Người Việt chi tỉ USD ra nước ngoài trị bệnh

03/08/2018 05:21 GMT+7

Thời gian qua, nhiều người Việt đi nước ngoài khám, chữa bệnh đối với cả những căn bệnh mà ngành y tế Việt Nam vẫn đủ sức chữa trị.

Bác sĩ (BS) Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu - Bệnh viện (BV) Q.Thủ Đức (TP.HCM), chia sẻ: người VN ra nước ngoài khám chữa bệnh (KCB) cũng tương tự như người VN thích mua điện thoại của Hàn Quốc, Nhật, Mỹ... chứ ít khi mua điện thoại VN sản xuất. Họ đi tìm sự mới mẻ, tiện nghi, công nghệ tiên tiến và sự yên tâm.
Bác sĩ trong nước giao tiếp không tốt
Kể với Thanh Niên, bà Đ.T.H (53 tuổi, ngụ TP.HCM) - một bệnh nhân (BN) bị ung thư phổi đã 12 năm, cho biết bà trải qua 6 năm điều trị tại Singapore và 6 năm điều trị tại VN. Bà kể: Năm 2006 bà được phát hiện ung thư phổi tại BV Chợ Rẫy TP.HCM và được cắt khối u. Nhưng khi vừa cắt xong gia đình đưa bà sang Singapore để hóa trị, bởi ở Singapore, BS tư vấn rất gần gũi với BN, mọi thứ bà rất yên tâm.
Từ năm 2006 - 2012, bà Hoa đi Singapore hơn 10 lần, tốn kém hàng tỉ đồng. Chỉ riêng lần đầu tiên vào hóa chất bà tốn hơn 400 triệu đồng. Theo bà, mỗi lần đi là 2 - 3 người, ngoài tiền máy bay, ăn ở thì tiền điều trị, thuốc men rất đắt đỏ. Về thuốc, cứ mỗi hộp 100 viên là 3.700 USD/hộp, bà uống trong 3 năm.
Nhưng vì sao bà về lại VN điều trị? Theo bà H., năm 2012, bà gặp được một BS chuyên khoa ung bướu tại TP.HCM tư vấn cho bà quá tốt, tận tình nên bà yên tâm và quyết định không đi Singapore nữa. “BS VN rất giỏi nhưng tôi không tìm thấy sự giao tiếp, tư vấn tốt. Riêng vị BS ở TP.HCM tôi gặp thì nhiệt tình, tư vấn kỹ như cách của BS ở Singapore. Ngoài ra, chi phí điều trị tại BV trong nước cũng khá rẻ, lại có bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán”, bà H. chia sẻ.
Năm 2013, có vấn đề về khớp gối khi tuổi còn trẻ, chị N.T.Đ.T (34 tuổi, ngụ Q.2, TP.HCM) liên hệ với một công ty tế bào gốc tại Thái Lan để chữa trị bằng cách tiêm tế bào gốc tự thân vào khớp gối với tổng chi phí là 25.500 USD. Nhưng phía đối tác bắt chị chuyển tiền qua ngân hàng từ nước ngoài. Tuy nhiên, liệu trình điều trị không như ý muốn, chị T. lại phải tốn khoảng 10.000 USD nữa để chữa những biến chứng của liệu trình điều trị trước.
Khu vực phát thuốc tại một bệnh viện ở Singapore Ảnh: Thanh Tùng

