Hôm nay (31.8), Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) cho biết bệnh viện này đã phối hợp cùng Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) thực hiện thành công ca mổ lấy thai phức tạp, cứu sống bé sơ sinh non tháng có khối u Teratoma vùng mặt cổ rất lớn. Em bé có nguy cơ tử vong ngay sau khi lọt lòng mẹ do bị chèn ép đường thở.
Đây là trường hợp rất hiếm gặp.
Can thiệp phẫu thuật cho em bé ngay khi vừa rời bụng mẹ
Bác sĩ Nguyễn Vạn Thông, Trưởng khoa Di truyền y học (Bệnh viện Hùng Vương), cho biết: Thai nhi là con thứ 3 của sản phụ N.T.L (34 tuổi). Khi khám thai đến tuần 20 thì phát hiện thai có khối u lớn vùng cổ mặt, nghi là u Teratoma kèm theo tình trạng tim lớn hơn bình thường.
Thai phụ được chỉ định chọc ối để xét nghiệm gien và phát hiện có bất thường nhiếm sắc thể số 8.
Tuy nhiên, sau khi được bác sĩ tư vấn, giải thích, gia đình vẫn quyết định giữ thai, với hy vọng kỹ thuật y học hiện đại sẽ có thể giúp được bé.
Đến tuần thứ 34, tình trạng thai diễn tiến nguy hiểm khi đa ối nặng, chậm tăng trưởng.
Qua hình ảnh chụp cộng hưởng từ MRI xác định khối u có kích thước lớn 108x88x72 mm: xâm lấn cằm, sàn miệng, hai bên vùng mặt vào khoang cạnh hầu, lan xuống trung thất trên, bao quanh các mạch máu lớn trung thất, nghi ngờ chèn ép khí quản.
Sau hội chẩn, các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã quyết định mổ lấy thai, chuẩn bị thực hiện thủ thuật EXIT nếu cần thiết để cứu sống em bé.
EXIT (Extrauterine Intrapartum Treatment) là kỹ thuật xử trí ngoài tử cung trong lúc sinh, tức các bác sĩ sẽ can thiệp phẫu thuật cho em bé ngay khi vừa rời bụng mẹ, ngay trong cuộc sinh. Đây là kỹ thuật chuyên sâu được áp dụng trong các trường hợp thai nhi bị chèn ép đường thở do các khối u bẩm sinh vùng hầu họng.
Ngay trong cuộc sinh, ê kíp mổ do các bác sĩ nhiều kinh nghiệm của khoa Sản bệnh, khoa Sơ sinh (Bệnh viện Hùng Vương), phối hợp cùng các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã cứu thành công bé gái vừa chào đời, cân nặng 2.260g (2,26 kg).
Ngay sau khi được lấy ra khỏi bụng mẹ, em bé được hỗ trợ hô hấp qua nội khí quản và chuyển về Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp tục chăm sóc.
Hai bệnh viện phối hợp hiệu quả
“Việc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cử bác sĩ qua Bệnh viện Hùng Vương cùng cấp cứu em bé ngay trong ca phẫu thuật ngay lúc sinh, sau đó mới chuyển viện, đã giúp cho việc chuyển bệnh trên được an toàn hơn và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng chủ động hơn khi tiếp nhận bé”, bác sĩ Thông đánh giá.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, thời gian qua các bác sĩ sản - nhi của hai bệnh viện Hùng Vương và Nhi đồng Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong cấp cứu, điều trị bệnh lý sơ sinh.
Quy trình hội chẩn liên viện giữa đơn vị Chẩn đoán tiền sản, Khoa Di truyền y học và Khoa Sản bệnh của Bệnh viện Hùng Vương với Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trong thời gian qua được phối hợp rất có hiệu quả giữa chẩn đoán, theo dõi và can thiệp, cũng như trao đổi kinh nghiệm. Nhờ đó đã cứu sống nhiều trẻ sinh cực non, trẻ bị dị tật nặng, bệnh bẩm sinh, khối u… mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều gia đình.
Bình luận (0)