Lo ngại siêu khuẩn kháng thuốc tại Việt Nam

23/07/2019 08:05 GMT+7

Nhóm nhà nghiên cứu thuộc Trường ĐH Linkoping (Thụy Điển) khảo sát 2.200 bệnh nhân ở 12 bệnh viện tại Việt Nam cảnh báo nguy cơ mắc một nhóm vi khuẩn đường ruột kháng thuốc kháng sinh.

Ngày 21.7, thông tin kết quả khảo sát 2.200 bệnh nhân ở 12 bệnh viện tại VN của nhóm nhà nghiên cứu thuộc Trường ĐH Linkoping (Thụy Điển) cảnh báo nguy cơ mắc một nhóm vi khuẩn đường ruột kháng thuốc kháng sinh Carbapenem (Carbapenem Resistant Enterobacteriaceae - CRE) như vi khuẩn E.coli, Klebsiella sp, Enterobacter sp... tăng lên thành dịch tại các bệnh viện tại VN.
Theo nghiên cứu này, trong 8 bệnh nhân nhập viện, ban đầu chỉ một người mang siêu khuẩn, sau 2 tuần nằm viện đã tăng lên 7 người. Còn nghiên cứu trong nước thì sao?
Những bệnh nhân nặng nằm thở máy, điều trị kháng sinh cả tháng trời tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM ẢNH: DUY TÍNH

Những bệnh nhân nặng nằm thở máy, điều trị kháng sinh cả tháng trời tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM

ẢNH: DUY TÍNH

“Dính” vi khuẩn ở khu hồi sức cấp cứu

Từ năm 2012 - 2016, tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã có 2 nghiên cứu về nhóm vi khuẩn CRE trên 4.000 bệnh nhân nhập viện có nhiễm trùng.
Các vi khuẩn trong BV luôn là vi khuẩn nguy hiểm, bởi chúng được tiếp xúc với các thuốc điều trị nên có khả năng kháng lại thuốc, nhiễm khuẩn chéo trong BV làm tăng gánh nặng bệnh tật
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế)
Một nghiên cứu do TS-BS Nguyễn Phú Hương Lan, Phó trưởng khoa Xét nghiệm thực hiện đề tài Mô tả đặc điểm dịch tễ và độ nhạy cảm của vi khuẩn gây nhiễm trùng huyết tại TP.HCM, với 3.287 ca. Nghiên cứu còn lại là Tình hình mang trùng và nhiễm trùng do vi khuẩn kháng thuốc tại hồi sức cấp cứu (ICU) người lớn do TS-BS Dương Bích Thủy, Phó khoa ICU người lớn, thực hiện trên 838 ca. Đây là 2 đề tài nghiên cứu sinh tiến sĩ.
Kết quả nghiên cứu Tình hình mang trùng và nhiễm trùng do vi khuẩn kháng thuốc ICU người lớn của TS-BS Dương Bích Thủy ghi nhận số bệnh nhân mang sẵn CRE nhập ICU 1% (8/838 ca nghiên cứu). Đây là nhóm bệnh nhân già, bệnh lý nặng đã nhập ICU các BV tuyến trước, đã sử dụng kháng sinh truyền tĩnh mạch phổ rộng (liều cao) trước đó. Trong quá trình nằm ICU tại BV, nhóm này tăng lên thêm 3% (thêm 25/838 ca nghiên cứu).
Còn đề tài nghiên cứu Mô tả đặc điểm dịch tễ và độ nhạy cảm của vi khuẩn gây nhiễm trùng huyết tại TP.HCM của TS-BS Nguyễn Phú Hương Lan cho thấy có 13 ca nhiễm CRE/3.287 ca nhiễm trùng huyết.
Kết quả nghiên cứu của cả 2 đề tài cho thấy nhóm bệnh nhân có nguy cơ nhiễm CRE chủ yếu nằm ở ICU, có cơ địa yếu, kèm các bệnh nền như tiểu đường, gan, thận... đã điều trị nhiều loại thuốc kháng sinh kéo dài... Việc sử dụng kháng sinh phổ rộng tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng thuốc.
Theo TS-BS Nguyễn Phú Hương Lan, các nghiên cứu quốc tế và VN đều cho thấy nhóm CRE hiện diện và gây bệnh trên bệnh nhân trong các BV, đặc biệt là bệnh nhân tại các khoa ICU. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh do nhóm vi khuẩn CRE trên người lớn là rất ít, chiếm thứ 4 - 5 trong các loại vi khuẩn đa kháng thuốc. Tỷ lệ phát hiện ít hay nhiều còn phụ thuộc vào chọn mẫu nghiên cứu, như ở các BV tuyến trên thì chắc chắn số người nhiễm nhóm CRE nhiều hơn các BV tuyến dưới.
Còn theo nghiên cứu của TS-BS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Nhi T.Ư thực hiện thì trẻ bệnh đã được điều trị tại BV khác vào BV tuyến T.Ư có tỷ lệ mang CRE cao hơn rõ rệt so với trẻ nhập viện từ cộng đồng (39,2% so với 14,1%). Tỷ lệ mang CRE cao ở trẻ sơ sinh gồm: trẻ đẻ mổ, sinh non. Nghiên cứu cũng nhận thấy có sự tăng cao rõ rệt về tỷ lệ mang CRE ở bệnh sơ sinh tại thời điểm nhập viện so với thời điểm xuất viện (30,03% và 65,4%); ở trẻ mới sinh trong 48 giờ đầu so với trẻ sau sinh 48 giờ (4,4% và 66%). Điều này chứng tỏ CRE lan nhanh trong môi trường BV. Theo đánh giá của BS Ngãi, bằng xét nghiệm nuôi cấy đã ghi nhận được có đến trên 30% số người bệnh (cả người lớn và trẻ em) khi nhập viện đã mang sẵn CRE kháng thuốc kháng sinh thế hệ mới.
Tại BV Nhi đồng 1 TP.HCM, số bệnh nhi nhiễm khuẩn đa kháng, siêu kháng thuốc tại khoa ICU chiếm 20 - 30%, nhưng bệnh nhân hầu hết ở tỉnh chuyển lên.

