không ngừng tăng cao, trong đó có Việt Nam.
Theo ghi nhận của Bệnh viện ĐH Y Dược, kỹ thuật mổ nội soi và ít xâm lấn tim mạch đã được ứng dụng tại bệnh viện này với 200 trường hợp phẫu thuật thành công, tỉ lệ tử vong rất thấp (dưới 1%), tỉ lệ tai biến và biến chứng thấp (dưới 5%).
Hiện kỹ thuật mổ tim nội soi đang được Bệnh viện ĐH Y Dược đào tạo, chuyển giao cho các bệnh viện khác.
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hoàng Định, Phó giám đốc Trung tâm tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện ĐH Y Dược, cho biết: Hiện phẫu thuật tim nội soi và ít xâm lấn có thể điều trị được hầu hết các mặt bệnh tim mạch mà phẫu thuật tim hở thực hiện được. Trong đó, nổi bật là phẫu thuật van tim (van hai lá, van động mạch chủ), phẫu thuật tim bẩm sinh (thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch), phẫu thuật điều trị hẹp động mạch vành…
“Phẫu thuật tim nội soi giúp giảm đau, giảm chảy máu, giảm truyền máu, giảm thời gian thở máy và nằm hồi sức, giảm thời gian nằm viện. Vì vậy, ca mổ với bệnh nhân nhẹ nhàng hơn. Người bệnh cũng nhanh chóng trở về với cuộc sống và sinh hoạt thường ngày sau phẫu thuật. Đồng thời, vết mổ có tính thẩm mỹ cao”, bác sĩ Định đánh giá.
Bệnh tim mạch tại Việt Nam hiện nay đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Qua tài liệu khảo sát nghiên cứu của Viện Tim mạch Việt Nam, năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp, năm 2009 tỷ lệ là 25,4% và đến năm 2016 thì đang ở con số báo động là 46%.
Các bác sĩ đánh giá nguyên nhân có thể do sự tăng nhanh của các bệnh lý chuyển hoá (rối loạn lipid máu, đái tháo đường); các thói quen xấu (hút thuốc lá, ít vận động và tập thể dục) và ý thức điều trị lâu dài chưa cao (đặc biệt trong điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường).
Bác sĩ Định khuyến cáo nhằm giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch, người dân nên ngưng thuốc lá; không uống rượu, bia và chất có cồn; giảm ăn béo, ăn ngọt; có chế độ vận động và tập thể dục hợp lý, lâu dài. Đặc biệt, bệnh nhân tim mạch cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định điều trị của bác sĩ, tái khám đúng hẹn nhằm khống chế tốt huyết áp và đường huyết, tránh các biến chứng tim mạch nguy hiểm của các bệnh lý này.

tin liên quan

Dùng keo sinh học điều trị suy giãn tĩnh mạch
Keo sinh học được bơm vào lòng tĩnh mạch của bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch. Đây là phương pháp điều trị mới, nhẹ nhàng, thêm nhiều cơ hội điều trị cho người bệnh, đặc biệt là trường hợp không thể phẫu thuật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.