Hít phải khói thuốc cũng độc hại như người hút

20/11/2016 09:05 GMT+7

Người hút thuốc lá thụ động (hít khói thuốc từ người hút nhả ra) cũng bị tác hại sức khỏe giống như người trực tiếp hút thuốc.

Hàng ngàn chất độc, gây ung thư
Theo điều tra năm 2015, do Hội Y tế công cộng và HealthBridge Canada thực hiện, nhà hàng là một trong những nơi công cộng bị ô nhiễm khói thuốc lá nhiều nhất ở VN - với 80,7% người không hút thuốc hít phải khói thuốc thụ động.
Nếu bạn coi trọng sự phát triển của con, bạn sẽ không hút thuốc

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế)

Theo chương trình quốc gia Phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá, thuốc lá gây ra khoảng 25 căn bệnh khác nhau cho người hút thuốc, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch, hô hấp và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản... Hút thuốc ở phụ nữ mang thai gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cả bà mẹ cũng như thai nhi: ung thư phổi, khí phế thũng, rụng tóc, đục nhân mắt. Hút thuốc lá còn là một trong các nguyên nhân chính gây ra các bệnh không truyền nhiễm. Tính chung trên thế giới thuốc lá gây ra 90% các trường hợp ung thư phổi, 75% các trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), kiêm Giám đốc Quỹ PCTH của thuốc lá cho biết: hút thuốc thụ động là hít phải (hay còn gọi là phơi nhiễm) khói thuốc do người hút thuốc nhả ra. Các nghiên cứu cho thấy hít phải khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn các hóa chất, trong đó ít nhất là 250 chất gây ung thư hay chất độc hại.
Hút thuốc cả trong bệnh viện lao phổi
BV là nơi cấm hút thuốc. Thế nhưng, ngày 19.11, theo ghi nhận của chúng tôi tại một số BV ở TP.HCM cho thấy nhiều bệnh nhân và thân nhân hút thuốc trong BV. Tại BV Chợ Rẫy, mặc dù BV đã đặt bảng “cấm hút thuốc lá” dày đặc và bảo vệ BV chạy xe đạp lòng vòng kiểm tra, nhắc nhở, thế nhưng khi khuất bóng bảo vệ là có người phì phèo thuốc lá. Khu vực hay tập trung hút thuốc lá tại BV Chợ Rẫy là khu ghế đá ở công viên giữa BV. Khi có một người hút thì ngay lập tức người kế bên cũng hút và người thứ ba cũng đến mượn hộp quẹt đốt thuốc. Thậm chí BV Phạm Ngọc Thạch chuyên chữa các bệnh về lao phổi nhưng bệnh nhân, người nhà cũng hay tụ tập hút. Đáng nói, bảo vệ của BV cũng phì phèo thuốc lá ngay cổng ra vào BV.
Trong khuôn viên các BV khác ở TP.HCM cũng không ngoại lệ, bệnh nhân hay thân nhân cũng thập thò hút thuốc ngoài sân hay ở một góc khuất.