Ổ vi khuẩn trong bệnh viện

Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Cao Hưng Thái cho hay trong nước hiện chưa có con số chung về nhiễm khuẩn BV, nhưng có các nghiên cứu đơn lẻ tại các BV lớn về nhiễm khuẩn BV cũng như nghiên cứu về vi khuẩn kháng thuốc, qua đó đã tìm thấy các vi khuẩn kháng kháng sinh, thậm chí là vi khuẩn đa kháng thuốc (kháng với nhiều kháng sinh).
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), thông tin: “Trong nước đã có các nghiên cứu cũng như các hợp tác quốc tế nghiên cứu về nhiễm khuẩn BV cũng như tình trạng kháng kháng sinh tại VN. Các vi khuẩn trong BV luôn là vi khuẩn nguy hiểm, bởi chúng được tiếp xúc với các thuốc điều trị nên có khả năng kháng lại thuốc, nhiễm khuẩn chéo trong BV làm tăng gánh nặng bệnh tật. Thậm chí với một số tác nhân gây bệnh, nhiễm chéo trong BV làm lây lan dịch bệnh với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm”.
Theo GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, nhiễm khuẩn BV đã và đang là gánh nặng cho người bệnh, các BV trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước chậm và đang phát triển do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và tăng chi phí điều trị. Tỷ lệ nhiễm khuẩn BV ở các nước phát triển dao động 3,5 - 12%. Nhưng số liệu về nhiễm khuẩn BV tại các quốc gia chậm và đang phát triển thường không đầy đủ và không có sẵn. Tuy nhiên, phân tích gần đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy các ca nhiễm khuẩn BV ở các nước đang phát triển có thể xảy ra với tần suất cao hơn các nước phát triển.
GS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, lưu ý: “Vi khuẩn đường ruột kháng nhiều loại kháng sinh do tình trạng dùng kháng sinh dễ dãi, mua kháng sinh dễ như mua rau. Mà thuốc uống vào được hấp thu tại ruột nên vi khuẩn đường ruột dễ dàng tiếp xúc với các loại kháng sinh, chúng “làm quen” với kháng sinh và rồi chống lại kháng sinh”.

Bác sĩ kê toa không hợp lý

BS Bạch Văn Cam, Chủ tịch Hội Hồi sức - cấp cứu TP.HCM, cho biết trong nhóm vi khuẩn đề kháng kháng sinh nhiều nhất là các trực khuẩn gram âm, bên cạnh đó là nhóm tụ cầu khuẩn gram dương. Riêng nhóm CRE, có lẽ các nhà khoa học Thụy Điển dùng chữ “dịch” để mô tả sự lây lan, phát triển nhanh đến mức báo động.
Theo BS Cam, từ thập niên 1980, các bệnh nhiễm khuẩn thông thường trước đây có thể điều trị bắt đầu với 1 kháng sinh đã trị khỏi viêm họng, viêm phổi. Hiện cũng là vi khuẩn đó, nhưng với kháng sinh thông thường nhiều trường hợp không chữa hết mà phải dùng kháng sinh thế hệ mới hơn. Tại VN, hiện hầu hết vi khuẩn ngoài cộng đồng tỷ lệ kháng kháng sinh penicillin, ampicillin lên đến 40 - 50%, nên việc điều trị vi khuẩn khó hơn trước.
Theo BS Cam, giám sát của BV Nhi đồng 1 và Bộ Y tế cho thấy, gần 70% kháng sinh điều trị ngoại trú là sử dụng không hợp lý chủ yếu gặp ở bệnh viêm đường hô hấp trên.
 
Theo BS Bạch Văn Cam, ở BV tuyến trên tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh nhiều là do bệnh nhân từ tuyến dưới bệnh nặng, kháng thuốc dồn về BV tuyến trên. BS Cam đề nghị bệnh nhân nặng ở tỉnh khi mới chuyển đến BV tuyến trên, thì xem như là bệnh nhân đa kháng thuốc, tạm cho nằm riêng, phải cấy vi sinh để phát hiện vi khuẩn và điều trị cho đúng. Đặc biệt, mỗi BV phải xây dựng được phác đồ sử dụng kháng sinh để sử dụng phù hợp với từng BV; phác đồ phải được cập nhật kết quả của vi sinh. Có tình trạng nhiễm khuẩn BV một phần do BS điều trị kiểu đánh thuốc “bao vây”, dùng nhiều kháng sinh, loại mạnh khi chưa cần thiết.
 

Điều trị nhiễm khuẩn nhóm CRE ra sao?

Theo TS-BS Nguyễn Phú Hương Lan, với bệnh nhân nhiễm CRE đa kháng thuốc, hiện nay thế giới khuyến cáo phải phối hợp nhiều loại thuốc kháng sinh, liều cao để điều trị, tuy nhiên chi phí sẽ rất cao và có thể gây ra nhiều tác dụng phụ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.