Phẫu thuật 'sửa lỗi' cho trái tim nhỏ bằng ngón tay cái của em bé sinh non

01/07/2019 20:33 GMT+7

Đây là trường hợp em bé sinh non nhẹ cân nhất (1,6 kg) được phẫu thuật tim hở tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Với trái tim chỉ nhỏ bằng ngón tay cái, các bác sĩ phải mổ, khâu vá tỉ mỉ từng chi tiết.

Chiều nay (7.1), Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) công bố sức khỏe của em bé sinh non nhẹ cân nhất được mổ tim tại bệnh viện đã ổn định, sau ca phẫu thuật thành công.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tim, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết: Em bé sinh non khi mới được 30 tuần tuổi thai, tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) vào ngày 20.4. Bé là con thứ hai trong cặp sinh đôi của sản phụ L.N.A.T (ngụ Tiền Giang).
Sau sinh, qua siêu âm tim, các bác sĩ xác định em bé có hai dị tật tim bẩm sinh là tồn tại ống động mạch lớn 6 mm và có lỗ thông liên thất lớn 7 mm. Em bé được điều trị bằng thuốc với kỳ vọng sẽ đóng lại ống động mạch và thuốc chống suy tim. Tuy nhiên, tình trạng của bé không cải thiện.
Các bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 đã hội chẩn và lên phương án phẫu thuật sửa chữa dị tật tim cho em bé. Bệnh nhi đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 khi được 32 ngày tuổi (ngày 21.5).
“Ống động mạch tồn tại trong giai đoạn bào thai và sẽ đóng lại khi thai nhi được sinh ra. Tuy nhiên, em bé bị dị tật ống động mạch không đóng lại sau khi đã chào đời nên máu bị “cướp” qua ống động mạch lưu thông lên phổi, gây suy phổi, chứ không được vận chuyển đến nuôi các cơ quan ở bụng”, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trí Hào, Phó trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1, giải thích.
Mặt khác, lỗ thông liên thất của em bé cũng quá lớn (7 mm đối với bé sinh non chỉ 1 kg).
Cả hai dị tật này cùng lúc khiến em bé tiến triển suy tim nặng, viêm phổi nặng.
“Em bé sinh non còn quá nhỏ, nhẹ cân nên việc phẫu thuật rất khó khăn, có nhiều nguy cơ. Các bác sĩ đã cố gắng nuôi để em bé lớn hơn, cân nặng hơn rồi mới phẫu thuật. Tuy nhiên, với tình trạng suy tim rất nặng, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, sự sống còn của bé rất mong manh. Cân nhắc thiệt hơn, nguy cơ của các phương án, cuối cùng, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cho em bé”, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Trân Châu, Phó trưởng Khoa Hồi sức ngoại, chia sẻ.
Bệnh nhi đã được phẫu thuật cột ống động mạch khi được cân nặng 1,3 kg (37 ngày tuổi) vào ngày 28.5.
Sau đó (ngày 24.6), em bé tiếp tục được phẫu thuật tim hở để đóng hoàn chỉnh lỗ thông liên thất khi cân nặng được 1,6 kg (39 ngày tuổi).

Em bé đã hồi phục sức khỏe sau mổ, được bác sĩ thăm khám

Nguyên Mi

Ca phẫu thuật thành công. Sau phẫu thuật 30 giờ, em bé đã được cai máy thở, có thể tự thở bình thường.
Đến hôm nay (1.7), sức khỏe em bé đã ổn định, cân nặng được 1,7 kg; bú khỏe (40ml sữa/lần và 8 cử/ngày). Dự kiến, em bé có thể xuất viện sau 1 tuần nữa.
Theo ghi nhận của Bệnh viện Nhi đồng 1, đây là ca phẫu thuật tim hở cho em bé sinh non nhẹ cân nhất được thực hiện tại đây.

Tỉ mỉ “sửa lỗi” cho trái tim nhỏ chỉ bằng ngón tay cái

Theo bác sĩ Hào, thông liên thất không phải là một dị tật tim phức tạp. Đây là dị tật khá phổ biến trong các loại dị tật tim bẩm sinh (chiếm khoảng 20% trong tổng số các dị tật tim bẩm sinh). Các trường hợp thông liên thất cũng không đòi hỏi cần thiết phải mổ ngay.
Tuy nhiên, với trường hợp em bé này nguy hiểm đến tính mạng bởi lỗ thông liên thất lại rất lớn, so với em bé sinh non quá nhỏ. Lỗ thông liên thất 7 mm, trong khi trái tim của em bé chỉ nhỏ bằng ngón tay cái của người lớn.
“Trái tim của em bé nhỏ xíu, chỉ bằng đầu ngón tay cái. Các mạch máu rất mỏng manh, cơ tim cũng rất mỏng nên bác sĩ phẫu thuật rất khó khăn. Chúng tôi phải tỉ mỉ, nhẹ nhàng bốc tách, khâu vá, sửa chữa lỗi cho trái tim. Dù sử dụng kim và chỉ nhỏ nhất nhưng việc khâu cũng rất khó, cần cẩn thận tuyệt đối. Các bác sĩ rất sợ có thể làm rách tim trong khi phẫu thuật; hoặc khâu xong rồi, đến khi tim đập lại vẫn có khả năng làm rách tim. Một nguy cơ thứ hai là nếu không tỉ mỉ, việc khâu vá có thể trúng dây thần kinh ở tim thì dù có đóng được lỗ thông tim nhưng tim bị “đờ”, không đập, bệnh nhi tử vong”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Theo bác sĩ Nguyễn Quý Hợp, Khoa Hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhi đồng 1: Với trẻ em, mổ tim kín được dùng để sửa chữa các dị tật ngoài tim, mổ đơn giản. Mổ tim hở để sửa chữa các dị tật bên trong tim nên việc phẫu thuật phức tạo hơn. Em bé phải được cho tim tạm ngưng hoạt động, rút hết máu ra và được tuần hoàn ngoài cơ thể (hoạt động thay tim) để bơm máu và khí ô xy đi nuôi cơ thể.
Với một bé nhẹ cân, non tháng, hoạt động và các cơ quan trong cơ thể còn chưa hoàn thiện thì ca phẫu thuật tim diễn ra với nhiều khó khăn và các bác sĩ phải tính toán, cân nhắc, thực hiện tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ từ ml máu đến nhịp thở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.