Mùa bệnh hô hấp ở trẻ em

22/11/2015 17:12 GMT+7

Trẻ nhập viện do mắc các bệnh đường hô hấp tăng cao trong các tuần gần đây. Thời tiết thay đổi là tác nhân quan trọng khiến trẻ dễ nhiễm bệnh.

Trẻ nhập viện do mắc các bệnh đường hô hấp tăng cao trong các tuần gần đây. Thời tiết thay đổi là tác nhân quan trọng khiến trẻ dễ nhiễm bệnh.

Ảnh: ShutterstockẢnh: Shutterstock
Diễn biến khó lường: nhiều trẻ sơ sinh mắc bệnh
Tại khoa Nhi của các bệnh viện Bạch Mai, Xanh Pôn (Hà Nội), số trẻ đến khám tăng khoảng 20% so với các tuần trước đây, số nhập viện do bệnh hô hấp chiếm khoảng 50 - 60% các trường hợp, chủ yếu do viêm phế quản, viêm phổi. Trong những ngày chuyển mùa này, các bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Quân y 103 cũng đã phải làm việc khá vất vả. Ngày nào cũng rất đông cháu nhỏ vào khám với một bệnh cảnh tương đối giống nhau: có bé ho, sốt, có bé chảy mũi, viêm tai, có bé viêm họng...
“Nếu như trước đây, các ca bệnh viêm phổi thường gặp ở trẻ từ trên 6 tháng tuổi thì “mùa” của bệnh viêm phổi năm nay ghi nhận nhiều trẻ rất nhỏ: dưới 6 tháng tuổi, thậm chí mới 2 - 3 tháng tuổi. Thông thường đây là nhóm trẻ vẫn còn miễn dịch từ mẹ nên ít bệnh, nhưng gần đây, các trẻ này cũng đã bị tấn công bởi các bệnh do vi rút, vi khuẩn”, Th.S-BS Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai chia sẻ.
Bế trên tay con trai 3 tháng tuổi, chị Yến, mẹ của bé lo lắng: “Lúc đầu thấy cháu có nước mũi trong và có vẻ bị nghẹt mũi, sau đó có sốt nóng, bỏ bú, chỉ hơn một ngày thì đã thấy cháu có vẻ khó thở hơn nên gia đình đưa vào khám. Bác sĩ đã cho cháu nhập viện ngay vì cháu bị viêm phổi”.
Một trường hợp khác là cháu trai 9 tháng tuổi, nhà ở Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội nhập viện do viêm phổi. “Cháu có ho húng hắng, chảy nước mũi, khó thở như ngạt mũi thôi, cũng không thấy sốt và ăn uống bình thường. Gia đình tự mua thuốc kháng sinh và thuốc ho. Nhưng chỉ sau hai ngày cháu đã mệt li bì, thở khó khăn hơn nên gia đình cho cháu vào viện. Bác sĩ khám cho biết cháu suy hô hấp do viêm phổi”, bà ngoại của cháu kể.
“Sai lầm nhất của các gia đình là chủ quan trong khi bệnh ở trẻ nhỏ diễn biến rất nhanh. Có trẻ chỉ trong vài giờ đã trở nặng, thậm chí thở máy”, bác sĩ lưu ý. Chuyên gia khuyến cáo, cần cặp sốt cho trẻ để biết chính xác diễn biến nhiệt độ cơ thể chứ không chỉ đặt tay lên trán để đo nhiệt độ. Khởi đầu bé có thể chỉ sốt, chảy nước mũi nhưng vẫn cần theo sát diễn biến để nhận biết tình trạng nặng lên, đặc biệt lưu ý nhịp thở. Viêm phổi không ho nhiều nhưng trẻ mệt, nhịp thở nhanh, ở trẻ nặng sẽ có lõm lồng ngực, thậm chí tím tái.
Không sao chép “công thức” cũ
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, công tác tại Khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết, ho sốt là bệnh khá phổ biến ở trẻ khi thời tiết thay đổi. Ho gây nôn trớ, nôn cả đờm dãi, nhưng cũng có trẻ ho khan, ho đêm. Cũng có trường hợp chỉ ho mà không sốt. “Ho là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ nên nhiều gia đình tự mua thuốc cho con dùng hoặc mua theo đơn thuốc cũ. Việc này rất nguy hiểm bởi bệnh có các nguyên nhân khác nhau, mỗi lần ho nguyên nhân cũng thường khác nhau nên cần có chỉ định phù hợp. Rất nguy hiểm nếu các gia đình cứ bê nguyên công thức: kháng sinh + thuốc ho cho con uống, khiến bệnh có thể trở nặng”, bác sĩ nhấn mạnh.
BS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý thêm, khi giao mùa cũng là lúc trẻ dễ mắc viêm mũi dị ứng, nổi mề đay và thường hay mắc ở trẻ lứa tuổi mầm non, tiểu học. Gia đình cần đưa trẻ đến khám để dùng thuốc đúng. Không tự đưa trẻ đi truyền dịch “ thải độc” bởi tiêm truyền cần chỉ định nghiêm ngặt bởi các sĩ chuyên khoa. Đặc biệt, các bệnh này liên quan đến histamin là yếu tố khiến cơ thể phản ứng rất mạnh (dị ứng) với các tác nhân. Trẻ cần được dùng thuốc đúng để điều trị, không để ảnh hưởng đến gan do dùng sai thuốc.
Triệu chứng liên quan đến viêm phổi ở trẻ nhỏ
Nhịp thở nhanh so với lứa tuổi được coi là dấu hiệu chính và xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi, cần đưa đến y tế khi thấy:
- Với trẻ dưới 2 tháng: Nhịp thở ≥ 60 lần/phút
- Từ 2 tháng đến 12 tháng: nhịp thở ≥ 50 lần/phút
- Từ 1 - 5 tuổi: nhịp thở ≥ 40 lần/phút
- Từ 5 tuổi trở lên: nhịp thở > 30 lần/phút, co rút lõm ngực, cánh mũi phập phồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.