Những điều cần biết khi sử dụng nhụy hoa nghệ tây

16/06/2019 08:22 GMT+7

Vài năm trở lại đây, việc sử dụng nhụy hoa nghệ tây (còn gọi là saffron) để làm đẹp và bảo vệ sức khỏe ngày càng được lan truyền rộng rãi.

Theo nghiên cứu của Viện Y tế quốc gia Mỹ, nhụy hoa nghệ tây với dược tính cao và giàu chất chống ô xy hóa, được cho là có tác dụng hỗ trợ giảm cân, cải thiện tâm trạng, thúc đẩy ham muốn tình dục, tăng cường trí nhớ…
Một nghiên cứu được công bố trên Indian Journal of Medical Sciences cho thấy nhụy hoa nghệ tây vô hiệu hóa cholesterol xấu gây tổn thương mô. Các nhà khoa học tin rằng đặc tính chống ô xy hóa của nghệ tây có tác dụng ngừa bệnh tim, giúp giảm huyết áp.
Theo nghiên cứu đăng trên chuyên san Phytotherapy Research, nhụy hoa nghệ tây giúp cải thiện tâm trạng, trí nhớ và khả năng học tập, cũng như bảo vệ các tế bào não khỏi tình trạng ô xy hóa.
Nghiên cứu cho thấy dùng 30 mg nghệ tây mỗi ngày (13 sợi) cũng hiệu quả như Fluoxetine, Imipramine và Citalopram - các phương pháp điều trị thông thường cho bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết cần nhiều nghiên cứu sâu hơn về lợi ích này trước khi sử dụng đại trà.
Saffron giàu chất chống ô xy hóa, giúp trung hòa các gốc tự do có hại vốn liên quan đến các bệnh mãn tính, chẳng hạn như ung thư, theo chuyên san Journal of Traditional & Complementary Medicine.
 Thí nghiệm cho thấy nhụy hoa nghệ tây và các hợp chất của nó tiêu diệt một cách có chọn lọc các tế bào ung thư ruột kết hoặc ngăn chặn sự phát triển của chúng, trong khi không gây tổn hại các tế bào bình thường. Bên cạnh đó, nghiên cứu phát hiện rằng crocin - chất chống ô xy hóa chính trong nghệ tây - làm cho tế bào ung thư nhạy cảm hơn với các loại thuốc hóa trị.
Những điều cần biết khi sử dụng nhụy hoa nghệ tây1
Tác dụng phụ
Theo trang tin WebMD, nghệ tây an toàn cho hầu hết mọi người khi uống trong tối đa 6 tuần. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm khô miệng, lo lắng, chóng mặt, buồn ngủ, buồn nôn, đau đầu.
Không nên uống nghệ tây với hàm lượng lớn. Liều cao có thể gây ngộ độc, bao gồm vàng da, vàng mắt, nôn mửa, chóng mặt, tiêu chảy ra máu, chảy máu mũi...
Đối với thai phụ, uống nghệ tây quá thường xuyên có thể làm tử cung co lại, dễ dẫn đến nguy cơ sẩy thai.
Uống nhụy hoa nghệ tây hàm lượng lớn gây hạ huyết áp ở những người bị huyết áp thấp.
Nghệ tây được cho là giúp cải thiện cuộc sống gối chăn - đặc biệt ở những người dùng thuốc chống trầm cảm. Chẳng hạn, dùng 30 mg nhụy hoa nghệ tây mỗi ngày trong 4 tuần cải thiện đáng kể chức năng cương dương so với giả dược ở nam giới bị rối loạn cương dương liên quan đến thuốc chống trầm cảm.
Ở phụ nữ bị “lãnh cảm” do dùng thuốc chống trầm cảm, 30 mg nghệ tây mỗi ngày trong 4 tuần giúp tiết nhiều chất bôi trơn, làm giảm đau liên quan đến tình dục và tăng ham muốn chuyện phòng the.
Ăn vặt là một thói quen phổ biến dẫn đến nguy cơ tăng cân không mong muốn. Theo một nghiên cứu kéo dài 8 tuần, những phụ nữ sử dụng chiết xuất từ nhụy hoa nghệ tây cảm thấy no lâu hơn, ít ăn vặt và giảm cân đáng kể so với nhóm dùng giả dược.
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) là một thuật ngữ mô tả các triệu chứng về thể chất, cảm xúc và tâm lý xảy ra trước khi bắt đầu một kỳ kinh nguyệt.
Nghiên cứu công bố trên International Journal of Obstetrics & Gynaecology cho thấy nghệ tây giúp điều trị các triệu chứng PMS. Ở phụ nữ 20 - 45 tuổi, uống 30 mg nghệ tây mỗi ngày có hiệu quả hơn so với giả dược trong điều trị các triệu chứng PMS, chẳng hạn như cảm giác khó ở, đau đầu, lo lắng, thèm ăn và đau mỏi cơ thể.
Theo một nghiên cứu khác được đăng trên Journal of Psychosomatic Obstetrics & Gynecology, chỉ cần ngửi mùi nghệ tây trong 20 phút giúp giảm các triệu chứng PMS như lo lắng và giảm mức độ hormone gây căng thẳng cortisol.
Một số công dụng khác của nhụy hoa nghệ tây là trị hen suyễn, giảm ho và long đàm (đờm).
Trà nghệ tây
Cách pha trà nghệ tây khá đơn giản. Bạn chỉ cần ngâm 4 - 5 sợi nhụy hoa nghệ tây trong nước ấm từ 5 - 8 phút, sau đó khuấy đều rồi uống. Ngoài ra, để giảm vị đắng từ loại gia vị này, bạn có thể thêm lá chè hoặc rau húng quế cùng chút mật ong. Không nên uống trà nghệ tây khi bụng đói vì gây cồn cào ruột.
Ngoài ra, trang Eat Beautiful gợi ý công thức làm trà sữa nghệ tây như sau.
- Thành phần: 1 chén rưỡi sữa tươi, 1 chén nước, 15 - 25 sợi nhụy hoa nghệ tây, 3 hạt bạch đậu khấu (có thể có hoặc không), 2 thìa mật ong.
- Cách làm: Đun sôi nước với bạch đậu khấu, để lửa nhỏ trong 5 phút. Sau đó tắt bếp và thêm các sợi nghệ tây, để như vậy trong 5 - 8 phút. Thêm các thành phần còn lại. Khuấy và hâm ở mức âm ấm, đừng để sôi, nhằm bảo vệ các dưỡng chất. Có thể thêm đường nếu cần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.