Đột phá mới: Dùng sóng siêu âm chẩn đoán chính xác ung thư tuyến tiền liệt

Ngọc Quý
Ngọc Quý
25/04/2018 00:07 GMT+7

Các nhà khoa học Scotland vừa tạo ra đột phá mới trong nghiên cứu ung thư. Bằng công nghệ sóng siêu âm mới, họ có thể chẩn đoán chính xác ung thư tuyến tiền liệt mà không cần thực hiện bất kỳ thủ tục xâm lấn nào.

Các công nghệ xét nghiệm hiện tại khó phát hiện ra mô ung thư tuyến tiền liệt. Thế nhưng, công nghệ mới sử dụng sóng siêu âm của các nhà khoa học Scotland lại dễ dàng phát hiện hơn rất nhiều. Nó được đánh giá là phương pháp chẩn đoán ít xâm lấn, chính xác hơn và rẻ hơn nhiều, theo Daily Mail.
Công nghệ mới đã được các nhà khoa học Scotland tiến hành thử nghiệm trên 200 bệnh nhân. “Chúng tôi cảm thấy có sự khác biệt rõ rệt giữa công nghệ mới của chúng tôi với những công nghệ hiện có như chụp cộng hưởng từ MRI”, Daily Mail dẫn lời giáo sư Ghulam Nabi, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Dundee ở Scotland, thuộc Vương quốc Anh.
Công nghệ chẩn đoán ung thư bằng sóng siêu âm có thể phát hiện được bệnh mà chụp cộng hưởng từ không thể phát hiện. “Hiện giờ, chúng ta có thể phát hiện chính xác hơn mô ung thư, xác định nó ở đâu và mức độ điều trị cần thiết. Đây là một bước tiến đáng kể”, giáo sư Nabi nói thêm.
Vào thời điểm này, y học thế giới vẫn chưa có một phương pháp xét nghiệm duy nhất nào có thể tìm ra ung thư tuyến tiền liệt mà phải kết hợp nhiều phương pháp với nhau. Thông thường, để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ kết hợp chụp cộng hưởng từ, sinh thiết và thăm khám lâm sàng, theo Daily Mail.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Dundee hy vọng công nghệ mới có thể giúp chẩn đoán sớm ung thư và cứu sống được nhiều mạng người ở Anh và khắp nơi trên thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.