Ở người lớn hút thuốc thụ động gây ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, ung thư vú, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, gây các triệu chứng kích thích đường hô hấp, tăng nguy cơ đẻ non và trẻ nhẹ cân. Ở trẻ em, hút thuốc thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác. Trẻ sống trong các gia đình có người hút thuốc sẽ có nguy cơ mắc các bệnh hô hấp mạn tính cao hơn từ 1,2 - 1,5 lần so với các trẻ sống trong gia đình không có người hút thuốc.
“Nếu bạn coi trọng sự phát triển của con, bạn sẽ không hút thuốc”, ông Khuê nói và dẫn chứng: “Khói thuốc lá rất có hại cho thai nhi và trẻ nhỏ. Trẻ sinh ra từ bà mẹ hút thuốc có cân nặng trung bình thấp hơn những trẻ khác khoảng 40 gr. Đáng lo ngại, tỷ lệ đột tử ở trẻ sơ sinh phơi nhiễm khói thuốc lá trong bào thai cao hơn so với các trẻ khác từ 1,4 - 8,5 lần”.
Đẩy mạnh thực thi quy định cấm hút thuốc tại nơi công cộng
Tháng 11 - 12.2015, Thanh tra Bộ Y tế phối hợp với Quỹ PCTH thuốc lá kiểm tra tình hình thực thi luật PCTH thuốc lá. Đoàn đã kiểm tra 100 khách sạn, nhà hàng tại các quận ở Hà Nội, qua đó xử phạt 15 đơn vị, tổng số tiền phạt 91 triệu đồng.
Trong 2015, các tỉnh, thành phố đã tổ chức các đoàn thanh kiểm tra liên ngành: xử phạt 241 đơn vị và 32 cá nhân vi phạm luật PCTH thuốc lá, với tổng số tiền thu được là 101,8 triệu đồng. Phạt các lỗi vi phạm: hút thuốc lá tại khu vực cấm trong nhà hàng; không có biển cấm hút thuốc lá tại khu vực cấm…
Theo bác sĩ Trịnh Văn Hiệp (Ban Chủ nhiệm chương trình Phòng chống thuốc lá Sở Y tế TP.HCM), mới đây, đoàn của Sở Y tế TP.HCM kiểm tra tình hình thực hiện PCTH thuốc lá tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP, đã lập biên bản vi phạm tại một số BV như: BV Nguyễn Tri Phương, BV H.Bình Chánh...
Tuy nhiên trên thực tế diễn ra hằng ngày, ông Lê Ngọc Lâm (Phòng Y tế Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng BV, trường học là những nơi cấm hút thuốc lá, nhưng nếu có vi phạm thì bảo vệ chỉ biết nhắc nhở, nặng hơn là mời người hút ra khỏi khuôn viên, bởi hiệu trưởng, giám đốc BV cũng không xử phạt được. Mời UBND phường đến thì người vi phạm đã đi mất hoặc hành vi hút thuốc lá cũng đã chấm dứt nên việc xử phạt chưa triệt để.
Theo bác sĩ Trịnh Văn Hiệp, TP chưa tiến hành xử phạt đại trà việc hút thuốc lá nơi công cộng. “Việc xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng, người dân chưa quen. Phần lớn lực lượng chức năng lâu nay chưa phạt hút thuốc lá nên thực thi còn hạn chế. Với BV, tuy không có quyền xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng nhưng có quyền lập biên bản chuyển cho chính quyền địa phương ra quyết định xử phạt”, bác sĩ Hiệp nói và cho biết hiện đang chờ UBND TP ra quyết định thành lập đoàn liên ngành trong đó có lực lượng y tế, công an, công thương… Đoàn này sẽ kiểm tra và phạt các hành vi: buôn lậu thuốc lá, quảng cáo tiếp thị, hút thuốc nơi công cộng…
PGS-TS Lương Ngọc Khuê cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng, chú trọng tới các khu vực nhà hàng, quán bar, quán cà phê; tăng cường các hoạt động truyền thông để duy trì và hướng tới thay đổi hành vi của người hút thuốc, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định cấm hút thuốc”.
Theo chương trình quốc gia Phòng chống tác hại thuốc lá, kết quả điều tra về hút thuốc lá ở người trưởng thành tại VN 2015 cho thấy: so với 2010, tỷ lệ hút thuốc ở cả nam và nữ có giảm nhẹ, từ 23,8% xuống 22,5%; tỷ lệ hút thuốc lá điếu chung giảm từ 19,9% xuống 18,2%. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm đáng kể hơn ở tất cả địa điểm, trong đó, giảm mạnh nhất là tại trường ĐH - từ 54,3% xuống 37,9%; trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 19,4%. Các khu vực thành thị: tỷ lệ hút thuốc chung giảm từ 23,3% xuống 20,6%.
Bên cạnh đó, nhận thức về tác hại đến sức khỏe của việc hút thuốc và hút thuốc thụ động cũng tăng so với năm 2010. Tỷ lệ người tin rằng hút thuốc gây các bệnh đột quỵ, tim mạch và ung thư phổi tăng từ 55,5% lên 61,2%. Tỷ lệ người tin rằng hút thuốc thụ động gây các bệnh nguy hiểm tăng từ 87,0% lên 90,3%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.