Trong hầu hết các trường hợp, đau họng có thể được điều trị bằng cách uống nhiều nước và nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, đau họng thường xuyên tái phát có thể là triệu chứng của biến chứng sức khỏe tiềm ẩn hoặc nhiễm trùng nặng.
Nếu bị đau họng mạn tính, cần phải xác định nguyên nhân càng sớm càng tốt để ngăn ngừa các biến chứng tiếp theo.
Cũng có thể cần phải xem xét lại một số thói quen và sinh hoạt có thể gây nhiễm trùng.
Sau đây là những nguyên nhân thường gây đau họng kinh niên, theo Natural News.
1. Hút thuốc
Các hóa chất độc hại trong khói thuốc lá, như khí CO, HCN và khí NO, có thể gây kích ứng mạnh cho cổ họng. Hút thuốc thường xuyên có thể gây đau họng mạn tính do tiếp xúc thường xuyên với các chất kích thích này, từ đó làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư vòm họng. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phế quản và viêm phổi.
2. Dị ứng
Các chất gây dị ứng trong không khí như bụi, phấn hoa, lông và nấm mốc, có thể gây ra phản ứng dị ứng ở những người có hệ miễn dịch quá mẫn.
Một số triệu chứng dị ứng là sổ mũi, đau họng và chảy nước mắt. Trong hầu hết các trường hợp, phản ứng dị ứng là bình thường và thường không cần chữa trị. Tuy nhiên, một số người bị dị ứng theo mùa có thể bị kích ứng mũi và cổ họng dai dẳng khi có nhiều phấn hoa, theo Natural News.
3. Ô nhiễm không khí
Khói thải gồm nhiều hóa chất độc hại, như khí SO2 và khí CO, có thể gây kích ứng mũi, họng và phổi. Những người thường xuyên tiếp xúc với không khí ô nhiễm có thể bị viêm họng dai dẳng, ho và khó thở.
4. Nhiễm trùng
Đau họng cũng có thể do nhiễm virus và nhiễm khuẩn. Ví dụ, cảm lạnh thông thường là một bệnh về đường hô hấp do virus, gây đau họng và chảy nước mũi.
5. Viêm amiđan
Viêm họng cũng có thể do amiđan bị nhiễm trùng và sưng lên gọi là viêm amiđan. Các triệu chứng phổ biến của viêm amiđan gồm ớn lạnh và khó nuốt, theo Natural News.
5. Bệnh da liễu
Bệnh lậu, gây ra bởi vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae, có thể lây nhiễm qua cổ họng khi “yêu” bằng miệng. Các triệu chứng bệnh lậu gồm đau họng, sưng và khó nuốt nghiêm trọng.
6. Trào ngược a xít
Trào ngược a xít biểu hiện bằng chứng ợ nóng. Do a xít dạ dày chảy ngược vào thực quản do các cơ cổ họng bị suy yếu. Trong hầu hết các trường hợp, trào ngược a xít gây đau họng do sự hiện diện của a xít dạ dày ăn mòn trong thực quản.
7. Chảy dịch mũi sau
Chảy dịch mũi sau thường do không khí khô, thay đổi thời tiết và một số loại thực phẩm gây ra. Khi các chất gây dị ứng kích thích mũi, nó có thể dẫn đến sản xuất chất nhầy quá mức. Chất nhầy dư thừa này sau đó chảy ra từ xoang và vào cổ họng, gây ra kích ứng, theo Natural News.
8. Bệnh bạch cầu đơn nhân
Bệnh bạch cầu đơn nhân còn gọi là bệnh “nụ hôn” vì virus lây qua nước bọt, gây sốt, với các triệu chứng giống như cúm, bao gồm đau họng, sưng amidan, đau đầu và mệt mỏi. Hầu hết các trường hợp là nhẹ. Tuy nhiên, có thể kéo dài đến 2 tháng ở những người có hệ miễn dịch yếu.
9. Áp xe quanh amidan
Áp xe quanh amidan là biến chứng của viêm amidan. Nếu amidan bị nhiễm trùng mà không không được điều trị, sẽ dẫn đến hình thành áp xe trên bề mặt amidan, gây đau dữ dội và sưng ở cổ họng, hàm, tai và cổ.
Trong hầu hết các trường hợp, đau họng có thể tự khỏi sau một vài ngày, tùy thuộc vào nguyên nhân.
Tuy nhiên, nhiễm trùng cổ họng mạn tính có thể cần thời gian để chữa lành và có thể cần thay đổi thói quen ăn uống hoặc sinh hoạt, theo Natural News.
Bình luận (0)