Người có nhóm máu cực hiếm, quý hơn vàng

Ngọc Quý
Ngọc Quý
13/11/2020 00:09 GMT+7

Người đàn ông Thụy Sĩ có nhóm máu hiếm đến mức được ví như vàng. Thậm chí, ngân hàng máu phải ẩn danh người hiến. Nhà khoa học phải tốn công sức truy tìm người có máu hiếm chỉ để xin một ít máu về nghiên cứu.

Khi nói đến nhóm máu, hầu hết mọi người đều nhắc đến nhóm A, B, AB và O. Tuy nhiên, đây là những nhóm máu chính và trong mỗi nhóm chứa hàng triệu loại khác nhau, theo Fox News.
Sự đa dạng này là do trên màng tế bào hồng cầu chứa đầy các kháng nguyên. Khoa học hiện xác định có 342 loại kháng nguyên khác nhau, trong đó khoảng 160 loại là phổ biến.
Thông thường, các kháng nguyên được phân chia nằm trong 35 hệ thống nhóm máu. Trong đó, hệ thống Rhesus được xem là đa dạng nhất với 61 kháng nguyên.

Máu quý hơn vàng

Vào năm 1961, các nhà khoa học đã tình cờ phát hiện một nhóm máu mới mà họ nghĩ là không thể tồn tại. Nhóm máu này được đặt tên là Rh-null, thiếu toàn bộ 61 loại kháng nguyên trong hệ thống Rh. Người đầu tiên được xác định có nhóm máu Rh-null là một phụ nữ thuộc tộc người thổ dân Aboriginal ở Úc, theo trang Mosaic Science.
Trong khoảng 50 năm sau, các nhà khoa học đã ra sức tìm kiếm nhưng chỉ xác định được 43 người trên thế giới có nhóm máu Rh-null cực hiếm. Một trong số đó là người đàn ông tên Thomas ở Thụy Sĩ.
Các thống kê trước đây cho thấy chưa đến 10 người có nhóm máu Rh-null chấp nhận hiến máu. Cơ thể những người có nhóm máu Rh-null chỉ nhận máu Rh-null, không nhận được nhóm máu khác.
Điều này có nghĩa là những người như ông Thomas nếu bị thương hay cần truyền máu khi phẫu thuật thì họ sẽ đối mặt nhiều rủi ro hơn.
Trong khi đó, nhóm máu Rh-null có thể truyền cho bất kỳ nhóm máu nào trong hệ thống nhóm máu Rhesus. Lợi ích to lớn này khiến máu Rh-null trở thành loại máu rất quý giá, được các bác sĩ ví như “máu vàng”, theo Fox News.
“Đó là loại máu quý như vàng”, tiến sĩ Thierry Peyrard, Giám đốc Phòng thí nghiệm các vấn đề liên quan đến miễn dịch học quốc gia ở Paris (Pháp), cho biết.
Máu Rh-null cũng trở thành thứ vô cùng quý giá với giới y học toàn cầu. Các nhà khoa học muốn khám phá những bí ẩn của nhóm máu này nên đã tìm rất nhiều cách để có mẫu máu.
Vì quá quý hiếm và được săn lùng nên mọi mẫu máu Rh-null trong ngân hàng máu đều ẩn danh người hiến. Thậm chí, có một số trường hợp nhà khoa học đã cố truy tìm nguồn gốc và gặp được người có máu Rh-null. Họ đã đến gặp trực tiếp và xin một ít máu để phục vụ nghiên cứu.

Xét nghiệm ông Thomas có máu hiếm Rh-null là phát hiện phi thường đối với các bác sĩ huyết học tại Bệnh viện Đại học Geneva (Thụy Sĩ)

Ảnh minh họa: Shutterstock

Truy tìm huyết thống người có "máu vàng"

Vào năm 1964, lúc đó ông Thomas được 10 tuổi. Ông đến Bệnh viện Đại học Geneva (Thụy Sĩ) để điều trị một bệnh viêm nhiễm thông thường. Nhưng khi xét nghiệm máu Thomas, các bác sĩ đã phát hiện một điều kỳ lạ.
Máu của Thomas thiếu toàn bộ 61 loại kháng nguyên trong hệ thống Rh. Ông được xác định là có nhóm máu Rh-null cực hiếm. Đây thực sự là một phát hiện phi thường đối với các bác sĩ huyết học tại Bệnh viện Đại học Geneva.
Ông Thomas lúc đó được 10 tuổi và không thể hiến máu cho đến khi đủ 18 tuổi. Nhóm máu là yếu tố di truyền nên các nhà khoa học ở Geneva đã truy tìm đến nguồn gốc ông bà của ông Thomas.
Cuối cùng, các xét nghiệm cho thấy ông Thomas có được nhóm máu Rh-nulll là do hai đột biến di truyền ngẫu nhiên. Xác suất xảy ra là cực kỳ thấp. Điều này khiến ông Thomas trở thành người duy nhất trong họ hàng mình có máu Rh-nulll.
Trong một lần hiến máu ở thành phố Annemasse (Pháp), người y tá trực tiếp lấy máu cho Thomas đã nhận ra sự bất thường lúc đọc các thông tin trên túi máu. Túi máu ghi địa chỉ gửi đến thành phố Paris (Pháp). Khi đọc kỹ, cô đã trợn tròn mắt. Ông Thomas chỉ mỉm cười.
Vì cả thế giới chỉ có 43 người có nhóm máu Rh-null nên việc truyền máu giữa những người có nhóm máu quý hiếm này là rất khó khăn. Để cứu một đứa bé cần truyền máu Rh-null ở Pháp, ông Thomas đã phải tự bỏ tiền túi của mình để đi từ Thụy Sĩ đến Pháp. Mỗi năm ông cũng đến nước Pháp 2 lần để hiến máu, theo Fox News.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.