|
|
Tôi nhớ hoài hồi năm lớp 7, Mạnh Hùng bỗng dưng xếp hạng thứ 15 trong lớp. Nhận kết quả, Mạnh Hùng vẫn cứ bình thản như không. Chính thầy hiệu trưởng không thấy tên Mạnh Hùng trong danh sách lãnh thưởng mới lấy làm lạ kiểm tra lại. Thầy phát hiện chẳng có “chuyện lạ” nào hết: Mạnh Hùng đứng nhất lớp, chẳng qua đám trẻ con trong lớp mà cô giáo nhờ cộng điểm đã cộng nhầm. Được thông báo lại kết quả, Mạnh Hùng cười tươi bảo “vậy hả?” rồi lại lao vào đánh cầu, đá banh như không có chuyện gì xảy ra.
Gặp lại Mạnh Hùng giữa Sài Gòn phồn hoa và nhắc lại chuyện xa xưa, tôi nhận được nụ cười hồn nhiên hệt như mấy chục năm chưa hề qua đi: “Được học là vui rồi, tớ có bao giờ quan tâm tới điểm số đâu!”. Tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày Mạnh Hùng đậu một lúc 2 trường đại học danh giá bậc nhất là Đại học Y Dược TP.HCM và Đại học Bách khoa, cả miền quê nghèo xôn xao. Đã lâu lắm rồi, lâu đến nỗi không ai nhớ nổi lần cuối cùng có người đậu trực tiếp ngành y là từ năm nào. Riêng Mạnh Hùng vẫn cứ bình thản: “Tớ mà không đậu y thì chẳng lẽ vứt hết đống sách của ba sao?”. Hóa ra Mạnh Hùng thi y vì tiếc không ai đọc tủ sách đồ sộ của ba cậu, một bác sĩ nghèo tiền bạc nhưng giàu lòng nhân ái và cũng rất dư giả… sách giữa cái thời lo miếng ăn đã mệt lúc đó.
Mạnh Hùng cắp sách vào Sài Gòn, không những học y mà còn chọn một trong những chuyên khoa vất vả nhất, phải vật lộn với sự sống cái chết cam go nhất: bác sĩ ngoại khoa, chuyên phẫu thuật chấn thương sọ não, xuất huyết nội sọ, đột quỵ, u não, cột sống… Lại là cái kiểu giải thích đơn giản như con trẻ của Mạnh Hùng: “Thì ngành đó khó, thời mình học thì ngoại thần kinh còn chưa phát triển, ít người muốn theo. Mà mình thì cậu biết rồi đó: càng khó càng kích thích”.
“Bác sĩ không là gì cả”
Khi tôi gặp lại Mạnh Hùng, anh đã là bác sĩ phẫu thuật danh tiếng, làm việc tại Bệnh viện quốc tế FV. Có dịp hiểu Mạnh Hùng hơn, tôi mới vỡ lẽ lý do sâu thẳm vì sao Mạnh Hùng chọn ngành y, không đơn thuần chỉ vì tiếc sách. Từ nhỏ xíu, cậu đã lon ton chăm sóc bệnh nhân (BN): thay chiếu, bê thức ăn, lau chùi dịch ói… Ngày đó, chuyện BN ở lại trong nhà để được ba Mạnh Hùng điều trị, có khi hằng tháng trời là điều bình thường. Họ được người nhà vị bác sĩ chăm sóc hệt như trong gia đình, cũng chẳng thấy ai tính công, tính phí. Xem BN như người nhà là khẩu hiệu, là mục tiêu phấn đấu ở đâu đó nhưng ở Mạnh Hùng, điều này đã ăn sâu trong tâm trí anh ngay từ hồi còn thơ bé.
|
|
Thoát khỏi ngàn lưỡi gươm
Đây không phải là ca duy nhất mà Mạnh Hùng phải “năn nỉ” ngược người nhà. “Người nhà không muốn mổ vì nhiều khi họ không đủ kiến thức hoặc những gì họ biết được là sai. Nếu mình chấp nhận mong muốn của người nhà thì bệnh nhân sẽ mất cơ hội được phục hồi, rất tội nghiệp”, anh chia sẻ.
Đến bây giờ, Mạnh Hùng bảo vẫn không thể quên được giây phút tuyệt vời khi lần đầu tiên quay lại phòng hậu phẫu thăm bệnh và thấy BN người Hàn Quốc đang lướt điện thoại thông minh: “Tôi muốn nhảy cẫng lên như con trẻ, tôi muốn hét lên cho cả thế giới nghe rằng BN của tôi đã nhìn thấy. Tôi đã thoát khỏi áp lực đứng trên ngàn lưỡi gươm”.
Hỏi Mạnh Hùng: “Không sợ lãnh hậu quả nếu mổ thất bại ư, bởi BN sẽ bảo rằng họ đã không muốn mổ, tại bác sĩ thuyết phục?”, tôi lại nhận được thêm một câu trả lời hồn nhiên: “Nếu sợ, tớ đã chọn nghề khác!”. Rồi Mạnh Hùng giải thích anh luôn cân nhắc rất cẩn trọng trên cơ sở kiến thức y khoa, trên khả năng đáp ứng của bản thân, của bệnh viện trước mỗi ca mổ. Với anh, mỗi ca mổ không những phải thành công về bảo toàn tính mạng, khôi phục chức năng cho BN mà còn phải “mổ đẹp” nữa.
“Mổ đẹp?”, tôi tròn mắt giữa lúc ký ức về những bức tranh nghệ thuật cực đẹp mà Mạnh Hùng từng vẽ bỗng dưng ùa về. Mạnh Hùng như một nghệ sĩ thứ thiệt với những bức tranh có chiều sâu thăm thẳm như tâm hồn anh. Tiếng cười giòn tan của anh lôi tôi về thực tại, bảo cầm dao mổ thật ra rất giống lúc… cầm cọ, phải sắp xếp ra sao để vết mổ gọn gàng nhất và giúp người bệnh hòa nhập nhanh nhất vào cuộc sống. Mạnh Hùng đưa ví dụ về 2 ca mổ u não anh vừa thực hiện cho một cô gái có mái tóc dài óng mượt và cho một quan chức: “Cạo trọc đầu lúc nào cũng dễ định vị chỗ mổ, dễ kiểm soát nhiễm trùng hơn nhưng cứ tưởng tượng vị quan chức quay lại công việc với cái đầu trọc lóc hay cô gái đẹp phải nghe tiếng xì xầm: con nhỏ này từng mổ u não, giờ chắc thần kinh có vấn đề. Vì thế mà tớ giữ tóc của họ lại”. Coi BN như người nhà - chân lý ăn sâu trong tâm trí cậu bé con ông bác sĩ ngày xưa giờ đây đang hướng dẫn mọi hành vi của vị bác sĩ trẻ Bệnh viện FV…
Bình luận (0)