Theo chị T., lúc đó tại VN chưa có ai điều trị được bệnh này nên chị mới đi ra nước ngoài. Tiền mất, bệnh không khỏi, chị T. còn mang sự bực tức vì cho rằng đối tác (người môi giới ra nước ngoài KCB) trốn tránh trách nhiệm giải quyết khiếu nại vì điều trị không như ý. Đến nay sự vụ của chị T. vẫn chưa được giải quyết xong.
Mới đây, chị H. (ngụ TP.HCM) bay sang Thái Lan chỉ để khám, tư vấn do bị stress, trầm cảm. Theo chị H., ở VN chị không biết nơi nào chuyên sâu về tư vấn trầm cảm. Hơn nữa, theo chị với lượng BN quá đông, nếu có thì BS cũng không có thời gian giải thích cặn kẽ nên chị phải qua Thái Lan.
Cả tỉ USD “chảy” ra nước ngoài hằng năm
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế), cho rằng rất khó ước tính khoản phí của người VN ra nước ngoài KCB, do người đi chi trả bằng nhiều hình thức không thống kê được... Tuy nhiên, ước tính mỗi năm người VN chi trả cả tỉ USD để ra nước ngoài KCB, đó là những năm trước đây, còn hiện nay số này giảm hơn (!?).
Theo thống kê của Văn phòng đại diện BV Singapore và Thái Lan tại Hà Nội, những năm qua các nhóm bệnh người VN thường đi ra nước ngoài chữa trị là ung thư, tim mạch, cơ xương khớp, ghép gan, ghép thận, chấn thương thể thao, dịch vụ về sinh sản... Ở nước ngoài, ghép gan, thận đắt hơn gấp đôi tổng chi phí tại BV Việt Đức, trong khi ghép gan, thận trong nước đã được quỹ BHYT chi trả một phần. Người VN đi nước ngoài KCB, theo giải thích của ông Nguyễn Trọng Khoa là: “Do cơ sở vật chất, dịch vụ y tế trong nước không đáp ứng được nhu cầu người bệnh”.
BS Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM, thì cho rằng hiện lượng BN ra nước ngoài KCB có giảm. Đa số BN ra nước ngoài trị bệnh ung thư, tập trung ở Singapore, Đài Loan... Ngoài một số người có tiền muốn nằm thoải mái cao cấp hơn thì lý do nữa là hiện một số thuốc mới VN chưa có. Số BN khác đi vì không muốn để ai biết mình bị ung thư, có bệnh. Cũng có nhiều BN trở về do hết tiền hoặc quá nặng không chữa được.
“Chi phí điều trị ở nước ngoài rất đắt đỏ, một ca ghép tủy tự thân ở VN khoảng từ 8.000 - 15.000 USD, trong khi chi phí ở Singapore thì gấp 10 lần, Đài Loan khoảng 5 lần. Nhưng tất cả các nước đều sử dụng cùng một phác đồ điều trị chung”, BS Dũng nói.
Người bệnh sính ngoại hay mất niềm tin y tế nước nhà?
Ở góc độ chuyên gia điều trị, PGS-TS Nguyễn Hoài Nam, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng ở VN, phần lớn các BV và cơ sở y tế đều quá tải. Một ngày BS phải khám cả trăm BN. Cứ 2 phút một BN; phòng ốc chật hẹp, đầy hơi người thì hỏi làm sao mà nhân viên y tế cười nổi, làm sao mà khám kỹ nổi để BN hài lòng?
Còn theo đại diện Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ, người dân VN có xu hướng đi KCB nước ngoài vì chưa thật sự có niềm tin vào dịch vụ điều trị KCB tại VN. Bên cạnh đó vẫn có lý do cá nhân, gia đình người bệnh. Tuy nhiên, hầu hết liên quan đến vấn đề chuẩn mực chất lượng BV tại VN chưa đạt. Ngoài cơ sở vật chất, quan trọng hơn là nhân viên y tế chăm sóc người bệnh tay nghề vẫn còn chưa cao, chưa đồng bộ và chưa chuẩn mực quốc tế để đảm bảo an toàn người bệnh; cách tư vấn và giải thích về bệnh cảnh và phương hướng điều trị.
Ngoài ra, PGS-TS Hoài Nam nhận xét: “Nhiều BN không tin vào nền y học nước nhà, trong khi những năm gần đây, y học VN đã có nhiều tiến bộ đáng kể”. Trong một số lĩnh vực, lúc đầu các BV ở VN phải đi học ở nước ngoài, về sau do làm nhiều, kinh nghiệm nhiều nên các BV VN đã có những thành công đáng kể mà các BS ở các nước khác phải đến học. Đơn cử như lĩnh vực phẫu thuật nội soi ổ bụng để cắt u đại tràng ở BV Đại học Y Dược, BV Chợ Rẫy… đã có khá nhiều BS ở Malaysia đã đến học ở đây. Ấy vậy mà có BN ra nước ngoài mổ nội soi với giá đắt gấp 17 lần.
Lý giải vấn đề trên, PGS-TS Hoài Nam cho rằng cũng có trường hợp tâm lý sính ngoại, khá nhiều BN hay thân nhân BN đã dùng những kết quả khám bệnh ở nước ngoài để phán xét các thầy thuốc trong nước, đánh giá thấp nền y tế VN. Điều này chưa chính xác.
“Cò” dắt bệnh ra nước ngoài
PGS-TS Nguyễn Hoài Nam nói: Thật ra họ (BV nước ngoài) rất ít quan tâm đến hoàn cảnh của BN và cứ thẳng thừng điều trị, cho làm tất cả các xét nghiệm. Cũng có nhiều hệ lụy đã xảy ra. Có những bệnh quá nặng thì ra nước ngoài cũng “bó tay”, nhưng BN vẫn phải mất một số tiền khá lớn và nợ nần chồng chất cho những người ở lại.
Ở lĩnh vực thẩm mỹ làm đẹp, theo BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc BV thẩm mỹ JW, thì quý bà người VN thường đi Hàn Quốc làm đẹp như nâng mũi, gọt hàm với giá đắt gấp 3 - 4 lần VN; còn nếu qua “cò” thì giá gấp 7 - 10 lần. Tuy nhiên, trong thẩm mỹ ở nước ngoài cũng có những nơi không uy tín, dùng vật liệu kém chất lượng nhưng giá cao và cũng có xảy ra tai biến như mũi lệch, vẹo... mà BN phải trở lại sửa chữa thì chi phí còn tốn hơn rất nhiều.
Duy Tính
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.