Lần đầu tiên ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị đột quỵ tại Việt Nam

Duy Tính
Duy Tính
22/06/2019 11:07 GMT+7

Đã có 1.200 bệnh viện của 40 quốc gia trên thế giới áp dụng phần mềm AI RAPID trong chẩn đoán điều trị đột quỵ não và mỗi năm cứu sống khoảng 250.000 bệnh nhân.

Ngày 21.6, Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 ra mắt phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) RAPID trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ. Phần mềm AI RAPID do Đại học Stanford (Mỹ) phát triển.
Hiện nay đã có 1.200 BV của 40 quốc gia trên thế giới áp dụng phần mềm AI này và mỗi năm cứu sống khoảng 250.000 bệnh nhân. Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia ở Đông Nam Á triển khai (sau Indonesia, Thái Lan).
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, cho biết khi bệnh nhân bị đột quỵ não, bác sĩ điều trị sẽ sử dụng các kỹ thuật cao để tái thông, làm tan cục máu đông, hồi phục tổn thương, hạn chế di chứng yếu liệt.
Tuy nhiên, bên cạnh những vùng tổn thương đã xác định rõ, sẽ có những vùng có nguy cơ tổn thương, có nguy cơ hoại tử trong những giờ tiếp theo, sẽ khó xác định được bằng các phương pháp hình ảnh học thông thường. Do vậy, phần mềm AI RAPID sẽ hỗ trợ khó khăn này. Trước đây can thiệp nhồi máu não giờ vàng chỉ trong vòng 6 giờ (chiếm 20% bệnh nhân), 80% còn lại không can thiệp được.
Như vậy, phần mềm AI RAPID có thể tiên đoán được những vùng nhu mô não sẽ chết trong những giờ tiếp theo, biết được chính xác thể tích máu tụ (với bệnh nhân xuất huyết não) và tư vấn ngay cho người nhà. Điều này cũng cho phép mở rộng cửa sổ điều trị tái tưới máu não lên đến 24 giờ, như vậy 50% sẽ được điều trị tái tưới máu.
Theo số liệu công bố cứ 100 ca áp dụng phần mềm AI RAPID thì có thể điều trị thành công 49 ca, nhưng nếu không có phần mềm chỉ có 19 ca điều trị thành công.
Như vậy, ứng dụng pần mềm AI RAPID trong chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị đột qụy não, giúp tăng tỷ lệ cứu sống bệnh nhân, giảm tỷ lệ tàn phế, sớm đưa người bệnh hòa nhập cộng đồng.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, bản quyền phầm mềm AI RAPID có giá trị rất cao: 200.000 USD. Ngoài ra, thiết bị cài đặt nó cũng phải hiện đại tương ứng.
Về chi phí, nếu bệnh nhân được sử dụng phần mềm này, hiện tại BV chưa tính đến phí, ứng dụng chủ yếu là phục vụ cộng đồng.
Trong hai ngày 20 và 21.6.2019, Đơn vị X-quang Can thiệp trực thuộc Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Nhân dân Gia Định tổ chức hội thảo về ứng dụng can thiệp nội mạch trong điều trị bệnh lý dị dạng mạch máu bằng phương pháp dùng cồn tuyệt đối. Đây là phương pháp bơm cồn sâu vào đến chỗ dị dạng mạch máu làm các dị dạng bị tiêu biến. Ưu điểm của phương pháp này là có thể điều trị đa dạng các kiểu dị dạng mạch máu khác nhau và có thể lặp lại với tổn thương dị dạng mạch máu lớn. Có 28 bệnh nhân đều bị dị dạng mạch máu bằng phương pháp này đầu tiên, ca nhỏ nhất là 6 tuổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.