Hướng chẩn đoán và điều trị hội chứng huyết khối sau tiêm vắc xin Covid-19

Liên Châu
Liên Châu
01/05/2021 00:16 GMT+7

Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin Covid-19 , áp dụng cho tất cả cơ sở khám chữa bệnh, nhà nước và tư nhân trên cả nước, có hiệu lực từ ngày ký ban hành 22.4.

Theo Bộ Y tế, thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca và Johnson & Johnson đã được ghi nhận trong các báo cáo của các cơ quan quản lý dược và tổ chức giám sát an toàn vắc xin tại nhiều quốc gia. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã yêu cầu cảnh giác, theo dõi, phát hiện sớm và xử trí kịp thời những biến cố hiếm gặp ở người sau tiêm vắc xin Covid-19 nghi ngờ giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch, đông máu rải rác trong lòng mạch, huyết khối tĩnh mạch não.
Giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch sau tiêm vắc xin là biến cố nặng hiếm gặp, biểu hiện thuyên tắc huyết khối kèm theo số lượng tiểu cầu thấp, xảy ra sau khi tiêm vắc xin. Các nghiên cứu cho thấy sau tiêm vắc xin Covid-19, cơ thể có thể sinh kháng thể kháng yếu tố 4 tiểu cầu (platelet factor-PF4). Phức hợp kháng nguyên kháng thể đó hoạt hóa tiểu cầu quá mức dẫn đến giảm tiểu cầu, gây huyết khối và có thể chảy máu, gặp nhiều hơn ở phụ nữ dưới 60 tuổi.
Triệu chứng lâm sàng xuất hiện từ 4 - 28 ngày sau tiêm vắc xin Covid-19 với biểu hiện: đau đầu dai dẳng, dữ dội; co giật, nhìn mờ hoặc nhìn đôi; khó thở hoặc đau ngực (gợi ý thuyên tắc phổi hoặc hội chứng vành cấp); đau bụng (gợi ý huyết khối tĩnh mạch cửa); đau, phù chi dưới (gợi ý huyết khối tĩnh mạch sâu). Ít khi biểu hiện chảy máu, xuất huyết da, hoặc xuất huyết nội tạng.
Tại các cơ sở y tế xã, phường, trung tâm y tế quận, huyện hoặc tương đương, cần theo dõi người sau tiêm vắc xin. Nếu vượt quá khả năng chẩn đoán và điều trị, cần hỏi ý kiến chuyên gia cấp cao hơn, hoặc chuyển tuyến theo đúng quy định.
Tại các bệnh viện tuyến huyện, quận hoặc tương đương, cần lưu ý theo dõi người sau tiêm vắc xin Covid-19 xuất hiện một trong các triệu chứng nêu trên, thực hiện đếm số lượng tiểu cầu. Nếu nghi ngờ giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch sau tiêm vắc xin, cần hội chẩn chuyên gia và điều trị ngay bằng thuốc chống đông.
Tại các cơ sở tuyến T.Ư hoặc tương đương, sẽ tiếp nhận người sau tiêm vắc xin có biến chứng nặng do các tuyến chuyển đến; thực hiện tất cả thăm dò cần thiết để chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Với người bị huyết khối sau tiêm có co giật trong giai đoạn cấp, hoặc có tổn thương chảy máu trên phim chụp cắt lớp trong giai đoạn cấp của huyết khối tĩnh mạch não, thì điều trị thuốc chống động kinh. Can thiệp nội mạch là điều trị bổ sung cho người bệnh huyết khối lan rộng trong xoang tĩnh mạch não. Phẫu thuật mở sọ não giải áp trong trường hợp tăng áp lực nội sọ không đáp ứng điều trị nội khoa...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.